(Baonghean) - Thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Bộ Chính trị; Nghị quyết 14- NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, cấp ủy các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Bên cạnh những tác động tích cực góp phần tạo phong trào cho chính đơn vị tiếp nhận, nâng cao năng lực cho cán bộ được luân chuyển thì vẫn còn những vấn đề cần được quan tâm...
Được việc, được dân, được cán bộ
Từ Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đô Lương, tháng 4 năm 2012, đồng chí Nguyễn Trọng Hợi được luân chuyển về làm Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Đông. Đây là xã có địa bàn rộng, dân số đông, chủ yếu dân “góp” từ các vùng quê khác lên xây dựng kinh tế mới, điều kiện hết sức khó khăn.
Trên cương vị mới, đồng chí Hợi đã khiêm tốn học hỏi, lắng nghe những người đi trước, cùng với tập thể lãnh đạo xã tiến hành bổ sung, điều chỉnh quy chế làm việc gắn với kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, tạo ra bước chuyển rõ nhất là tác phong, lề lối, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức xã, được nhân dân ghi nhận. Cùng với đó, đồng chí đã lựa chọn một số vấn đề mà người dân kiến nghị, đề xuất để tập trung giải quyết, tạo lòng tin trong nhân dân, như xây dựng cầu Đông Sơn phục vụ đi lại, học hành của con em hai xóm Xuân Thịnh, Đông Sơn; nâng cấp các đập Đá Mãi, đập Róm, đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; làm mới tuyến đường từ xóm Tân Tiến đi xóm Yên Lương…
Đồng chí Nguyễn Trọng Hợi chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi tự thấy mình trưởng thành hơn, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành vừa có tính khái quát, vừa có tính cụ thể, không chung chung. Phong cách làm việc cũng thay đổi, gắn bó, gần gũi với nhân dân hơn, hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân, với cơ sở bằng những công việc, việc làm cụ thể.”
Tương tự, tại xã Hồng Sơn (Đô Lương), từ một xã miền núi có phong trào trì trệ đã “lên hạng” thứ 20/33 xã, thị trấn (năm 2011 xếp thứ 28/33 xã, thị trấn). Thành quả này, ngoài nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân Hồng Sơn có dấu ấn của đồng chí Nguyễn Hồng Xuân (nguyên Bí thư Huyện đoàn) được luân chuyển về giữ chức Bí thư Đảng ủy xã và Trần Hoàng Anh (nguyên Phó chánh Thanh tra huyện) luân chuyển về giữ chức Chủ tịch UBND xã. Khi nhận nhiệm vụ mới, với quyết tâm vực dậy phong trào, 2 đồng chí được luân chuyển đã chủ động bàn bạc với đội ngũ cán bộ tại chỗ tiến hành rà soát, bổ sung quy chế làm việc; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành giờ giấc, nề nếp, ý thức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức.
Tăng cường đối thoại rộng rãi trong đội ngũ cán bộ quân dân chính từ xã đến xóm, mỗi tháng một lần, từ đó kịp thời nắm bắt và xử lý thông tin dư luận. Tăng cường đi cơ sở nắm bắt thông tin hai chiều; giải quyết dứt điểm những vụ việc kéo dài tạo sự đồng thuận trong đảng, trong dân. Tổ chức luân chuyển một số đồng chí cán bộ chủ chốt sang nhận nhiệm vụ mới phù hợp với khả năng, tạo được nhiều chuyển biến tích cực; khối đoàn kết trong Đảng, hệ thống chính trị được củng cố, tăng niềm tin trong nhân dân.
