(Baonghean) - Sáng 14/7, tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, đông đảo quan khách và người dân đã tề tựu về đây để dự Lễ khánh thánh Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Về Truông Bồn hôm nay, tất cả mọi người mang theo một tâm niệm - Nhớ ơn các Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập dân tộc, vì sự phát triển trường tồn của đất nước.

Trong ngày lễ khánh thành Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, hàng nghìn cán bộ, cựu chiến binh, cựu TNXP và nhân dân khắp mọi miền đã tìm về với tấm lòng thành kính, biết ơn.

Bà Lê Thị Tư, năm nay 89 tuổi, ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn đã nhờ người hàng xóm, chị Trần Thị Hải chở bằng xe máy, vượt hơn 30 km đến Truông Bồn. Giọng run run, bà Tư tâm sự: “Bà nghe nói, Nhà tưởng niệm TNXP làm đẹp lắm nên muốn đến xem và tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ. Hôm nay, bên cạnh tổ chức Lễ khánh thành, Ban Tổ chức còn tổ chức lễ cầu siêu cho hương hồn liệt sỹ, bà sẽ dự và cầu nguyện…”.

Còn đối với anh Trương Đình Bảy, cán bộ Đoàn xã Đông Sơn (Đô Lương) cách Truông Bồn 20 km đến từ rất sớm để cùng thanh niên huyện phục vụ buổi lễ khánh thành cảm động cho biết: “Chúng em được sống trong hòa bình, ổn định hôm nay là nhờ công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ và các thương, bệnh binh khắp cả nước. Một thời cả nước ta ra trận, một thời bom đạn đã tàn phá Truông Bồn… chúng em ý thức rằng thế hệ trẻ hôm nay và mai sau phải xác định rõ trách nhiệm kế tiếp truyền thống cha anh, bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước…”.

Với ý nghĩ đó, 36 hộ gia đình ở xóm 10, xã Mỹ Sơn (Đô Lương) đã đồng thuận cao, dời nhà cửa, ruộng vườn để góp quĩ đất hơn 20 ha xây dựng Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Cũng với ý nghĩa tri ân, trong danh sách các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ đầu tư xây dựng dự án ngày càng nhiều hơn, số lượng hiện vật quyên góp ngày càng lớn. Và sự khởi đầu của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tài trợ 22,9 tỷ đồng xây dựng hạng mục Nhà tưởng niệm mà hôm nay làm lễ khánh thành đang tạo một khí thế, sự tri ân sâu sắc của các Anh hùng liệt sỹ Truông Bồn để nhanh chóng xây dựng nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ”, mang giá trị giáo dục truyền thống.

799112_small_101055.jpg

                 Các cựu TNXP ôn lại kỷ niệm một thời oanh liệt. Ảnh: Hữu nghĩa

Không thể kìm nén những cảm xúc lâu ngày trở lại, ông Phan Đình Tâm, cựu TNXP từng công tác trên tuyến đường 15 khốc liệt này cùng các đồng đội ở Xuân Lâm, Nam Đàn tâm sự: “Trong kháng chiến chống Mỹ, đường 15A là huyết mạch chính để vận chuyển người, lương thực, súng đạn phục vụ miền Nam đánh giặc. Hồi đó, bom đạn trút xuống ngày đêm nhưng lực lượng TNXP chúng tôi vẫn bám trụ, san đường sau mỗi trận bom, hướng dẫn cho xe qua… Đêm 30, rạng sáng 31/10/1968 hàng loạt bom đạn Mỹ đã vùi lấp 13/14 TNXP đang làm nhiệm vụ, họ đã nằm lại khi tuổi mới 19, đôi mươi… Hồi đó, Truông Bồn là một bãi trắng hoang tàn. Trong một địa bàn nhỏ ấy thôi mà chúng ta đã hy sinh đến gần 1.300 người, trong đó có cả TNXP, dân quân tự vệ, công nhân ngành Giao thông Vận tải, tôi có người bạn rất thân quê ở Quỳnh Lưu cũng hy sinh trên tuyến lửa này...”.

Trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, trên mảnh đất hình chữ S, nơi đâu cũng ghi dấu những chứng tích anh hùng của quân và dân ta. Trên tuyến đường rực lửa 15A, Truông Bồn đã trở thành huyền thoại bởi sự hy sinh của các chàng trai, cô gái trong Đại đội TNXP 317. Thời ấy, ở “tọa độ lửa” Truông Bồn, tất cả các TNXP và cán bộ ngành Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ “bằng mọi giá, phải giữ được huyết mạch giao thông”.

