(Baonghean) - Tương Dương là một trong 3 huyện nghèo nhất của tỉnh Nghệ An nhưng nếu xét về điều kiện tự nhiên, huyện có nhiều lợi thế so sánh để vươn lên thoát nghèo. Vấn đề cần nhất lúc này là nhận diện và đầu tư nhân rộng những mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đó là vấn đề được chỉ ra trong chuyến công tác của đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy tại Tương Dương vừa qua.
 
images985239_1a.jpgTrang trại tổng hợp của ông Nguyễn Nhật Thực ở bản Xiêng Hương - xã Xá Lượng - Tương Dương. Ảnh: N.S
 
Khi nhắc đến Tương Dương, hẳn nhiều người sẽ hình dung về một vùng đất khô cằn, đồi núi trập trùng và nổi tiếng với đặc sản “nóng”. Cũng vì nguyên do đó mà mảnh đất nơi dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ hợp lưu thành dòng sông Cả (sông Lam) được ví von rất hình ảnh: “Chảo lửa Đông Dương”. Những ngày cuối tháng 5, xứ Nghệ nóng quay quắt, gió Lào thổi rạt bờ tre, tôi có dịp theo đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Hồ Đức Phớc – Bí thư Tỉnh ủy đến làm việc tại Tương Dương. Trái ngược với hình dung ban đầu, Tương Dương đón chúng tôi với những cơn mưa rào nhẹ, tiết trời bỗng dịu mát. Một người bạn đất Tương Dương bảo: “Cơn mưa hôm nay mang về bạc tỷ”. Cũng chẳng thể định lượng được lời anh bạn đúng mấy phần nhưng chắc chắn với người nông dân Tương Dương, cơn mưa không chỉ làm vơi cái không khí oi nóng mà còn xóa tan phần nào nỗi lo của mùa khô hạn. Thiên nhiên quá khắc nghiệt, ắt điều đó cũng lý giải phần nào “cái duyên” gắn với chữ nghèo của mảnh đất này dẫu Tương Dương được đánh giá có rất nhiều tiềm năng. Vì vậy, thoát nghèo cho cả vùng miền Tây rộng lớn của Nghệ An nói chung và Tương Dương nói riêng đã trở thành nỗi trăn trở không của riêng ai, mà trở thành một vấn đề chung, nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo các cấp. 
 
Do đó, lên với Tương Dương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc không chỉ quan tâm đến vấn đề dân sinh, các chiến sỹ biên phòng đóng quân nơi biên giới xa xôi mà còn dành sự quan tâm rất lớn đến việc phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là xây dựng các mô hình nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân. Vì vậy, rời bản Tùng Hương, xã Tam Quang khi trời đã gần trưa, đoàn công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vẫn dành thời gian đến thăm công trình Thủy điện Nậm Nơn đang được xây dựng trên dòng sông cùng tên. Công trình được khởi công từ cuối năm 2011 với 2 tổ máy có công suất 20MW. Khi dự án hoàn thành và dự kiến phát điện ngay trong năm nay sẽ cung cấp nguồn điện ổn định cho các địa phương dọc Quốc lộ 7.
 
Cách Thủy điện Nậm Nơn không xa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vào thăm mô hình kinh tế của ông Nguyễn Nhật Thực ở bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng. Cách đây 7 năm, lúc đó vừa tròn 80 tuổi, mặc dù cuộc sống không thuộc diện khó khăn, vất vả nhưng ông Thực vẫn bắt tay xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Trong khoảnh vườn nhỏ, ông đầu tư nuôi nhím, hươu sao, lợn rừng cho thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm. Thu nhập trên có thể không lớn với những mô hình chăn nuôi ở vùng xuôi nhưng ở trên mảnh đất Tương Dương và với một người cao tuổi, điều đó thực sự để lại ấn tượng cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí trong đoàn công tác của tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, lão niên 60 năm tuổi đảng rất hay chuyện chia sẻ: “Mảnh đất Tương Dương còn nghèo, do đó mỗi người dân phải tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình khấm khá hơn. Nhất là với đảng viên càng phải tiên phong đi đầu”.
 
Thoát nghèo từ các mô hình kinh tế như gia đình ông Thực cũng là hướng đi được huyện Tương Dương quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua. Chỉ tính riêng trong năm 2013, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Tương Dương đã đầu tư hơn 21 tỷ đồng để phát triển sản xuất, trong đó xây dựng được 78 mô hình phát triển kinh tế trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, xây dựng làng nghề nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Chính quyền huyện cũng đã vận dụng lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án lên đến hơn 180 tỷ đồng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như đường giao thông, cầu treo, nhà văn hóa cộng đồng… Hướng đi mới và những hoàn thiện cơ bản về hạ tầng đã góp phần tạo nên một diện mạo mới cho Tương Dương. Bằng chứng là trong năm 2013, thu ngân sách trên địa bàn đạt 16 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; thu nhập bình quân đầu người đạt 15,8 triệu đồng, tăng 9,7% so với năm 2012. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,7%, từ 58,2 xuống còn 51,5%. 
 
