(Baonghean) - Tháng 4 là đợt cao điểm diễn ra Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) trên 21 đơn vị toàn tỉnh. Với mục tiêu chính là tuyên truyền, vận động, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ tại vùng núi cao, vùng đặc biệt khó khăn...

Một ngày đầu tháng 4, đúng 7 giờ 30 phút sáng tại xã Yên Hòa (Tương Dương) gần 500 đại biểu từ cấp tỉnh, huyện, xã và nhân dân trên địa bàn đã có mặt đầy đủ. Với không khí rộn ràng của ngày hội chiến dịch vùng cao, từ các tiết mục múa độc đáo của bản Xiềng Líp, Cành Khỉn, Xốp Cháo nhộn sắc màu trang phục đồng bào Khơ mú, Thái...
 
Theo ông Lô Thái Sinh - Phó Chủ tịch, Trưởng Ban chỉ đạo công tác Dân số xã: "Ở đây, đồng bào chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhận thức về chăm sóc SKSS còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức Lễ phát động chiến dịch tại xã là một ngày hội vui. Hoạt động này thể hiện sự quan tâm của tỉnh, huyện đối với công tác Dân số - CSSKSS/KHHGĐ ở vùng núi khó khăn của chúng tôi".
 
Có mặt ở ngày vui này, ông Phan Văn Huê - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số/KHHGĐ tỉnh cho biết: Tương Dương có 15/17 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, được trợ cấp kinh phí để triển khai chiến dịch. Trong những năm qua, với sự nỗ lực không ngừng của những người làm công tác dân số, sự phối hợp vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể Tương Dương là đơn vị duy nhất của tỉnh có 2  địa phương (xã Tam Thái, Thị trấn Hòa Bình) năm 2014 không có người sinh con thứ 3, đặc biệt Tam Thái là đơn vị 3 năm liền không có người sinh con thứ 3. Hy vọng rằng năm 2015, xã Yên Hòa sẽ góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu Dân số/KHHGĐ đề ra, góp phần nâng cao chất lượng dân số...
 
images1154289_dsc00946.jpgLễ phát động chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở xã Yên Hòa (Tương Dương).
 
Ngược vùng biên giới giáp Lào, chúng tôi đến với xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Trên đường từ Thị trấn Mường Xén đến xã Mỹ Lý rất ấn tượng  về những băng rôn, khẩu hiệu có nội dung tuyên truyền  "Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt", "Dân số ổn định, xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc"... đỏ rợp đường... Hội trường xã Mỹ Lý chật cứng người, đồng bào biểu lộ niềm hân hoan, phấn khởi. Chị Lô Thị Hương chia sẻ: “Nghe tin chiến dịch được phát động tại Mỹ Lý, chúng tôi chuẩn bị trang phục đẹp đi dự lễ thật sớm. Rất vui vì được xem văn nghệ và đặc biệt  được cán bộ nói về chăm sóc sức khỏe sinh sản, được khám, phát thuốc và phượng tiện tránh thai miễn phí... Ừ là bây giờ chị em ai cũng muốn đẻ ít thôi để thoát nghèo, nuôi con cho tốt!".  
 
Sau lễ phát động, tại Trạm Y tế xã Mỹ Lý, 90% chị em trong độ tuổi sinh đẻ đến từ các bản Xốp Tụ, Yên Hòa, Hòa Lý, Xiềng Tắm, Xiềng Trên... được bác sỹ khám, tư vấn để phát hiện và chăm sóc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, tư vấn các biện pháp tránh thai phù hợp với từng đối tượng.
 
Theo Ông Mùa Xia Lữ - Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Kỳ Sơn: "Chiến dịch năm 2015 chú trọng vào đối tượng vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, để người dân không thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, được cung cấp dịch vụ tận tình, có chất lượng".
 
Đông đảo người dân, học sinh tham gia phát động Chiến dịch tại xã Mỹ Lý - Kỳ Sơn
 
Năm 2015, toàn tỉnh có 101 xã thuộc diện vùng núi cao, đặc biệt khó khăn được hỗ trợ kinh phí để tổ chức truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Một số huyện có nhiều xã trọng điểm được triển khai trong chiến dịch năm nay như Kỳ Sơn (19 xã), Tương Dương (15 xã), Quế Phong (13 xã), Quỳ Châu (9 xã), Tân Kỳ (8 xã)... Với mục tiêu đặt ra, chiến dịch năm nay phấn đấu 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin và tư vấn để nâng cao kiến thức về CSSKSS/KHHGĐ, trên 70% đặt dụng cụ tử cung, ít nhất 80% được cấp thuốc và bao cao su...
 
Chiến dịch diễn ra ở các huyện chủ yếu trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 bằng lễ phát động tại các xã, lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền bằng pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu cờ đuôi nheo; diễu hành hưởng ứng chiến dịch, thành lập các đội truyền thông lưu động, tư vấn cộng đồng... Đặc biệt, trong chiến dịch có sự phối kết hợp của trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế tuyến xã nhằm cử đội ngũ y, bác sỹ có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, tham gia tư vấn, khám và chăm sóc sức khỏe sinh sản /kế hoạch hóa gia đình cho nhân dân.
 
Có thể nói, Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình là 1 hoạt động thường niên có ý nghĩa thiết thực nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch về dân số - KHHGĐ đặt ra. Chiến dịch hướng đến vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn là hướng đi phù hợp để nhân dân vùng sâu, vùng xa không "đói" về kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ, để nhân dân hiểu đúng, nâng cao nhận thức, thực hiện có hiệu quả dịch vụ. Bên cạnh đó, chiến dịch còn thể hiện sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác dân số - CSSKSS/KHHGĐ. 
 
 Nguyễn Hồng
(Chi cục Dân số/KHHGĐ tỉnh)