(Baonghean) - Chắc rằng, không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều người trong chúng ta, đều mang một “con người nhà quê” trong mình. Chúng ta thân thuộc và xúc động đến thế khi gặp nét làng quê, có thể ở một mái đình cong vút, một bóng đa thâm trầm, một rặng tre xao xác, một cánh đồng vào vụ…
 
Vì thế, khi ngắm nhìn bức ảnh đẹp như một bức tranh ấy, tôi có cảm giác mình đã đắm mình trong nó. Đắm mình trong cái gam màu chủ đạo là đen phối với trắng và đỏ. Gam màu này khiến bức ảnh rất có chiều sâu, có sự tương phản, có điểm nhấn. Bức ảnh giàu chất hội họa mà tôi muốn nhắc ở đây là bức ảnh do NSNA Lê Quang Dũng thực hiện, đã đoạt giải Khuyến khích trong Cuộc thi ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng” lần thứ 2, do Báo Nghệ An tổ chức.
 
images915119_b00397.jpgXã Thanh Liên, huyện Thanh Chương vào vụ mới. Ảnh: Lê Quang Dũng
 
Những người nông dân đang lao động trên cánh đồng đã phủ màu hoàng hôn. Một người đội mũ cối đang lái chiếc máy cày màu đỏ, phía trên máy cày được che bởi những tàu cọ khô, cho thấy cái nắng nóng của ngày vừa qua. Phía xa là một vài người khác đang cấy lúa, họ cùng chiếc bóng của mình đổ xuống nền tối nhàn nhạt của buổi chiều hôm một vệt màu đen sẫm. Mặt trời đã khuất sau đám mây xám phía trời tây nhưng vẫn còn để lại sắc vàng óng ánh của nó trên bầu trời và cả trên mặt nước. Người đàn ông lái máy cày màu đỏ mặc dù được chụp khá gần nhưng không nhìn rõ mặt hay màu áo. Chỉ nổi lên trên khuôn ảnh một dáng người, một tư thế. Có lẽ đây cũng là một yếu tố khiến cho bức ảnh gần với chất hội họa, khi lột tả hiện thực bằng sắc màu thay vì bằng đường nét cụ thể.
 
Và điều làm bức tranh ấy sống động hẳn lên là hình ảnh phía dưới chiếc máy cày: những làn sóng tỏa ra xung quanh, tạo thành những vòng tròn xung quanh hai chiếc bánh xe. Sự chuyển động của nước, được nhấn mạnh hơn bởi ánh sáng phản chiếu xuống đó, đã tạo nên một sự khuấy động nhỏ nhưng rất cần thiết cho bức ảnh, khiến người xem như thấy được cả cái nhịp nhàng của động tác lao động và những âm thanh vang lên từ chiếc máy cày, từ những làn sóng đang khỏa ra dập dềnh. Bức ảnh gây hứng thú với người xem từ màu sắc chắt lọc, hài hòa cho đến bố cục vững chắc, góc nhìn hợp lý. Trên hết, nó cuốn hút chúng ta bởi thông điệp mà nó chuyển tải: tình yêu lao động, tình yêu thiên nhiên, sự hòa hợp tuyệt vời giữa thiên nhiên và con người. Và, không biết rằng có quá chủ quan không, khi tôi tin rằng, cái “con người nhà quê” trong người bấm máy lúc đó đã thúc giục anh, thay vì chỉ đơn thuần là cảm xúc của một nghệ sỹ nhiếp ảnh.
 
Tác giả bức ảnh chia sẻ, vào dịp tháng 6 năm 2013, anh cùng đồng nghiệp đi qua huyện Thanh Chương để “săn ảnh”. Lúc đi qua xã Thanh Liên trời đã xế chiều, ngồi trên xe anh và đồng nghiệp thấy cảnh hoàng hôn đẹp quá, vậy là vội xuống xe, chiếc máy ảnh trên tay, bước tới gần bờ ruộng, nơi những người nông dân đang khẩn trương, mải miết làm việc. “Một khung cảnh hòa quyện với nhau trông thật đẹp và đầy cảm xúc”! Trong lòng ngập tràn hứng khởi, anh chọn góc nhìn thuận lợi nhất, đẹp nhất để chụp người nông dân lái máy cày đỏ kia làm cận cảnh cho bức ảnh. Anh mỉm cười kể lại: “Chúng tôi vội vàng chọn góc độ và bấm máy thật nhanh, sợ rằng muộn chút nữa thì mặt trời lặn mất”.
 
Yếu tố ánh sáng quan trọng bậc nhất trong nghệ thuật chụp ảnh. Chọn được góc độ tốt, chớp được thời điểm phù hợp, chọn được khuôn hình đẹp, vẫn chưa đủ. Ánh sáng nhiều khi là nhân tố quyết định cho thành công của một bức ảnh. Bởi vậy mà Lê Quang Dũng đã phải “vội vàng” chớp lấy cơ hội ấy, khi anh cảm thấy chỉ sớm hơn hay muộn hơn một chút thôi, cái màu ráng chiều kia sẽ mất đi chút ít sức gợi cảm của nó. 
Bức ảnh “Xã Thanh Liên - Thanh Chương vào vụ mới” đã được chụp trong một dịp may mắn như thế!
 
Quỳnh Lâm