Với tuổi đời còn trẻ (sinh năm 1981), đồng chí Chu Hồng Phi (nguyên Phó phòng Nội vụ) về đảm nhận chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Diễn Quảng (Diễn Châu) khó khăn chính là sự nghi ngại của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương về khả năng đảm đương cương vị mới. Để xóa bỏ sự nghi ngại đó, chính anh đã phải nỗ lực học hỏi, dành nhiều thời gian tiếp cận cơ sở, lắng nghe nhân dân để có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp; thường xuyên gặp gỡ, tranh thủ sự giúp đỡ của các bậc lão thành, đội ngũ chức sắc, chức việc ở địa phương. Nhờ vậy, mới hơn 6 tháng đảm nhận cương vị Bí thư Đảng ủy, đồng chí Phi đã tạo dựng được lòng tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng chí tâm sự: “Tôi luôn xác định mình còn trẻ, phải đi cơ sở để học hỏi, đúc rút thêm kinh nghiệm thực tiễn, góp một phần sức của mình để đưa phong trào chung của địa phương đi lên. Muốn làm được điều đó, ngoài nỗ lực của bản thân, sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, sự ủng hộ, hỗ trợ của cán bộ và nhân dân địa phương cũng rất quan trọng”.
Từ thực tiễn của những con người cụ thể nêu trên, có thể khẳng định rằng, việc thực hiện luân chuyển cán bộ ở các địa phương cho thấy tính hiệu quả thiết thực, tác động tích cực đối với cán bộ, người dân và phong trào ở địa phương. Bí thư Huyện ủy Đô Lương - Trương Hồng Phúc và Bí thư Huyện ủy Anh Sơn, Nguyễn Thanh Hiền, cũng cho rằng: Hiệu quả của công tác luân chuyển là tạo động lực mới cho cán bộ thể hiện năng lực, sở trường, sự sáng tạo; đồng thời nhằm đào tạo, thử thách hoàn thiện cán bộ từ chuyên sâu đến toàn diện (cán bộ huyện phụ trách 1 lĩnh vực luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy hoặc Chủ tịch UBND xã) và từ toàn diện đến chuyên sâu (cán bộ chủ chốt cấp xã luân chuyển lên các phòng, ban, đoàn thể cấp huyện).
Nhiều người sau khi hoàn thành công việc trở về được bố trí công tác ở cương vị cao hơn trước khi luân chuyển. Đơn cử như ở Đô Lương có đồng chí Nguyễn Minh Hạnh từ Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy sau khi luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy Thị trấn trở về được bố trí giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách Văn hóa – Xã hội; hay như đồng chí Nguyễn Công Châu từ Chánh Văn phòng UBND huyện luân chuyển về Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn trở về làm Trưởng phòng Nông nghiệp và nay là Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách nông nghiệp…
Thông qua thực hiện luân chuyển cán bộ khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ, cát cứ, ê kíp ở một số cơ sở, lĩnh vực. Các cơ quan, ngành và cơ sở có người luân chuyển đến cũng nhận thức rất rõ việc luân chuyển cán bộ là rất đúng, có ý nghĩa tăng cường, giúp cho cơ quan, cơ sở có nhiều khởi sắc thông qua những việc mà cán bộ luân chuyển lựa chọn tập trung như sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, chính quyền; chấn chỉnh tác phong, lề lối, giờ giấc làm việc; chọn một số nội dung tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có kết quả. Cùng quan điểm, đồng chí Ngô Sỹ Thành – Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Diễn Châu, khẳng định, công tác luân chuyển cán bộ sẽ tạo ra nhiều cái “được”.
Thứ nhất là giúp cấp ủy thực hiện tốt hơn công tác đánh giá, qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ. Thứ hai, tạo môi trường, điều kiện làm việc mới giúp cán bộ tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn, từng bước trưởng thành, có quan điểm, cách nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn. Về phía cơ sở cũng có thể học hỏi được ở chính những cán bộ luân chuyển về tác phong, lề lối, tinh thần, trách nhiệm làm việc, tăng cường sức mạnh, khơi dậy các phong trào ở địa phương.
Đánh giá đúng người, bố trí đúng việc
Công tác luân chuyển cán bộ là một chủ trương đúng và rất cần thiết đã được chứng minh từ thực tiễn thực hiện luân chuyển cán bộ của tỉnh và cấp huyện thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những cái được, công tác luân chuyển cán bộ hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là, việc quán triệt chủ trương luân chuyển cán bộ có nơi làm chưa tốt, chưa chủ động xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ thuộc cấp mình quản lý, nhất là ở một số sở, ban, ngành, đoàn thể. Luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị trong một ngành, giữa các huyện trong tỉnh, giữa cơ quan Đảng, đoàn thể sang khối chính quyền và ngược lại chưa nhiều; còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ.
