(Baonghean) - Bị mù từ nhỏ và không qua trường lớp, thầy dạy nhạc nào, nhưng ông Nguyễn Quang Ái ở thôn Đông Triều, phường Quỳnh Dỵ, TX.Hoàng Mai vẫn khiến nhiều người thán phục với tài đàn hát. Và, đáng nói hơn, ông từng là... thầy dạy nhạc cho nhiều đội văn nghệ trong vùng! 
 
 
Ông Nguyễn Quang Ái (sinh năm 1946) là con của một gia đình quen nghề chài lưới ở vùng biển làng Quỳnh. Lúc mới cất tiếng khóc chào đời, ông cũng là một đứa trẻ lành lặn nhưng khi 9 tháng tuổi, căn bệnh đậu mùa đã cướp đi của ông hai con mắt. Những năm tháng tuổi thơ, cậu bé Ái sống trong bóng tối. Khi bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường, Ái chỉ biết dò dẫm một mình trong tự ti, mặc cảm. 
 
images1072374_img_3465.jpgÔng Nguyễn Quang Ái
 
Khi 15 tuổi, Nguyễn Quang Ái theo anh trai đi hội làng, lần đầu tiên được nghe tiếng đàn bầu. Thanh âm thánh thót, da diết khiến tâm hồn cậu trai mù như hồi sinh. Khi tiếng đàn vừa dứt, Ái đòi anh trai đưa đến gặp người chơi đàn... “Cầm chiếc đàn bầu, tôi sờ mãi để hình dung nó ra sao. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi đàn bầu chỉ với 1 sợi dây cước mà có thể tạo nên những cung bậc âm thanh lay động đến thế!”, ông Ái nhớ lại. 
 
Vậy là Nguyễn Quang Ái quyết tâm học đàn. Không ai dạy, Ái tự học. Ái nhờ bác thợ mộc trong làng “chế tạo” nhạc cụ “hao hao giống” đàn bầu, rồi dùng cước (lấy từ lưới đánh cá) làm dây đàn. Từ đó, Ái đắm đuối với từng nốt gảy. Cứ mỗi tối, Ái nhờ người nhà đưa qua nhà bạn hát trong làng để luyện tiếng đàn cho khớp. Sau đó, nghe đài phát thanh, Ái thuộc một số làn điệu dân ca ví, dặm, chèo để tự mình vừa đàn, vừa hát. Với tài năng thiên bẩm, Ái đã chơi nhuần nhuyễn nhiều bài dân ca, nhạc cổ bằng chiếc đàn bầu tự chế khiến gia đình và những hàng xóm xung quanh không khỏi ngạc nhiên và thán phục. Thành thạo đàn bầu, Ái lại tìm thấy niềm đam mê với sáo trúc, đàn nguyệt, ghi-ta. Mãi đến năm 40 tuổi, ông Ái mới được sở hữu chiếc đàn bầu thực thụ do một người thợ mộc làm tặng, còn chiếc ghi-ta cũ là của ông bác họ đi bộ đội mang về cho... 
 
Khi 25 tuổi, Nguyễn Quang Ái đã được mời đi dạy nhạc cho các đội văn nghệ ở một số xã lân cận như Quỳnh Phương, Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện... Mỗi xã ông Ái dạy độ vài tháng, nhiều thì cả năm. Quãng thời gian ấy, Nguyễn Quang Ái đã có gần 5 năm đi dạy nhạc như thế. Ông Ái nhớ lại: “Hồi đó còn bao cấp nên tiền công chẳng đáng là bao. Khi về Quỳnh Lộc dạy, hợp tác xã ở đó phân công mỗi học viên lo cơm nước và chỗ ngủ cho thầy, còn không có thù lao gì, nhưng với tôi được đi dạy, được truyền thêm niềm say mê âm nhạc và hát những làn điệu dân ca cho người dân nghe là hạnh phúc lắm rồi”. Không biết chữ, nhưng chàng trai mù làng biển Quỳnh Dỵ có khả năng học thuộc và nhớ rất nhiều làn điệu dân ca của các vùng miền. Chẳng mấy chốc, chuyện chàng mù ca hay, đàn giỏi đã lan khắp làng rồi khắp huyện và được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi, phục vụ trong Lễ hội Đền Cờn... Được 2 năm, ông nghỉ đi phục vụ và bắt đầu ngao du với kiếp cầm ca. Khi ấy, ông đã ngoài 30 tuổi.
 
Ông Ái không muốn kể về cuộc đời long đong của mình. Chỉ biết trong thời gian đi dạy nhạc, ông Ái đã có tới hai đời vợ. Vợ đầu không sinh nở nên đành chia tay. Đưa đẩy phận người, ông lấy vợ sau quê Thanh Hoá cũng là người đã một lần lỡ duyên...
 
Cách đây độ 10 năm, vợ chồng ông Ái mới được sống trong ngôi nhà ngói nhờ Chương trình xóa nhà tranh tre, nứa lá. Con trai đầu và cô con gái thứ hai của ông bà giờ đã lập gia đình, người con trai út đang đi bộ đội. Ông Ái tham gia đội nhạc của Câu lạc bộ Người cao tuổi xã Quỳnh Dỵ. Thi thoảng, ông lại đi biểu diễn vào dịp lễ hội ở các địa phương. Người thôn Đông Triều tự hào gọi ông là “nghệ sỹ mù” của thôn mình. Nhiều năm qua, căn nhà của ông Ái là điểm lui tới thường xuyên của những người yêu đàn, hát trong thôn. Chơi được ghi-ta, đàn bầu, nhị, sáo trúc, đàn tam thập lục, đàn nguyệt, Amonica, nhưng với “nghệ sỹ mù” Nguyễn Quang Ái, đàn bầu vẫn được xem là “đứa con cưng”, là bạn tri kỷ lúc vui buồn...
 
Duy Ngợi