(Baonghean) - Chất lượng các tổ chức cơ sở (TCCS) đảng ở huyện vùng cao Quế Phong đã có những chuyển biến rõ nét sau nhiều năm triển khai Đề án Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2007 - 2010 và những năm tiếp theo của BTV Huyện ủy. Với nhiều biện pháp kịp thời, phù hợp điều kiện thực tế nên hoạt động của các chi bộ được củng cố, đi vào nề nếp, qua đó khẳng định được vai trò “hạt nhân” chính trị ở cơ sở.
Hiện nay, Đảng bộ huyện Quế Phong có 46 TCCS đảng trực thuộc huyện, trong đó có 303 chi bộ trực thuộc các đảng bộ, riêng khu vực nông thôn có 194 chi bộ xóm, bản. Huyện đã xóa hoàn toàn bản trắng chi bộ; vai trò của chi ủy, bí thư chi bộ đã được phát huy tương đối tốt. Kết quả này là nỗ lực rất lớn của những người làm công tác Đảng ở Quế Phong. Bởi theo như đồng chí Trần Đăng Khoa – Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: “Do đặc thù là một địa phương vùng cao, biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn nên trình độ nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế, nhất là nhận thức về vai trò của Đảng trong các lĩnh vực đời sống”. Hiện trạng đó dẫn đến, một số TCCS đảng chưa chú trọng xây dựng chi bộ, đội ngũ cán bộ thôn. Nội dung sinh hoạt ở nhiều chi bộ xóm, bản chậm đổi mới, chưa bám sát thực tiễn đặt ra, ở một số nơi bí thư chi bộ chưa thể hiện được vai trò của người đứng đầu.
Trước thực tế đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Phong đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2007- 2010 và những năm tiếp theo. Đưa đề án đi vào cuộc sống, hàng năm, Quế Phong chú trọng khâu đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ xóm bản, trong đó có các bí thư chi bộ để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ đảng viên, bí thư chi bộ xóm, bản cũng như những hạn chế, yếu kém để có biện pháp tháo gỡ, khắc phục. Đây cũng là căn cứ chính để sau 2,5 năm huyện tổ chức kiện toàn các chi bộ một lần.
Đặc biệt, Quế Phong chú trọng sàng lọc, đánh giá lại đội ngũ cán bộ xóm bản, quyết tâm vận động những đồng chí đảng viên có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Đảng, trăn trở với địa phương đảm nhận vị trí bí thư chi bộ. Song song với các giải pháp này, Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Phong còn tập trung chỉ đạo các đồng chí đảng viên ở cấp ủy huyện, các chuyên viên được giao phân công phụ trách địa bàn các xã, thị trấn ít nhất mỗi kỳ phải về sinh hoạt cùng chi bộ thôn, bản một lần. Qua đó, hàng năm huyện tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện đề án để khắc phục tồn tại, đề ra biện pháp triển khai trong năm sau làm sao hiệu quả hơn năm trước.
Qua nhiều năm triển khai, đến thời điểm này theo đánh giá của Ban Tổ chức Huyện ủy Quế Phong, cơ bản các chi bộ đã tổ chức được lịch sinh hoạt đúng kì theo quy định, nội dung sinh hoạt được đổi mới, đưa ra được chương trình hành động của tháng, quý để chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, nội dung sinh hoạt thời sự, bản tin nội bộ của tỉnh, huyện được triển khai cả trên chiều rộng lẫn bề sâu tại các chi bộ xóm, bản nên nhận thức về chính trị của cán bộ, đảng viên được nâng cao, tư tưởng ổn định. Do đó, chi bộ thôn đã và đang thể hiện được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, gắn kết chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, chính quyền đẩy mạnh các phong trào ở địa phương, góp phần xây dựng bản làng bình yên, phát triển. Điều này được minh chứng rõ khi chúng tôi đến thăm xã vùng biên Hạnh Dịch.
Trong những năm qua, Đảng bộ xã với 15 chi bộ, 189 đảng viên đã thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, đầu tàu của mình ở địa phương. Vì vậy, đời sống của 745 hộ dân từng bước được cải thiện cả về kinh tế lẫn đời sống văn hóa, tinh thần. Tỷ lệ hộ nghèo năm sau đều giảm nhanh so với năm trước, đến nay, còn 52,1 %, giảm được 6,6% so với năm 2012. Đây là kết quả đáng khích lệ đối với một xã vùng biên, điều kiện chung còn gặp nhiều khó khăn, bất lợi.