Vẫn còn một số cán bộ khi được luân chuyển, phương pháp tiếp cận, lựa chọn nội dung chỉ đạo còn nóng vội, chưa phù hợp nên quá trình thực hiện gặp khó khăn nên chưa tạo được hiệu ứng tốt. Đồng chí Đậu Văn Thanh - Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy thẳng thắn nêu rõ nguyên nhân: do nhận thức của một số cấp ủy về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đầy đủ nên còn lẫn lộn giữa luân chuyển và điều động, tăng cường cán bộ. Một số đơn vị do chưa xây dựng được kế hoạch, quy chế, quy định về thời gian luân chuyển, còn đang theo kiểu “nóng tay bắt lỗ tai” nên chất lượng một số cán bộ luân chuyển chưa cao, nhất là cán bộ luân chuyển về cơ sở; chưa có cơ chế kiểm tra, đánh giá, cân nhắc và bố trí cán bộ hợp lý sau luân chuyển; chưa có chính sách đồng bộ cho cán bộ luân chuyển, một số đơn vị thời gian luân chuyển dài, ảnh hưởng đến tâm lí cán bộ vì sợ “đi dễ, khó về”.
Ngoài ra, nguyên nhân nữa làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ chưa phát huy được hiệu quả, đó là việc trang bị kiến thức công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và tình hình địa phương cho cán bộ luân chuyển chưa quan tâm đúng mức. Nguyên nhân chủ quan chính những người trong cuộc là vẫn còn tình trạng cán bộ luân chuyển đi cơ sở chỉ cố gắng làm tròn vai, chưa phát huy hết khả năng, mang tâm lý đi cơ sở như đi “sứ”, đợi ngày về, chờ lên vị trí cao hơn. Một số cán bộ luân chuyển không đúng đối tượng, năng lực hạn chế, một số nơi chưa làm tốt tư tưởng cho cán bộ luân chuyển và cấp ủy, chính quyền để tạo sự đồng thuận giữa nơi đi và nơi đến.
“Tuy không nhiều nhưng vẫn có tình trạng một số đơn vị cấp xã không mặn mà trong việc đón nhận cán bộ luân chuyển vì tư tưởng sợ “tranh phần, ngáng chỗ”, sợ mất vị trí, mất quyền lực” - đồng chí Hoàng Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên bày tỏ. Một số người trong cuộc chia sẻ rằng, cấp ủy chưa thật sự quan tâm đúng mức đối với cán bộ luân chuyển, hầu hết họ đang phải “tự bơi”, “tự bảo vệ mình” ở cơ sở. Nếu nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ thì còn thuận lợi, còn nơi nào mang nặng tâm lý cục bộ, tư tưởng sợ cán bộ nơi khác về “tranh mất ghế” thì rất khó làm việc, khó hòa nhập. Đó còn chưa kể việc lợi dụng đến bầu bán, bỏ phiếu tín nhiệm để hạ thấp uy tín, cô lập cán bộ luân chuyển. Không ít người rơi vào thế “trên đe, dưới búa”, “đi cũng dở, ở không xong”.
