(Baonghean) - Cách cầu Bến Thủy khoảng 3 km xuôi về phía biển, có 9 xóm nhỏ nằm sát kề nhau ở phía tả ngạn dòng Lam như tách mình ra khỏi phố thị ồn ào náo nhiệt để giữ lại cho mình những dáng nét làng mạc quê kiểng từ xa xưa truyền lại. Những triền đê xanh cỏ, những đường làng xanh mát bóng tre, những ruộng cói biếc rờn, rừng bần xanh thẳm, con đò nhỏ neo mình bên xóm chài nhỏ... Có vẻ như, người Hưng Hòa đang rất ý thức giữ lại vẻ đẹp quê hương buổi mà Đại tướng Chu Huy Mân – người con ưu tú của quê hương bước chân ra đi theo con đường cách mạng.
 
image_2017880.jpgTiết ngoại khóa môn Lịch sử của học sinh Trường Tiểu học Hưng Hòa tại Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân.
 
Ngày độ xuân chín nắng tràn ngập dòng Lam, không cầm lòng được trước sự hút hồn của vẻ đẹp lũy tre, bờ đê ở Hưng Hòa, chúng tôi rẽ vào xóm chài Hòa Lam mà như lạc vào một miền quá vãng xa xôi nào đó. Dưới bến sông, hàng chục con đò nhỏ gác mái chèo gối bãi thảnh thơi. Bên rặng tre già, rất nhiều những người làng đang ngồi chuyện trò hoặc nằm thảnh thơi ngơi nghỉ trên những chiếc võng gai, võng dù được buộc từ thân tre này sang thân tre khác. Thấy tôi lấy làm lạ về sự nhàn nhã giữa buổi ban ngày nơi đây, ông Đậu Xuân Thương, Xóm trưởng xóm Hòa Lam cho biết, tiết tháng Tư năm nay đang lúc con nước hừng, tức là nước lên và nước xuống ngang nhau, người làm nghề chài lưới coi như “hết việc”. Vì chỉ khi nước lên chảy mạnh hoặc nước xuống chảy mạnh, lúc đó nghề chài lưới mới xuống sông kiếm cá tôm.
 
Biết thêm rằng Hưng Hòa (thuộc Thành phố Vinh, trước đây là xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, huyện Hưng Nguyên) là xã nằm ngang với lưu vực con nước mặn và con nước ngọt đẩy đuổi nhau trên dòng Lam. Đặc điểm này cũng chi phối đến môi trường sinh thái và đặc điểm sinh sống của người dân nơi đây. Chính vì vậy mà rất thú vị là Thành phố Vinh có địa danh rừng bần Hưng Hòa khá nổi tiếng. Nước mặn xâm lấn còn làm cho ruộng đất nơi đây bao đời bị chua phèn, hoang hóa. Trong hồi ký của Đại tướng Chu Huy Mân, ông từng viết: “Yên Lưu đồng chua nước mặn. Năm này qua năm khác, bà con nơi đây phải chống chọi với bao thử thách để có bát cơm manh áo.
 
Cuộc sống cơ cực đã gắn bó mọi người với nhau, gian truân nhưng khảng khái”. Đặc điểm nước mặn xâm lấn còn cho nơi đây loài thủy sinh đặc trưng: loài rươi. Ông Đậu Xuân Thương cho biết, vào tháng 7, tháng 8 âm lịch hàng năm, khi trời bắt đầu trở nắng sang mưa, rươi lên rất nhiều. Rươi không chỉ là món ăn đặc sản, món mắm rươi nay đã 400 nghìn một chai, mà với người dân Hưng Hòa món rươi còn gợi nhớ đến buổi đầu cách mạng. Ông Thương giới thiệu cho chúng tôi biết ở xóm Phong Thuận 1 nay vẫn còn một nhân chứng sống của Hưng Hòa nay, Yên Lưu ngày trước. Đó là cụ Đinh Thành, cán bộ tiền khởi nghĩa, người có mặt và chứng kiến những đêm bắt rươi đã đi vào lịch sử, cũng là một trong số ít người mà mỗi lần về thăm quê, Đại tướng Chu Huy Mân thường chuyện trò hàn huyên.
 
Ông Đinh Thành từng là đội trưởng dân quân cùng với giáo mác, gậy gộc đến nhà Đặng Cần tịch thu triện lý trưởng và đến nhà Đinh Phương bắt hai cha con mật thám Nam triều trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở Yên Lưu; nay đã 93 tuổi đời, 70 tuổi đảng. Ông Thành vừa đạp xe thể dục  dọc con đường sinh thái Hưng Hòa về, gặp chúng tôi ông vui mừng trò chuyện ngay...
 
