(Baonghean) - Báo Nhân dân và Báo Nghệ An các số ra gần đây có bài phản ánh thực trạng ở đại bộ phận các doanh nghiệp ngoài nhà nước (doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) chưa có tổ chức đảng.
Các tác giả bài báo đã cho rằng thực trạng đó có nhiều nguyên nhân: nhiều chủ doanh nghiệp (ngoài nhà nước) chưa đồng tình cho lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp của họ; một số đảng viên làm việc trong các doanh nghiệp này không muốn sinh hoạt đảng ở doanh nghiệp mà muốn sinh hoạt đảng ở nơi cư trú; tổ chức đảng cấp trên trực tiếp chưa có những giải pháp chính sách cần thiết. Vậy, thử đi tìm giải pháp để khắc phục tình trạng này?
Chế biến đá trắng xuất khẩu tại Công ty Toàn Cầu - KCN Nghĩa Long (Nghĩa Đàn). Ảnh: Hữu Nghĩa Trước tiên, chúng ta phải trả lời các câu hỏi: Trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước cần có tổ chức đảng hay không? Vì sao cần? Cần để đáp ứng đòi hỏi khách quan nào? Tạm coi những câu hỏi ấy đã được giải đáp để đi đến kết luận: Trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước (ở quy mô tối thiểu nào đó) nhất thiết phải có tổ chức đảng. Đã kết luận như vậy thì tổ chức đảng có thẩm quyền phải có chủ trương dứt khoát và rõ ràng. Cùng với chủ trương là việc xác định các điều kiện cần và đủ để thực hiện chủ trương đó. Giao trách nhiệm cho cấp ủy (khối các doanh nghiệp hay các quận ủy, thành ủy, huyện ủy) trực tiếp tổ chức thực hiện chủ trương ấy.
Các cấp ủy được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện chủ trương phải xây dựng chương trình, kế hoạch, cử cán bộ để lần lượt xây dựng tổ chức đảng ở các doanh nghiệp. Nơi đủ điều kiện xây dựng trước, nơi chưa đủ điều kiện thì tạo đủ điều kiện để xây dựng tiếp. Và cuối cùng là phải “nuôi” để sao cho tổ chức đảng đã được xây dựng làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình. Có thế mới khắc phục được tình trạng hình thức khi thành lập tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Phải coi những điều trên đây là nút thắt phải tháo gỡ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức đảng. Tháo gỡ được nút thắt ấy, việc xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ lần lượt xử lý được các nguyên nhân (loạt các bài báo trên đã nêu ra). Cụ thể là:
Một là, chủ doanh nghiệp đồng tình hay chưa đồng tình thì việc thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp của họ không phải là “quyền” của chủ doanh nghiệp, mà là quyền của Đảng. Tại sao cứ phải được chủ doanh nghiệp đồng tình thì mới xây dựng tổ chức đảng? Khi Đảng ta chưa có chính quyền chẳng lẽ phải “xin phép” chính quyền (thực dân, phong kiến) để thành lập tổ chức đảng? Tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước hoạt động đúng luật pháp, không làm điều gì gây khó dễ cho sản xuất, kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, không dùng đến tiền, cơ sở vật chất của doanh nghiệp, không lạm dụng thời gian lao động của người làm công trong doanh nghiệp…
Vậy có gì mà ngại vì có tổ chức đảng trong doanh nghiệp sẽ làm cho các nhà đầu tư (cả trong và ngoài nước) nhụt chí. Đó là chưa nói: Nếu tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước hoạt động có hiệu quả, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và chủ doanh nghiệp thì “hữu xạ tự nhiên hương”. Nếu chủ doanh nghiệp chưa đồng tình thì dần dần họ sẽ đồng tình.
Hai là, đảng viên làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước không muốn (không thích) sinh hoạt đảng ở doanh nghiệp mà chỉ muốn sinh hoạt đảng ở nơi cư trú. Từ ngày thành lập đến nay, trong Đảng ta làm gì có chuyện đảng viên muốn (hay thích) sinh hoạt ở đâu thì sinh hoạt ở đó. Tổ chức đảng phân công, quy định đảng viên sinh hoạt ở đâu thì phải chịu sự giáo dục, quản lý của tổ chức đảng ở đó. Do đó, tổ chức đảng cần triệu tập các đồng chí đảng viên đang làm việc trong doanh nghiệp để giao nhiệm vụ xây dựng và sinh hoạt trong tổ chức đảng ở doanh nghiệp mà họ làm việc. Tất nhiên, giao nhiệm vụ phải đồng thời tạo điều kiện cho họ. Rất cần lưu ý đến tâm lý sợ chủ doanh nghiệp mặc cảm với họ thậm chí sợ bị đuổi việc. Cá biệt, nơi chưa đủ 3 đảng viên để thành lập chi bộ, cần phải cử đảng viên nơi khác đến sinh hoạt ở đó để đủ điều kiện thành lập chi bộ.
Ba là, xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước không khó, nhưng để tổ chức đảng ở đây hoạt động có hiệu quả là vô cùng khó. Việc xác định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng ở đây cũng chưa hẳn đã rõ ràng, chính xác. Các mối quan hệ giữa tổ chức đảng với chủ doanh nghiệp lại càng không đơn giản. Các điều kiện để tổ chức đảng ở đây hoạt động rất khác với tổ chức đảng ở các doanh nghiệp nhà nước. Ngay cả Ban Tổ chức Trung ương đến Ban Tổ chức các Tỉnh ủy, Thành ủy, Huyện ủy, Đảng ủy khối doanh nghiệp cũng chưa có được bao nhiêu kinh nghiệm về xây dựng và chỉ đạo tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Cán bộ làm công tác đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước gần như là số không. Bài vở để huấn luyện bí thư chi bộ chỉ mới ở mức chung cho mọi loại hình chi bộ, còn bí thư chi bộ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước thì chắc chắn là chưa có.
Xây dựng, lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của tổ chức đảng ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước là vấn đề mới nếu không muốn nói là hoàn toàn mới đối với công tác tổ chức của Đảng. Bởi thế, phải có bộ phận chuyên trách chăm lo việc này. Phải giải quyết cả về mặt lý luận và thực tiễn. Vừa căn cứ vào những cơ sở lý luận mang tính nguyên tắc để chỉ đạo hành động, vừa từ thực tiễn hành động để bổ sung cho lý luận.
Nói cách khác, xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước không chỉ là một nhiệm vụ tổ chức đơn thuần mà là một phần không thể tách rời của nhiệm vụ xây dựng đảng cầm quyền trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tỷ lệ cao thấp tổ chức đảng đã có trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước cho đến nay không mấy quan trọng. Điều quyết định là đã có được mấy tổ chức đảng ở đây tồn tại với tư cách là hạt nhân lãnh đạo được cả chủ doanh nghiệp và người lao động trong doanh nghiệp tin yêu, ghi nhận. Ngược lại, nếu tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước dẫu là nhiều về lượng mà không có thực chất thì cũng chẳng có ý nghĩa bao nhiêu, vấn đề không ở số lượng mà là ở chất lượng.
Trương Công Anh