Đồng chí Trương Hồng Phúc - Bí thư Huyện ủy Đô Lương, cho rằng, muốn “luyện quân” thì phải ném vào nơi khó khăn để cán bộ trải qua thử thách, đúc rút kinh nghiệm, thể hiện bản lĩnh và trưởng thành trong thực tiễn. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ là việc làm có tính nhạy cảm, đòi hỏi phải thận trọng, chặt chẽ, có lộ trình và bước đi phù hợp, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công tâm, khách quan, kết hợp làm tốt công tác tư tưởng, công tác tổ chức nơi đi và nơi đến, tránh làm ồ ạt, tràn lan, chạy theo số lượng. BTV Huyện ủy cũng trực tiếp giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ được luân chuyển về cơ sở phải có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chỉ khi nào ở cơ sở đó có cán bộ có đủ năng lực để thay thế mình mới báo cáo Ban Thường vụ xem xét điều động trở về, tránh tình trạng xem đi cơ sở là nghĩa vụ, không gắn bó lâu dài với chính quyền địa phương. Đồng thời kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, khép kín trong từng địa phương, không muốn nhận người từ nơi khác đến; ngăn ngừa những biểu hiện không lành mạnh như cô lập, gây khó khăn làm giảm uy tín đối với cán bộ được điều động đến.
Đồng chí Đậu Văn Thanh nêu rõ: Để làm tốt công tác điều động, luân chuyển cấp ủy chính quyền phải thường xuyên quan tâm, nắm tình hình, giúp đỡ cán bộ, nhất là giai đoạn đầu chưa quen người, quen việc. Hàng năm, cần duy trì gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe cán bộ thuộc diện điều động, luân chuyển để đánh giá đúng kết quả đạt được và có giải pháp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc. Mặt khác, để tạo động lực cho cán bộ diện điều động, luân chuyển yên tâm phấn đấu, tổ chức cũng cần xem xét sự phát triển cán bộ, bảo đảm sự công bằng, chính xác khi đánh giá kết quả công việc của cán bộ luân chuyển.
Các đơn vị khi bổ nhiệm cần ưu tiên cán bộ đã qua luân chuyển, nếu họ thật sự hội đủ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó cần xây dựng các qui định cụ thể, đủ mạnh để có thể đưa ra khỏi qui hoạch những người thực hiện luân chuyển mà không khẳng định được năng lực, trách nhiệm yếu, giữ an toàn để đợi ngày trở về. Thực hiện đồng bộ giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng với luân chuyển điều động, tăng cường cán bộ, đồng thời có hướng dẫn cụ thể hoặc quy định khung về các điều kiện hỗ trợ kinh phí ban đầu cho đơn vị và cán bộ luân chuyển (bao gồm tiền lương, phụ cấp, biên chế, thời gian luân chuyển, cơ chế đãi ngộ, bố trí sau luân chuyển...) để cán bộ yên tâm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Quan trọng nhất, bản thân các cán bộ luân chuyển phải xác định được luân chuyển không phải như một nghĩa vụ cứ hết hạn nghiễm nhiên trở về, là tiêu chuẩn để đề bạt lên chức cao hơn theo kiểu “đã từng công tác ở cơ sở” mà đi là để rèn luyện, học hỏi đúc rút kinh nghiệm cho bản thân và trưởng thành hơn từ thực tiễn. Như vậy, điều căn bản để tránh bệnh hình thức trong luân chuyển cán bộ là phải “đánh giá đúng người, bố trí đúng việc và nhận thức đúng mục đích: luân chuyển để phục vụ cho việc đảng, việc dân”.
- Từ năm 2003 đến cuối năm 2011, toàn tỉnh đã luân chuyển, điều động, tăng cường 729 lượt cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, trong đó luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng 255 đồng chí thuộc diện Tỉnh ủy quản lý (từ tỉnh lên Trung ương, tỉnh về huyện và từ huyện này về huyện khác, từ ngành này đến ngành khác); bố trí cán bộ chủ trì không phải là người địa phương 46 đồng chí; điều động, tăng cường 428 đồng chí. - Cán bộ thuộc cấp huyện quản lý có 185 đồng chí được luân chuyển, trong đó từ huyện, thành, thị về xã, phường, thị trấn có 105 đồng chí; từ xã, phường, thị trấn lên huyện, thành, thị có 76 đồng chí; từ xã này sang xã khác có 4 đồng chí. - Trong năm 2013, tỉnh đã tiến hành luân chuyển 9 đồng chí từ tỉnh xuống cơ sở; 1 đồng chí từ huyện lên tỉnh. |
Bài, ảnh: Khánh Ly - Mai Hoa