(Baonghean) - Cửa Rào là cụm từ chỉ nơi gặp gỡ của 3 dòng sông thiêng: Nậm Nơn, Nậm Mộ và sông Lam, thuộc địa phận xã Xá Lượng, huyện Tương Dương nay. Ẩn sau bề mặt tĩnh lặng ấy, là những di tích uy nghiêm và thiêng liêng, vững vàng trong suốt dặm trường lịch sử như đền Vạn - Cửa Rào, di tích cổng phủ đệ phủ Tương Dương xưa…
Chuyến đò sải tạm dừng cuộc hành trình ngược nguồn sông, ông lái chiều lòng khách viễn du bằng lối gác chèo rất khéo. Trời đã non trưa, nắng vàng dát mật óng ánh khắp mặt sông, ông lái đò kỹ tính giục chúng tôi nhanh chân bước lên những bậc lên xuống rộng rãi dẫn vào đền. Đền Vạn - Cửa Rào hiện gần trước mắt, uy nghi giữa những tàng cây xanh rì cổ thụ, toát ra vẻ thâm u, linh thiêng khiến khách lạ thêm kính cẩn, bước chân thật khẽ. Ông Nguyễn Thắng - Ban Quản lý Di tích đền Vạn - Cửa Rào thịnh tình đón chúng tôi, hồn hậu chia sẻ nhiều câu chuyện về ngôi đền linh thiêng này. Ông bảo, nhiều đoàn nghiên cứu và du khách đã về đây, đều công nhân, đền Vạn - Cửa Rào có nhiều giá trị hiếm có. Trước nhất, đền nhìn ra ngã ba sông phong thủy hữu tình, linh khí thịnh vượng; sau nữa, đền tọa lạc trên di tích Cồn Đền - nơi mà nhiều năm trước, các đoàn khảo cổ học đã khai quật được nhiều di chỉ có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.
Sách xưa còn chép, đền Vạn - Cửa Rào được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XIV, ban đầu là một ngôi miếu nhỏ để ghi nhớ công ơn và thờ cúng Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài cùng các tướng sỹ thời Trần phụng mệnh Thượng hoàng Trần Nhân Tông dẹp giặc Ai Lao. Về sau, bà con vạn chài các huyện Đô Lương, Anh Sơn… lên làm ăn, buôn bán, lập nghiệp, trước sự linh thiêng uy vệ của miếu đã khởi tâm, góp công đức tôn tạo thành ngôi đền ngày nay và đưa Tam Tòa Thánh Mẫu vào phối thờ. Ngôi đền thiêng vẫn giữ được kiến trúc theo lối chữ Nhị: nhà bái đường 3 gian 2 hồi lợp ngói âm dương, hai đầu hồi đắp nổi lưỡng long triều nguyệt ngậm dải lụa với thế cất cánh bay lên; nhà hậu cung diện tích nhỏ hơn bái đường, kiến trúc theo kiểu tứ trụ…
Ông Nguyễn Thắng chợt dừng mạch suy tưởng, chỉ tay sang phía bên kia sông, chia sẻ thông tin thú vị: Khu vực ngã ba sông này có nhiều điều hiếm quý, bên kia, trong khuôn viên của Trường THCS Xá Lượng, còn lưu vết tích cổng phủ đệ của Tri phủ Lang Vi Năng - một thành viên oai danh của dòng họ Lang Vi truyền giữ chức Tri phủ của phủ Tương Dương đến 3 đời. Thế là không hẹn mà gặp, ngã ba sông kỳ diệu đã cho hành trình ngược nguồn của chúng tôi có thêm điểm hẹn mới. Và lịch sử hiện ra sống động trước những vật chứng bất khuất của thời gian…
Nhiều tài liệu nghiên cứu khẳng định, phủ Tương Dương là một trong những phủ lớn thuộc vùng miền núi Nghệ An. Vùng này trước kia gọi là Kiềm Châu, sang thời Trần gọi là Mật Châu. Đến thời thuộc Minh gọi là châu Trà Long. Sang đến thời Lê lại đổi thành Trà Lân do tránh tên húy Vua Lê Thái Tông (Lê Nguyên Long). Sang thời Nguyễn, phủ Trà Lân bao gồm 4 huyện là Tương Dương, Vĩnh Hòa, Hội Nguyên và Kỳ Sơn. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) triều Nguyễn, phủ Trà Lân đổi thành phủ Tương Dương. Phủ Tương Dương xưa, nay là các huyện: Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn. Dòng họ Lang Vi thuộc tổng Lịch Cốc cũ (nay là xã Đôn Phục, huyện Con Cuông) đã có 3 thế hệ nối tiếp nhau giữ chức Tri phủ phủ Tương Dương. Ông Lang Vi Bằng chính là người mở ra thời kỳ 3 đời làm quan Thổ tri phủ của dòng họ.
Đến năm Khải Định thứ 6 (1921), ông Lang Vi Bằng có sớ xin hưu trí và được triều đình Huế chấp nhận, chức quan Thổ tri phủ được người anh họ là Lang Vi Tài kế thừa. Niên hiệu Bảo Đại thứ 10 (1934), chức Thổ tri phủ lại được con trai của ông Lang Vi Bằng là Lang Vi Năng đảm nhiệm. Trong thời kỳ này, ông Lang Vi Năng kế tục sự nghiệp của cha cai quản vùng miền núi phía Tây Nghệ An và có nhiều công lao với nhân dân. Đặc biệt, vào những năm 1941, ông được Quốc vương nước Triệu Voi (Lào) là Si Sa Vang Vông tặng bằng khen vì có công lao trong việc phân định biên giới hai nước. Ông Lang Vi Năng giữ chức Tri phủ phủ Tương Dương cho đến khi diễn ra cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Đứng từ cổng phủ đệ nhìn ra, mênh mang biêng biếc ngã ba sông ẩn bao linh khí đất trời, phóng tầm mắt chút nữa, là đền Vạn - Cửa Rào uy nghiêm trong nắng. Hành trình ngược nguồn mở ra bao điều kỳ thú, xin được giữ trong tâm tưởng mình những thiêng liêng kỳ diệu của nơi giao hòa 3 dòng sông thiêng, mà vẻ đẹp không chỉ tỏa ngời trước thiên nhiên, mà còn góp phần tạo nên và ôm ấp bảo tồn bao chứng tích lịch sử - văn hóa của dân tộc.
Bài, ảnh: Phương Chi