Đơn cử như tại bản Pà Kỉm, chi bộ gồm 17 đảng viên mà đứng đầu là đồng chí bí thư Lê Văn Đại đã có nhiều hoạt động tích cực, góp phần nâng cao đời sống của 39 hộ dân, đồng thời đưa Pà Kỉm trở thành đơn vị tiên phong trong công cuộc xây dựng NTM ở Hạnh Dịch. Cả bản chỉ có 7ha lúa nước nên vấn đề đảm bảo lương thực được chi bộ đặt lên hàng đầu. Thực hiện chủ trương nâng cao năng suất lúa, các đảng viên trong chi bộ đã tiên phong chuyển đổi giống lúa cho năng suất cao, áp dụng kỹ thuật giăng dây cấy lúa và sử dụng phân bón dúi vào đồng ruộng của mình. Sau khi làm có hiệu quả, không quản ngày đêm, các đảng viên đã tích cực vào tận nhà vận động nhân dân làm theo.
Vì vậy, cánh đồng của bản Pà Kỉm với năng suất lúa hàng năm đạt 50 – 60 tạ/ha đã mang lại những mùa vàng ấm no cho dân bản. Cũng tại Pà Kỉm, các đảng viên đã đi đầu trong công tác vận động kế hoạch hóa gia đình nên kết quả thu được thật đáng biểu dương, 17 năm liền bản không có người trong độ tuổi sinh con thứ 3. Đặc biệt, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, cán bộ đảng viên trong chi bộ đã gương mẫu đi đầu, tích cực tuyên truyền vận động để dân bản hiểu được mục tiêu, ý nghĩa của chương trình và chung sức với cấp uỷ, chính quyền thực hiện, nhất là trong làm đường giao thông nông thôn.
Năm 2012, mỗi hộ trong bản đã đóng góp ngày công và 500 ngàn đồng để làm 170m đường bê tông. Trong đó, các đảng viên, già làng đều tiên phong đóng trước để nêu gương cho bà con làm theo. “Hiện nay, chúng tôi đang xúc tiến vận động nhân dân tham gia để đổ bê tông 250m đường còn lại”, đồng chí Lê Văn Đại - Bí thư Chi bộ bản Pà Kỉm chia sẻ. Qua trao đổi, chúng tôi còn được biết ông Đại là một trong những cá nhân tiêu biểu của tỉnh được nhận Bằng khen của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An vì đã có thành tích xuất sắc tham gia vận động xây dựng NTM từ năm 2011 - 2013.
Vai trò của chi bộ, bí thư chi bộ không chỉ được khẳng định rõ ở bản Pà Kỉm mà còn thể hiện rõ ở 15 chi bộ của Đảng bộ xã Hạnh Dịch. Nhờ vậy trong 2 năm liền, Đảng bộ Hạnh Dịch được xếp loại Trong sạch vững mạnh tiêu biểu và đang phấn đấu giữ vững danh hiệu này. Không chỉ ở Hạnh Dịch, mà nhiều xã khác trên địa bàn huyện Quế Phong như Mường Nọc, Nậm Nhóong, nhờ chất lượng sinh hoạt được nâng cao, vai trò “hạt nhân” của chi bộ được khẳng định đã góp phần thúc đẩy các phong trào ở địa phương phát triển đi lên… Đồng chí Lương Thị Hồng - Bí thư Đảng ủy xã Mường Nọc phấn khởi cho biết: “Thực hiện đề án của BTV Huyện ủy, chất lượng sinh hoạt, vai trò của 21 chi bộ trực thuộc đảng bộ xã được nâng cao và thể hiện rõ nét trong thực tế. Nhiều chi bộ có nghị quyết chuyên đề sát, đúng thực tiễn như ở Chi bộ bản Ná Ngá với nghị quyết xây dựng mô hình cánh đồng mẫu; chi bộ bản Pà Nạt với nghị quyết chuyên đề xây dựng làng văn hóa…”.
Kết quả đạt được khả quan là vậy, nhưng qua trao đổi, đồng chí Trần Đăng Khoa – Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Do điều kiện đường sá đi lại khó khăn, một số đảng viên phải đi làm ăn xa hoặc làm ở rẫy nên sinh hoạt không đều. Tính đảng trong phê bình và tự phê bình còn hạn chế, nhất là ở một số đảng viên trẻ mới được kết nạp Đảng do thiếu mạnh dạn, một số đảng viên còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại... Trong thời gian tới, Huyện ủy Quế Phong sẽ tiếp tục có những giải pháp cụ thể khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn nhằm phát huy vai trò “hạt nhân” chính trị của chi bộ và tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên.
Bài, ảnh:Thành Duy