Những con số thống kê trên được chính đồng chí Lương Thanh Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương báo cáo trong buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh. Kết quả đạt được là đáng khích lệ nhưng rõ ràng ngần ấy vẫn chưa đủ để Tương Dương tạo được một cú hích thực sự cho sự phát triển của địa phương. Bởi nếu so sánh với tốc độ giảm nghèo bình quân chung cả nước là 2% thì rõ ràng tốc độ giảm nghèo của Tương Dương là nhanh. Nhưng đặt trong bức tranh tổng thể, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước là 8%, trong khi Nghệ An vẫn còn 12,5%. Nhìn trên bình diện toàn tỉnh, bình quân hộ nghèo chung của các huyện đồng bằng vào khoảng 2,5% nhưng tại các huyện miền núi và miền núi cao còn quá cao. Vì vậy, nếu Tương Dương và các huyện vùng cao không giảm nghèo với tốc độ nhanh hơn nữa thì việc đưa tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh thấp hơn bình quân chung của cả nước vào cuối năm 2015 là rất khó đạt. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc chỉ rõ nguyên nhân: Mức thu nhập bình quân đầu người của Tương Dương tăng nhưng vẫn thấp hơn bình quân của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng của huyện năm 2013 cũng chỉ đạt 4,6%, thấp hơn của tỉnh. Như vậy, huyện vẫn chưa có đột phá về mặt kinh tế. Nguyên nhân chính là Tương Dương thực sự vẫn còn lúng túng trong việc xác định hướng đột phá, chưa xác định được giống cây con chủ yếu để tập trung chỉ đạo, đầu tư; xây dựng, phát triển và nhân rộng mô hình.
 
Chính vấn đề này cũng được đồng chí Lương Thanh Hải – Bí thư Huyện ủy Tương Dương thẳng thắn thừa nhận và xem đó như là một trong những hạn chế, khuyết điểm của huyện: “Năng lực chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực nông nghiệp từ huyện đến cơ sở còn hạn chế dẫn đến sai sót và hiệu quả chưa cao. Việc tháo gỡ vướng mắc trong trồng rừng, chăn nuôi, xác định cây con chủ lực; phát hiện, xử lý dịch bệnh còn chậm”. Xác định rõ được nguyên nhân, vấn đề là tìm ra giải pháp phù hợp cho Tương Dương phát triển nhanh.
 
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến thảo luận và giải pháp được các đồng chí lãnh đạo tỉnh đưa ra nhằm “hiến kế” và cũng đồng thời tìm hướng hỗ trợ thiết thực cho huyện. Một người gắn bó và nắm rất rõ địa bàn miền Tây xứ Nghệ đó là đồng chí Lương Quang Kình - Trưởng ban Dân tộc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa bàn Tương Dương, nêu quan điểm: “Việc xây dựng và phát triển các mô hình của Tương Dương là hướng đi đúng. Tuy nhiên, việc nhận diện mô hình phù hợp và cả nguồn vốn đầu tư hỗ trợ, nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, tôi đề nghị huyện và tỉnh nên tập trung mũi phát triển chủ đạo là chăn nuôi bò thành hướng sản xuất hàng hóa. Bởi qua khảo sát và xem xét thì chăn nuôi bò theo hình thức đại trà rất phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Tương Dương. Bên cạnh đó, huyện cần quan tâm xúc tiến phát triển du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản gắn với các vùng lòng hồ thủy điện”.
 
Đồng quan điểm tìm hướng đột phá trong nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh cho rằng: “Tương Dương chuyển hướng từ trồng rừng tập trung sang trồng rừng phân tán là hướng đi đúng nằm nâng cao sản lượng, chất lượng gỗ tương thích với thị trường. Tuy nhiên, huyện phải gắn trồng rừng với thị trường, chế biến và tiêu thụ, trong đó xác định cơ cấu cây bản địa và cây có giá trị cao. Bên cạnh đó, Tương Dương cũng cần đánh giá tiềm năng các hồ thủy điện trên địa bàn để có chương trình khai thác, sử dụng hợp lý. Bởi các hồ thủy điện có tiềm năng rất lớn trong nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy và du lịch”.
 
Chia sẻ và rất trăn trở nhằm đưa Tương Dương thoát nghèo, đồng chí Hồ Đức Phớc rất đồng tình với việc xây dựng các mô hình kinh tế. Tuy nhiên, để đạt kết quả cao, Tương Dương cần tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả 78 mô hình đang triển khai trên địa bàn xem mô hình nào hiệu quả thì tập trung triển khai nhân rộng. Bên cạnh đó, huyện cần tập trung phát triển kinh tế rừng, bởi với diện tích tự nhiên hơn 281 ngàn ha, lớn nhất tỉnh và dân số chỉ hơn 71 ngàn người, Tương Dương có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế rừng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Tất yếu trong quá trình thực hiện, tỉnh và các ban ngành liên quan sẽ có phương án hỗ trợ huyện cả về vấn đề kinh phí, tuyển chọn giống cây con và thị trường. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Hiện nay, đã có nhà đầu tư đồng ý xây dựng nhà máy sản xuất than sạch xuất khẩu theo công nghệ Đức tại huyện Anh Sơn, phấn đấu sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2015. Nhu cầu nguyên liệu gỗ của nhà máy này rất lớn. Do đó, Tương Dương cần tập trung đầu tư khai thác tiềm năng đất rừng và rừng. Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng giao nhiệm vụ cho Sở NN - PTNT cần giúp Tương Dương về giống cây con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương cũng như công tác thú y, phòng dịch.
 
Thời gian làm việc chỉ vỏn vẹn một ngày nhưng những vấn đề được đặt ra và những gợi mở trong chuyến làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Tương Dương hết sức cấp thiết và thời sự. Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của địa phương, Tương Dương sẽ thoát nghèo nhanh và bền vững, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của tỉnh.
 
 
Thành Duy