Rằng, mùa rươi năm 1929 rươi lên nhiều, người làng Yên Lưu đốt đuốc đi vớt rươi về làm mắm, làm món ăn xua đi cái đói khổ, cơ cực hàng ngày. Nhận thấy những đêm đi bắt rươi là “thiên thời”, cánh đồng rươi chính là “địa lợi” ủng hộ cho việc “che mắt” bọn mật thám và chính quyền thực dân phong kiến, Chu Văn Điều (tên gọi khác của Đại tướng Chu Huy Mân) đã cùng với những thanh niên trong làng được giác ngộ sớm đã vận động bà con tụ tập để truyền bá tư tưởng cách mạng.
 
Mùa rươi ấy đêm nào bà con cũng ra đồng bắt rươi, những “hạt giống đỏ” đã lấy đây làm cơ hội để tập hợp dân làng và diễn thuyết. Cụ Đinh Thành còn nhớ chàng thanh niên Chu Văn Điều còn lợi dụng cả những đám tang của người dân trong làng để che mắt hương hào lý dịch, tập hợp và tuyên truyền những nội dung bài học về cách mạng. Đó là tại các đám ma anh Trẹo Hoan, ông Nuôi Bư, cu Kính làng Mưng, cố Cung Phiên, cố Nuôi Tô, bà Xin Hợp... 
 
Bắt đầu từ những đêm mùa rươi và những hoạt động như thế, những bài học về “Dân tộc độc lập, người cày có ruộng, nhà máy cho thợ thuyền”, về “đánh đổ địa chủ phong kiến”... đã gieo vào những người nông dân, thợ thuyền mầm con đường sáng, làm cho xã Yên Lưu đồng sâu, nước mặn biến thành địa chỉ đỏ cách mạng với mốc son là cuộc mít tinh có khoảng 300 người tham gia vào đêm 29, rạng ngày 30/10/1929 tại Nghĩa trang Chùa Phu.
 
Cuộc mít tinh đánh dấu bước chuyển cho một thời kỳ sôi động mà người dân Yên Lưu được trang bị vũ khí tư tưởng cách mạng. Để rồi ngay trong năm 1930, năm Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, tại Yên Lưu cũng có một chi bộ đảng ra đời, và người thanh niên Chu Văn Điều đã trở thành đảng viên và người tham gia lãnh đạo phong trào thời kỳ còn trứng nước. Cũng từ mùa rươi đó, cùng với quê hương, đất nước, một người con của làng Yên Lưu đã bước vào mùa cách mạng.
 
Với lòng quả cảm và gan dạ hơn người, với trí tuệ và phẩm chất cách mạng được thực tiễn sôi động của cách mạng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo, tôi luyện, anh thanh niên Chu Văn Điều của đất Yên Lưu xưa đã trở thành một trong những vị danh tướng lẫy lừng dưới thời đại Hồ Chí Minh: Năm 1958 được phong quân hàm Thiếu tướng, năm 1974 được phong vượt cấp lên Thượng tướng, năm 1980 được phong Đại tướng. Từ đó, đất Hưng Hòa, quê hương của Đại tướng Chu Huy Mân, vị đại tướng có tuổi đảng cao nhất trong lịch sử cách mạng Việt Nam, được nhiều người gọi với cái tên đầy ngưỡng mộ: quê Đại tướng!
 
Ông Đinh Thành, cán bộ tiền khởi nghĩa xã Hưng Hòa (TP. Vinh) trò chuyện với phóng viên.
 
Đi trên con đường sinh thái ven sông Lam đoạn qua xã Hưng Hòa, con đường nay đã mang tên của Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Chu Huy Mân, sẽ cảm nhận được biết bao điều thú vị về đất Hưng Hòa hôm nay. Bỏ lại không gian phố thị náo nhiệt sau lưng, một không gian thôn quê yên ả và phong lưu như tên gọi trước đây là Yên Lưu, mở ra ngút ngát tầm mắt. Là một xã thuần nông ven đô, vừa có diện tích đất ngập mặn từ nước biển xâm lấn, vừa là vùng trũng thấp - túi nước của Thành phố Vinh, không có cơ sở công nghiệp, ấy vậy mà Hưng Hòa vẫn tạc vào cảm nhận của du khách một dáng vẻ của vùng quê đẹp giàu, với phong cảnh làng quê trù phú tốt tươi và đời sống nhân dân khấm khá. 
 
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Phương, cán bộ văn hóa xã cùng đi với chúng tôi đã giới thiệu nhiều nét thuyết phục về quá trình phát triển kinh tế, Hưng Hòa vẫn giữ được môi trường tự nhiên vừa quyến rũ và nên thơ, vừa xanh sạch đẹp. Người dân Hưng Hòa còn biến những khó khăn thành lợi thế thuận lợi để làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Trên triền đê xanh và bãi soi giữa lòng sông, từng đàn trâu, đàn bò hàng trăm con thong thả gặm cỏ.
 
