(Baonghean) - Những ngày vãn thu, cơn mưa đỏng đảnh thoáng qua hóa ra lại thành chất dẫn, ùa dậy lên những ngỡ ngàng trước tuyệt sắc mùa vàng biên viễn. Đất Châu Kim (Quế Phong) - vùng Mường Tôn, Mường Cả thuở nào rực lên trong bát ngát lúa thơm, nắng thơm, xen lẫn ngời ngợi sắc xanh như vương miện thiên nhiên của ngọn Pu Quai, tôn lên vẻ đẹp vừa thanh tân, vừa bí ẩn của một cõi non thiêng...
Tôi đã nhiều lần lên thăm Quế Phong, và lần nào cũng phải ngầm công nhận, mảnh đất đèo cao, vực cả này hút khách đến lạ kỳ! Trừ những chuyến công tác vội vã, gắn với các chương trình, dự án cây, con sáng lên triển vọng khởi sắc bản làng, còn nếu đi với tâm thế thong dong, ắt không thể quên ghé một vài địa danh nổi tiếng đã trở thành “gương mặt đại diện” cho cả vùng đất kỳ thú ấy. Vẻ đẹp cuồn cuộn của thác Sao Va, thác Pả Tấng... sự hùng vĩ bốn mùa của dãy Pha Cà Tủn hay sự tĩnh lặng đêm đêm của thị trấn vùng cao đều khiến cho tâm hồn khách lạ chìm trong thế giới lâng say. Thế nhưng, đất Quế không chỉ đẹp rạng rỡ phô phang đâu, vẻ đẹp còn ở những thâm trầm, bí ẩn của biết bao huyền sử lung linh trong tâm thức đồng bào dân tộc Thái khắp chín bản mười mường, và không biết tự bao giờ, cũng đã ngấm ngầm thấm đẫm tâm hồn người viễn xứ.
Tôi đã biết bao lần rảo khắp vùng Châu Kim - vùng đất là một phần của xứ Mường Tôn lừng lẫy, dừng chân khỏa nước bên dòng Nậm Giải mênh mang mà miên du về biết bao bí tích thầm thì vọng về từ quá khứ. Thì hẵng tưởng nhớ về một bếp lửa bập bùng, một nếp nhà sàn cổ kính, về những đêm sương giá của miền sơn cước, cha, con, ông, cháu ngồi quây quần bên nhau, bẻ đôi củ sắn lùi mà rầm rì chuyện xửa chuyện xưa... Chuyện kể, người Thái ta có một con đường linh thiêng- đường lên trời! Đường lên trời dành cho những hồn ma tìm lên thượng giới, là điểm khởi nguồn của hành trình về cõi vĩnh hằng với ông bà tiên tổ. Đường không xa ta đâu, đường ở rất gần thôi, chính là đền Chín gian thâm u giữa đại ngàn - điểm kết nối không gian và thời gian trong vòng xe luân hồi của cõi đời, của kiếp người. Câu chuyện rầm rì bí hiểm ấy, sau này thực đã được chép lại trong nhiều cuốn chính sử cũng như dã sử, và còn được biên niên thêm những thông tin thời đại quan trọng: Đền Chín gian được xây dựng từ thời thuộc Minh (1407- 1427) ở núi Pu Quai (Núi Trâu), thuộc địa bàn xã Châu Kim. Qua nhiều thế kỷ dãi nắng dầm mưa, ngôi đền có kiến trúc đơn sơ ban đầu ấy được đồng bào phát tâm khôi phục lại.
Năm Đinh Mão (1927), Tri phủ Quỳ Châu là ông Sầm Văn Viên - người Thái vùng Mường Tôn, lệnh cho dân trong vùng vào rừng khai thác gỗ lim kéo ra bến Piềng Pần (nay thuộc xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu), kết thành bè mảng, theo sông Nậm Giải chuyển lên tập kết tại bến Tà Tạo để nâng cấp ngôi đền. Nhiều già làng trước đây vẫn nhớ, sau khi được tôn tạo, ngôi đền có 4 dãy cột lim cao to kê trên đá tảng, cầu thang lên xuống xây bằng gạch. Năm 1929, bà con mở lễ hội và mãi đến năm 1947 mở lại 1 lần rồi thôi. Trong khoảng lặng 59 năm (1947 - 2006) gần một đời người, Lễ hội Đền Chín Gian hoàn toàn bị gián đoạn, chỉ còn trong ký ức người già. Năm 2004, UBND huyện Quế Phong tiến hành phục dựng làm mới, năm 2006, đền được khánh thành và tưng bừng tái mở lễ hội...
