(Baonghean) - Dư luận cả nước nóng dần lên sau lời khẳng định của Tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) về việc thử nghiệm hai dự án bôxít Tân Rai và Nhân Cơ là “Cảnh báo của các nhà khoa học về Dự án bôxít ở Tây Nguyên đang dần đúng. Dự án vẫn được thải bằng công nghệ rẻ tiền, nhiều rủi ro… Nếu làm đến cùng thì bôxít sẽ trở thành gánh nặng kinh tế!”. Rồi ông tính toán là nếu được ưu đãi hết mức thì mỗi tấn alumina khi xuất khẩu sẽ lỗ ít nhất 55 USD, mỗi năm Vinacomin lỗ ít nhất 33 triệu USD. Vì thế Tiến sỹ Sơn kiến nghị lãnh đạo Vinacomin xin Chính phủ cho dừng ngay dự án Nhân Cơ, chờ khi nào Tân Rai có hiệu quả sẽ làm tiếp. Tuy nhiên, sau lời khẳng định đó vài ngày, ông Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam Trần Văn Chiều trả lời báo chí về kết quả của các dự án bô xít Tây Nguyên đã biện luận: Sẽ không công bằng nếu đánh giá hiệu quả kinh tế dự án chỉ căn cứ vào hiệu quả kinh tế đơn thuần của dự án đối với chủ đầu tư mà không tính đến hiệu quả kinh tế-xã hội lan tỏa, cũng như ý nghĩa chính trị, quốc phòng - an ninh đối với địa phương và khu vực Tây Nguyên. Dự án sẽ thu hút khoảng 1.500 lao động địa phương, đóng góp cho ngân sách Trung ương và địa phương, tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như hạ tầng kỹ thuật, văn hóa, xã hội cho địa phương và khu vực.
Ở đây, chúng ta chưa vội bàn đến chuyện nên hay không nên dừng Dự án bô xít Tây nguyên, mà nên nhìn nhận thật thấu đáo về vấn đề cần lựa chọn giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Thẳng thừng mà nói, phải đạt được hiệu quả kinh tế thì mới có tiềm lực tài chính để giải quyết những vấn đề xã hội. Còn như nói xây dựng một nhà máy hay thực hiện một dự án là nhằm đạt được hiệu quả xã hội hơn là kinh tế thì cũng nên cân nhắc sao cho có kết quả là hòa vốn chứ không được lỗ. Vì nếu cứ lỗ lũy kế kéo dài triền miên thì lấy gì mà tái đầu tư vào sản xuất. Không tái đầu tư sản xuất thì lấy đâu ra việc làm, lương, thưởng cho lao động. Đến lúc đó thì hiệu quả kinh tế cũng như hiệu quả xã hội đều không đạt được. Chứ đừng nói đến chuyện tạo sức lan tỏa. Còn nếu cứ lấy tiền ngân sách hay điều chuyển tiền từ các nguồn vốn khác để bù lỗ thì sớm hay muộn sẽ trở thành gánh nặng cho cả nền kinh tế. Trường hợp Vinashin là bài học đắt giá cho việc lẫn lộn giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Trước khi lâm vào tình trạng phá sản, đã có rất nhiều nghi vấn về hiệu quả kinh tế đạt được trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinashin. Cụ thể là trong những lần làm việc với lãnh đạo các công ty trực thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam, người viết bài này đã nhiều lần hỏi thẳng là đóng xong một con tàu lãi được bao nhiêu. Không bao giờ người hỏi có được câu trả lời cụ thể là bao nhiêu triệu đồng, bao nhiêu tỷ đồng mà thường là bị dẫn sang hiệu quả xã hội là giải quyết được bao nhiêu nghìn lao động có việc làm với thu nhập ổn định, đóng góp cho xã hội bao nhiêu, nộp ngân sách bao nhiêu… Kết cục là khi phá sản, hàng chục nghìn người lao động thuộc Vinashin đã phải chịu cảnh không việc làm, không thu nhập.
Vậy là hiệu quả kinh tế không có mà hiệu quả xã hội cũng không có nốt. Để lại di chứng hết sức nặng nề cho nền kinh tế của đất nước. Cho nên cần phải phân định rạch ròi, không được lẫn lộn giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Và cần lấy hiệu quả kinh tế làm điều kiện tiên quyết để có điều kiện giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Còn nếu cứ lấy cái này để bao biện cho cái nọ thì ai dám chắc kết cục sẽ không như đã xảy ra ở Vinashin?
Cần rạch ròi giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội
Duy Hương (Báo Nhân Dân)