Bãi phù sa mênh mông cỏ biếc là thức ăn để bà con nông dân Hưng Hòa chăn nuôi phát triển đàn đại gia súc, nay toàn xã có 951 con. Hộ nuôi nhiều như gia đình anh Trần Văn Cẩn chị Chu Thị Hương (xóm Phong Thuận 1) có thời điểm có 25 con, trong đó có 10 con bò cái, mỗi năm riêng chăn nuôi cho thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng. Bước chuyển ngoạn mục nhất mà người dân Hưng Hòa đến nay vẫn xuýt xoa tấm tắc là sự thành công vượt bậc, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ bằng cách biến những cánh đồng chua phèn ngập mặn, hoang hóa, thành những cánh đồng tôm tỷ phú. 
 
Anh Nguyễn Quang Nguyên (xóm Phong Hảo), một “nông dân tỷ phú” – tên gọi người dân trong vùng thường nhắc đến, là một trong những người tiên phong cải tạo những ruộng cói ở đồng chua phèn thành hồ tôm từ cuối những năm 1990, đầu những năm 2000. Theo anh Nguyên, từ một số ao hồ nuôi tôm ban đầu cho hiệu quả cao, nhận thấy cánh đồng ngập mặn gây khó khăn cho trồng trọt, lại có lợi thế trong việc nuôi tôm nước mặn, thế là người Hưng Hòa đã táo bạo đề xuất chủ trương chuyển đổi nội dung canh tác sang nuôi tôm. Khi đề án nuôi tôm đi vào thử nghiệm năm 2001 chỉ với 5,6  ha thành công, người nông dân Hưng Hòa từng bước phá bỏ thế độc canh cây lúa để đầu tư nuôi tôm làm giàu.
 
Một số hộ còn mạnh dạn đầu tư cải tạo hàng chục ha ruộng bỏ hoang ngoài quy hoạch để nuôi tôm. Anh Nguyên khẳng định: Nuôi tôm như thể chơi canh bạc lớn, hoặc thắng lớn hoặc thua lớn, may mắn là người Hưng Hòa chịu khó học hỏi và trang bị khoa học kỹ thuật, nên ít để xảy ra rủi ro. Là nói vậy, chứ một khi đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư ban đầu, thì người dân không thể không dựa vào cán bộ khoa học kỹ thuật. Và nữa là dám nghĩ, dám làm và dám đầu tư lớn để làm ăn lớn. Chính vì vậy, đến nay ở Hưng Hòa đã có hàng trăm hộ nuôi tôm, trong đó các xóm Phong Thuận, Phong Hảo tỷ lệ hộ có hồ tôm chiếm 1/2, xóm Phong Yên hầu hết các hộ dân đều có hồ tôm. Anh Nguyên cho biết, một số hộ còn vươn lên vừa nuôi tôm vừa kinh doanh thức ăn cho tôm và đứng ra tiêu thụ.
 
Vào những mùa tôm không bị bệnh tật, việc xuất hiện các “nông dân tiền tỷ” là không hiếm, và các hộ dân nuôi tôm mỗi năm thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng là chuyện không mấy lạ ở đây. Cá biệt có những hộ dân doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Thật ngoạn mục, đến năm 2015 diện tích nuôi tôm vùng quy hoạch đã lên đến 137 ha, với diện tích đó năm 2014 sản lượng tôm nước lợ ở Hưng Hòa là 235 tấn, giá trị 19.551 triệu đồng. Là xã thuần nông, vùng rốn nước, gần như không có nhà máy và công trình công nghiệp, nhưng tổng thu ngân sách năm 2014 của Hưng Hòa đạt 7.492 triệu đồng, với cùng điều kiện tự nhiên, đây là chuyện không dễ, thậm chí là không tưởng đối với các địa bàn khác cùng thời điểm...
 
Trở lại câu chuyện với ông Đinh Thành, vị cán bộ tiền khởi nghĩa còn lưu giữ biết bao kỷ niệm về vị Đại tướng của quê hương với nhiều lần được gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp. Ông Thành kể, Đại tướng Chu Huy Mân là một tấm gương cộng sản mẫu mực, lần nào về quê ông cũng căn dặn con em Hưng Hòa phải tự thân vận động, nỗ lực vươn lên, như thế mới bền vững, mới xứng đáng là quê hương cách mạng, mới đúng là con cháu Bác Hồ.
 
Ông Thành chiêm nghiệm, trong số các đại tướng của quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Chu Huy Mân là người xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh khốn khó nhất: Ra đời được 14 tháng thì bố mất, là con trai út trong gia đình có 8 anh chị em, từ nhỏ đã chứng kiến cảnh mẹ phải rứt ruột bán bớt hai chị, số còn lại đi ở, làm thuê, vậy mà ông đã luôn học tập vươn lên để trưởng thành cùng cách mạng Việt Nam và có đóng góp đặc biệt xuất sắc, trở thành một trong những danh tướng công lao hàng đầu trong cách mạng. Tinh thần không ngại gian khó, ham học tập, tự vươn lên trong mọi hoàn cảnh, chính là món quà vô giá, là di sản tinh thần mà Đại tướng để lại cho con em quê hương, là động lực để Hưng Hòa vươn lên trên đồng chua, nước mặn để cho mùa quả ngọt như ngày hôm nay.
 
Ngô Kiên