Nhờ thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh đã góp phần làm giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên.
 
Sáng 16/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh năm 2013-2014.         
 
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau hai năm thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, cả nước có 14 bệnh viện hạt nhân được giao nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật cho 48 bệnh viện vệ tinh thuộc 5 chuyên khoa gồm: tim mạch, ngoại chấn thương, ưng bướu, sản và nhi.
 
images1154640_benh_vien_ve_tinh_tmgh.jpg

 Một số bệnh viện vệ tinh đã làm chủ được các kỹ thuật y tế cao do bệnh viện hạt nhân chuyển giao, giúp người bệnh, nhất là người bệnh nghèo được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới, điển hình là bệnh viện đa khoa tỉnh các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Quảng Nam… Đến nay, đã có 39 trên tổng số 46 bệnh viện được UBND tỉnh phê duyệt dự án bệnh viện vệ tinh. Tỷ lệ bệnh nhân phải làm các thủ tục chuyển tuyến có xu hướng giảm, góp phần làm giảm quá tải của các bệnh viện tuyến trên. 

Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu cho các bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và bổ sung nhân lực cho các bệnh viện vệ tinh.
 
Phó Giáo sư- Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Trong năm 2015, Bộ Y tế tiếp tục triển khai theo Thông báo 99 của Thủ tướng, Bệnh viện Tim Hà Nội sẽ được chỉ định là 1 bệnh viện hạt nhân và 5 bệnh viện chuyên khoa, đa khoa ở các tỉnh khác nữa sẽ trở thành bệnh viện vệ tinh. Như vậy chúng ta sẽ có 15 bệnh viện hạt nhân và 52 bệnh viện vệ tinh trên toàn quốc. Đây là sự điều chỉnh, phân bố, chuyển giao kỹ thuật nỗ lực của các thầy thuốc ở tuyến trên và các cán bộ y tế ở tuyến dưới./.
 
Theo VOV.VN