(Baonghean) - Tuần vừa rồi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, chỉ có 30 trường hợp phát hiện dương tính với Ebola ở các nước châu Phi. Con số này được đánh giá là mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Phải chăng dịch Ebola không còn là một cuộc khủng hoảng về y tế trên toàn thế giới như từng được biết đến ở châu Phi? 
 
Từng là một chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông vào mùa Thu năm 2014, nhưng cho đến nay dường như dịch Ebola gần như biến mất khỏi các chương trình truyền hình ở phương Tây.
 
Thêm vào đó, dự đoán của Cơ quan chịu trách nhiệm về phòng chống dịch bệnh của Mỹ về số bệnh nhân nhiễm Ebola sẽ lên đến 1,4 triệu người vào năm 2015 cũng không thành sự thật.
 
Mặc dù có một số trường hợp nhiễm Ebola xuất hiện tại Mỹ và Tây Ban Nha nhưng dịch Ebola chủ yếu xuất hiện tại 3 quốc gia Tây Phi là Liberia, Guinea và Sierra Leone. Và vậy là dịch Ebola đã không trở thành đại dịch trên toàn thế giới như nhiều người lo sợ. 
 
images1154269_8a.jpgNhân viên y tế tại trung tâm điều trị Ebola ở Freetown. Ảnh: AP/Michael Duff
 
Thế nhưng, theo một nghiên cứu ở Mỹ, số ca nhiễm Ebola trên thực tế cao gấp 2,5 lần so với những ghi nhận của WHO cũng như những thống kê của các cơ quan y tế ở các nước có dịch.
 
Theo đó, con số 10.000 người thiệt mạng do dịch Ebola mà các bản báo cáo công bố chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các nhà nghiên cứu dự đoán, thậm chí có hơn 30.000 trường hợp tử vong vì Ebola trong năm 2014. Trong số đó, có khoảng 10.000 ca tử vong ở Liberia, 15.000 ca tử vong ở Sierra Leone và 5.000 ca tử vong tại Guinée.
 
Thông tin trên càng có cơ sở khi vừa qua, Hội Chữ thập đỏ khẳng định có hơn 14.000 người mắc bệnh được chôn cất mà không hề khai báo với cơ quan chức năng.
 
Hậu quả là dịch Ebola đã khiến cho tuổi thọ trung bình của người dân Liberia và Sierra Leone giảm đi 5 năm. Tuổi thọ trung bình của người Liberia không quá 58 tuổi, còn tuổi thọ trung bình của người dân Sierra Leone là không quá 52 tuổi.
 
Theo đánh giá, những thiệt hại mà dịch Ebola gây ra không khác gì với cuộc nội chiến diễn ra tại 2 quốc gia trên vào năm 2001-2002. Không dừng lại tại đó, chỉ trong vài tháng, dịch Ebola còn xóa bỏ hoàn toàn những thành quả của hệ thống y tế công cộng mà các nước trên đạt được trong suốt 10 năm qua.
 
Dù không còn bùng phát dữ dội như hồi năm 2014 nhưng những hậu quả mà Ebola để lại gần như hoàn toàn xóa bỏ những tiến bộ mà ngành y tế của châu Phi đã đạt được trong những năm vừa qua. Do đó, có lẽ là quá sớm để kết luận Ebola không còn là một cuộc khủng hoảng về y tế trên toàn thế giới.
 
 
Chu Thanh 
(Theo Le Monde)