Để thực hiện quyết tâm ấy, Đại đội 317 đã phát động chiến dịch 100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông. Mỗi ngày, đơn vị đã cử 14 chiến sĩ làm nhiệm vụ trực chiến 24/24h để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ, đánh dấu vị trí bom nổ chậm để phá bom, san lấp hố bom bảo đảm mặt đường. Hàng đêm, họ- với chiếc áo trắng làm “cọc tiêu sống” dẫn hàng ngàn chuyến xe chở hàng vào Nam vượt qua trọng điểm an toàn. Nhưng đúng sáng ngày 31/10/1968, đế quốc Mỹ đã điên cuồng dội bom xuống Truông Bồn, làm cho 13/14 TNXP bị vùi sâu, vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất kiên trung.

Hôm nay, “Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Truông Bồn” được xây dựng khang trang, thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với sự hy sinh anh dũng của lực lượng vũ trang, TNXP trên tuyến lửa 15A. Đến dự Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm, chị Trần Thị Thông - Tiểu đội trưởng, người sống sót duy nhất trong số 14 TNXP năm xưa như cạn dòng nước mắt kể lại những gian khó thời đạn bom, mà theo chị mình là người may mắn nhất được cứu sống từ đống đất đá.

Trong câu chuyện kể, chị Thông gạt nước mắt, nghẹn ngào thương xót: “Trước đêm định mệnh đó, biết tin đồng chí Cao Ngọc Hòa (Diễn Châu) và Nguyễn Thị Tâm (Yên Thành) sắp cưới, cả đại đội ai cũng mừng, hai người đẹp đôi lắm. Sáng tinh mơ hôm ấy, khi ra hiện trường, nhận mấy lát mì luộc khẩu phần buổi sáng, Tâm còn xé nửa miếng mì luộc âu yếm đưa cho người yêu, mấy chị em thấy vậy vỗ tay hoan hô: “Mau mau mời bọn tôi ăn kẹo đấy nhé!”. Không ngờ chỉ chưa đầy một giờ sau tất cả đều bị vùi chung vào đất đá!... Còn các chị Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Phan Thị Dung, Vũ Thị Hiên và Nguyễn Thị Phúc đang hồ hởi sau ngày này sẽ về nhà chuẩn bị đi học ở Trường Trung cấp Y tế Nghệ An do thành tích công tác đủ 3 năm ở tổng đội, những tờ giấy báo nhập học đang cột trong khăn mùi xoa buộc ở cổ tay…”.

Về Truông Bồn trong dịp khánh thành Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước luôn biết ơn sâu nặng đến các anh hùng liệt sỹ, các cựu TNXP đã cống hiến tuổi trẻ của mình của sự nghiệp giải phóng đất nước. Thế hệ hôm nay và mai sau khắc ghi, nguyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Nỗi đau và mất mát hy sinh của các anh, chị tuổi đôi mươi tại Truông Bồn cách đây 45 năm là một kỳ tích của lực lượng TNXP, nay đã trở thành huyền thoại, là địa chỉ đỏ và mảnh đất thiêng, là hình ảnh sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc…”.

Chứng kiến buổi lễ trang trọng khánh thành Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và tham quan bàn thờ, tượng của 13 TNXP hy sinh, ông Nguyễn Đình Sáu - xóm 10, xã Mỹ Sơn phấn khởi tâm sự: “Hoạt động đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước, các ban, ngành cấp tỉnh cùng nhân dân khắp mọi miền đã xây dựng nên một khu di tích khang trang, bền vững, có ý nghĩa giáo dục truyền thống bền lâu. Không chỉ riêng gia đình tôi mà 112 hộ dân xóm 10 cùng nhân dân Mỹ Sơn nói riêng, huyện Đô Lương nói chung rất tự hào...”.

Bây giờ, trong Nhà tưởng niệm các TNXP tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, tượng đồng của 13 TNXP được dựng lên trang trọng với tượng đài chiến thắng. Trên khuôn mặt các nam, nữ TNXP được lấy nguyên mẫu ảnh cách đây hơn 45 năm, chúng tôi nhận thấy sự tươi vui, rạng ngời với niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mà các anh, chị tham gia. Những di tượng của TNXP với niềm tin đó đã tiếp thêm ý chí, nghị lực cho thế hệ trẻ hôm nay vững bước trên con đường hội nhập và phát triển…


Nguyên Sơn