Nay, đền Chín gian uy nghi tọa lạc trên đỉnh Pu Quai, với bao huyền tích hư ảo bao quanh. Ngay cả tên đền gắn liền với con số 9 linh thiêng, cũng tỏa ra những câu chuyện về quyền năng của Trời, về ý nghĩa tượng trưng của “chín mường hạ giới”. Nhiều tài liệu còn cho rằng, vùng đất Châu Kim - Mường Tôn một thuở - nơi gửi chân của ngôi đền Chín gian chính là vùng đất tổ của đồng bào Thái miền Tây xứ Nghệ. Việc này vẫn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều, nhưng thiết nghĩ rằng, điều quan trọng nhất là sự hướng tâm trong ý niệm mỗi người. Đâu cũng là quê hương, là đất đai tiên tổ, và có phải chỉ cần nghiêng lòng kính cẩn trước biểu tượng của lịch sử và truyền thống, gìn giữ nếp tích trong mỗi việc làm của cuộc sống đời thường, chính là sự tri ân đẹp nhất!
Soi vào chính sử dân tộc, thì rõ ngay vùng đất tổ thiêng liêng đã chiếu tỏa vào hậu thế truyền thống yêu nước, giữ nước bất khuất nhường nào. Vùng non thiêng Châu Kim tỏa sáng trong lịch sử đất và người miền biên viễn với những dấu tích trận mạc lẫy lừng dân tộc. Sách Nghệ An ký của danh nhân Bùi Dương Lịch, có ghi danh Cầm Công- một tù trưởng ở Mường Tôn đã cùng dân binh gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, góp không ít công sức cho chiến thắng “Bồ Đằng sấm vang chớp giật”, khai thông con đường cho đại quân tiến từ Thanh Hóa vào Nghệ An. Trong dặm dài chính sử giữ nước, vẫn còn đó mốc son năm 1884, thời điểm triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước Patơnốt, “chấp nhận” sự bảo hộ của thực dân Pháp trên đất Việt Nam. Không chịu cảnh mất nước, làm nô lệ, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân khắp vùng Phủ Quỳ, mà nổi bật là nhân dân Châu Kim đã ra sức hưởng ứng phong trào Văn thân - Cần Vương chống thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Những cái tên như Lang Văn Cáng, hay còn gọi là Quản Thụ đã đi đầu, hô hào đồng bào góp của, góp công, kiên trì bảo vệ đồn Thanh Nga (Châu Nga, Quỳ Châu) và hy sinh anh dũng trên chính mảnh đất quê hương.
Những suy tưởng về một cõi non thiêng cứ miên man mãi... Đất và người Châu Kim, những tưởng với tôi đã không còn gì mới lạ. Thế mà, lần trở lại Châu Kim này, có nhiều thời gian để thưởng cái thú điền dã về vùng đất sử thiêng trong tâm thức đồng bào Thái, mặt khác, cũng vin vào cái cớ là lời mời của nhiều người già, về thăm bản Khoẳng - bản cố tọa của ngôi đền Chín gian. Người già bản Khoẳng, được hưởng phúc Trời, còn minh mẫn và uyên bác lắm! Già Lương Quang Vinh, năm nay đã xấp xỉ 90. “Tuổi này là tuổi trời cho rồi!”- Già kéo dài giọng, đưa hai tay lên chào nồng hậu đúng truyền thống đồng bào. Già Vinh nay là già làng uy tín của bản, đồng thời, nguyên là cán bộ của Ủy ban Nông nghiệp tỉnh ta một thời, nên sự khúc chiết trong lối chuyện trò và dẫn tích không chê vào đâu được.
