(Baonghean) - Dải núi Seo Quần che chắn phía Đông, sông Giai Cảnh quanh co trước mặt, làng Khánh Lạc, xã Thanh Hà (Thanh Chương) từ bao đời nay vẫn bình dị nét quê, gắn liền với mái đền, giếng nước và bao truyền thống nhân văn.
Làng có 5 xóm nhỏ: Giai Cảnh, Chợ Phượng, Siêu Quần, Đập Bói, Lương Tri. Các xóm thường quây quần trên những gò cao, xung quanh là ruộng đồng bao bọc. Trung tâm của làng là đình Khánh Lạc. Đình làng là ngôi nhà gỗ mít 5 gian, cột to, toạ lạc trên vùng đất Đình cao ráo.
Sau cách mạng, đình là nơi mở lớp “bình dân học vụ” và trở thành trường học của làng. Người dân nơi đây còn nhớ mãi những ngày cải cách ruộng đất, cái cột đình to ấy là nơi buộc ngựa của người đưa lệnh “hoãn xử” từ trên về làng. Tiếc thay, ngày đó, lệnh về không kịp… Những năm bao cấp, đình làng đã bị dỡ, đưa đi làm kho hợp tác xã, rồi làm đình chợ, khi xã “cưới” chợ Rồng. Chẳng còn nữa đình xưa, nhưng ký ức về ngôi đình thân thuộc vẫn còn mãi với người làng.
Xóm Giai Cảnh là vùng đất đẹp, đã từng đi vào câu ca để đời của ông cống Cả Nghị, mà bao thế hệ người Khánh Lạc vẫn truyền cho nhau:
“Tùng tùng, cắc cắc, tò he
Ông cống đi trước, ông nghè đi sau
Đi thì đi mau mau
Đi đến Nương Cau, Nhà Vàng”
Nương Cau là vùng đất giáp làng, nơi đây có nhiều người hoạt động cách mạng, Pháp từng về tàn sát, bắt bớ, đốt phá xóm làng. Nhà Vàng thuộc địa phận xóm Giai Cảnh - nơi dừng chân của những đám rước mỗi dịp làng tổ chức lễ, hội, trong đó có đủ trống, chiêng, kèn, sáo, và cả sự trọng vọng đối với “việc học” của làng.
Làng có 2 giếng cổ: giếng gần miếu Sen gọi là giếng Sen; giếng gần đền Đậu và sông Giai Cảnh gọi là giếng Đền. Dân làng thường tập trung về giếng Đền để lấy nước. Giếng xưa có bắc một cái cầu bằng đá điệp, dài hơn 1m, được gánh trên 2 cọc lim. Hàng năm, vào tháng 5, tháng 6 âm lịch, làng tập hợp thanh niên, trai tráng, tát giếng một lần. Cạnh giếng có mảnh ruộng hương hỏa; hàng năm phân công người cày; mỗi khi tát giếng, thì người cày ruộng phải hông 7 cân gạo nếp, luộc 20 quả trứng vịt, để người tát giếng ăn…
Giếng làng tồn tại đến những năm 70 của thế kỷ trước và sau bao năm quên lãng, năm 2012 được dân làng khôi phục. Giếng rộng, đường kính 6m, được xây đá xanh từ dưới đáy lên, phía trên xây gạch đỏ, xung quanh láng nền sạch đẹp và trồng thêm một cây đa. Tôn tạo lại giếng làng, với người dân nơi đây là khơi lại nguồn long mạch; là tiếp tục giữ gìn nơi gặp gỡ, giao lưu của tình làng nghĩa xóm; là sự trở về với vẻ đẹp cổ xưa của cảnh quan nơi thôn dã.
Trên núi Động Truốc, ẩn hiện phía sau những cây cổ thụ, là đền Đậu, thờ Quận công Đậu Bá Toàn (1720 - 1798) - người có công lớn trong việc “hộ quốc an dân”. Đền ngoảnh mặt nhìn ra sông Giai Cảnh, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo,… Đền đã nhiều lần được triều Nguyễn sắc phong, nay còn lưu giữ được 3 sắc phong của triều Thành Thái và Khải Định. Hàng năm tại đền thường diễn ra các kỳ lễ trọng như lễ cầu an, giỗ Quận công, lễ tất niên.
Quá trình tồn tại lâu đời, đền Đậu đã gắn liền với chặng đường đấu tranh cách mạng của quê hương. Những năm 1930-1931, đền Đậu là nơi cất dấu tài liệu của Huyện uỷ Thanh Chương, Tổng bộ Võ Liệt và Chi bộ Kim Bảng; là nơi cán bộ cách mạng, thường về hội họp, bàn bạc kế hoạch đấu tranh; là địa điểm tập hợp, huấn luyện của đội tự vệ Hoàng Xá trong việc thanh trừng cường hào gian ác, lấy lúa chia cho dân nghèo; là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ; nơi tập trung tuyển quân phục vụ cho các chiến trường…
Từ xưa đến nay, đền Đậu là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của làng xã; nơi thăm viếng, tưởng niệm của nhân dân; nơi giáo dục lịch sử, truyền thống quê hương cho bao thế hệ. Những năm qua, ban quản lý di tích và nhân dân địa phương, đã ra sức tôn tạo lại đền, từng bước khôi phục lại lễ hội xưa. UBND tỉnh Nghệ An đã công nhận đền Đậu là Di tích Lịch sử - Kiến trúc năm 2014.
Về Khánh Lạc, thăm đền Đậu tưởng nhớ cổ nhân, lên đỉnh Seo Quần ngắm toàn cảnh ruộng vườn, làng mạc. Sông Giai Cảnh đã bị ngăn dòng, nhưng bao câu chuyện cổ của làng thì vẫn còn chảy mãi. Nhìn sắc vàng tươi của hội trường xóm mới, giữa cánh đồng xanh, mà thấy ngời lên sức vươn dậy của một vùng quê.
Huy Thư