(Baonghean) - Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Ở tỉnh ta, những năm trước do đặc thù dân số đông, điều kiện địa hình phức tạp, mạng lưới giao thông chưa phát triển, khoảng cách đến các cơ sở y tế còn quá xa; trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán lạc hậu… nên ở nhiều vùng, miền việc quan tâm, chăm sóc vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản đã được hình thành củng cố, song cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khoa sản, khoa nhi ở nhiều bệnh viện tuyến huyện còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị cấp cứu sản phụ và trẻ em, trẻ sơ sinh.
Xác định được những hạn chế trên, trong các năm gần đây, dưới sự quan tâm của tỉnh, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho tuyến cơ sở về công tác chăm sóc sức khỏe của các bà mẹ và phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Qua đó, đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực thực hành cho cán bộ y tế các tuyến về cấp cứu hồi sức sản khoa, cấp cứu hồi sức sơ sinh. Mỗi một năm tổ chức từ 10 - 15 lớp cho cán bộ y tế làm công tác sản khoa ở các tuyến, đặc biệt là đội ngũ cô đỡ thôn bản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, đơn vị còn trực tiếp xuống các địa phương để vừa tuyên truyền, vừa “cầm tay chỉ việc” giúp cán bộ cơ sở ngày càng vững về chuyên môn. Cung cấp tài liệu và trang thiết bị y dụng cụ về công tác chăm sóc SKSS và KHHGĐ. Hiệu quả rõ rệt nhất là đến thời điểm này 100% các trạm y tế xã đã có khả năng đỡ đẻ và cấp cứu sản phụ khoa. Trong 2 năm nay, số sản phụ được đỡ đẻ ở các cơ sở y tế đã lên đến 70% và 98% số ca đã được cán bộ y tế (kể cả y tế thôn bản) chăm sóc trong quá trình mang thai và được tiêm phòng đầy đủ. Mỗi năm tỷ lệ tai biến sản phụ khoa được giảm được 5%, tỷ lệ tử vong bà mẹ giảm từ 70/100.000 trẻ đẻ sống (năm 2012) xuống còn 40/100.000 (năm 2014).
Về giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, sau một thời gian đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức mở các lớp học làm bố, làm mẹ, các lớp học thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và bà mẹ có con dưới 2 tuổi công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi từ năm 2011 đến nay đã được cải thiện. Qua đó, đã có 80% bà mẹ có thai và 90% bà mẹ có con dưới 2 tuổi được tham gia các lớp thực hành dinh dưỡng; 90% bà mẹ có con dưới 2 tuổi được tham gia thực hành dinh dưỡng; 95% trẻ dưới 5 tuổi được theo dõi cân và đo để đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng cho huyện và xã.
Trên 90% trẻ được bổ sung Vitamin A liều cao, tổ chức tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em trong độ tuổi, tiếp nhận và triển khai chương trình sữa học đường, học sinh mầm non được uống sữa. Bên cạnh ngành Y tế, các tổ chức đoàn thể cũng tham gia tích cực vào công tác này. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thông qua Đề án “5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” đã triển khai nhiều hình thức nâng cao kỹ năng nuôi dạy cho các bà mẹ như chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ và hướng dẫn cách bổ sung thức ăn hợp lý cho trẻ.
Về phía bậc mầm non, từ 2 năm trở lại đây, ngành Giáo dục đã triển khai chuyên đề "Nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ trong trường mầm non". Nhờ vậy đã tăng số trường tổ chức bán trú cho học sinh đạt 99,8% (523/524), số trường có bếp ăn được cấp giấy Chứng nhận đạt tiêu chuẩn bếp vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tỷ lệ 93,1%. Trẻ được đảm bảo an toàn không xảy ra ngộ độc thực phẩm, 100% các trường sử dụng phần mềm Nutrikis để quản lý, tính khẩu phần ăn cho trẻ nên chế độ ăn được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu sức khỏe trẻ cũng như phù hợp thực tiễn, không bị thất lạc.
Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên, trẻ có nề nếp thói quen trong ăn ngủ, kỷ năng tự phục vụ, có hành vi văn minh trong ăn uống, trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tự tin trong các hoạt động. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 7% (thấp hơn một nửa so với mức bình quân chung của cả tỉnh).
Để quan tâm hơn nữa tới công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em, các ngành, các đơn vị liên quan cần dành mọi sự ưu tiên cho công tác này; tăng cường đầu tư từ ngân sách địa phương thông qua nguồn vốn chi thường xuyên, vốn đầu tư, các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung thực hiện các mục tiêu giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh; nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách nhằm thu hút cán bộ y tế, đặc biệt là bác sỹ chuyên ngành sản, nhi về công tác tại vùng khó khăn; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực thực hành cho cán bộ y tế các tuyến về cấp cứu hồi sức sản khoa, cấp cứu hồi sức sơ sinh; tăng cường các hoạt động thông tin - truyền thông - giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân, đặc biệt là người dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa về chăm sóc thai nghén, nguy cơ của việc không khám thai định kỳ và không đến sinh con ở các cơ sở y tế hoặc tự sinh, sinh con không có cán bộ y tế được đào tạo đỡ cũng như các nguy cơ của việc đẻ dày, đẻ nhiều con, đẻ sớm (dưới 20 tuổi) hoặc đẻ muộn (trên 35 tuổi)
Mỹ Hà