Già bảo, nay bản có 69 hộ, 321 khẩu, thì ngần ấy đều nhất tề giữ nếp sinh hoạt văn hóa, văn minh. Không nghiện hút, không cờ bạc, chỉ mở vò rượu cần vào dịp lễ, tết, vợ chồng, con cái thuận hòa, đời sống chưa hẳn đã khá giả nhưng cũng phần nào vững hơn mọi ngày. Lan man câu chuyện mừng vui, già bỗng trầm giọng, tâm tình về nguyện vọng của bà con dân bản hôm nay. Chẳng là, bà con bản Khoẳng đang có mong muốn xây dựng bản làng thành Bản Kháng chiến, hoặc một mô hình nào đó để ghi dấu những chiến công và hy sinh của một thế hệ đồng bào cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. “Người già còn nhớ chuyện, còn người trẻ quên nhiều rồi. Muốn có một tấm bia dẫn tích dựng ở ngay đầu bản, dựng ở những điểm di tích trước đây, để làm minh chứng lịch sử giáo dục con cháu đời sau.” - Già Lương Quang Vinh trầm tư bộc bạch.
Và theo trí nhớ của già Vinh, tôi lần tìm lại những tài liệu, ghi chép về sự chiến đấu anh dũng của đồng bào bản Khoẳng (Châu Kim) trong cuộc kháng chiến bất khuất của đất nước. Biết bao người con dân bản đã cầm súng ra trận, thao thiết hậu phương thóc, gạo nuôi quân. Kể sao hết những máu xương mất mát, nhuộm thắm lá cờ đỏ phấp phới bay ngày toàn thắng. Đặc biệt, có một sự kiện tác động trực tiếp đến từng tấc đất, mạch sông bản Khoẳng, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong tâm trí dân bản nhiều thế hệ, và may mắn thay, tôi đã tìm thấy lưu trữ trong Báo cáo của Huyện ủy Quế Phong năm 1969 (Hồ sơ 23, trang 4): Tối ngày, 20/7/1967, Đảng bộ Huyện Quế Phong đang tiến hành các công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ lần thứ III. Nhưng Đại hội chưa kịp diễn ra như dự kiến thì loạt bom dữ dội của máy bay Mỹ ném xuống ồ ạt khiến người dân bản Khoẳng không kịp trở tay. 27 ngôi nhà đã bị thiêu rụi hoàn toàn, 2 người chết và nhiều người thương nặng. Anh Lương Văn Bình - Xã đội trưởng xã Châu Kim bấy giờ hy sinh trong quá trình vượt hiểm nguy, hỗ trợ cứu người và tài sản của bà con...
Già Vinh đưa tôi ra đứng bên bờ Nậm Giải, chỉ tay ra phía giữa dòng. Phía đó, có những tảng đá đồ sộ trọng lượng dễ đến hàng chục tấn, sừng sững chắn ngang, trên thân đá nứt toác những kẽ lớn. “Là vết tích của bom Mỹ năm xưa đấy, tôi còn nhớ rõ, pháo sáng tỏa một vùng, bom và rốc két nổ uỳnh oàng, bà con ta vội vàng thu dọn, bảo vệ các cơ sở, vật chất kháng chiến, vừa dìu nhau nấp vào các đường hầm, hào bao quanh bản”. - Già Vinh run run kể lại. Bản Khoẳng giờ đây, những nhà sàn xây kiểu mới đã nhấp nhô nhiều giữa vài nếp nhà sàn gỗ cũ, thế nên, lẽ dễ hiểu, sự biến động của thời gian cũng đã làm cho những dấu tích kháng chiến năm xưa vùi lấp đi nhiều. Ngoài mấy tảng đá lớn giữa dòng Nậm Giải, chỉ còn lại một miệng hầm chữ A, ngay phía ngoài hàng tre rậm rịt kết đoàn. Đứng từ đây nhìn lên, vẫn thoáng thấy bóng đền Chín gian, thấy rừng cây xanh ngời của ngọn Pu Quai viền lên nền trời Châu Kim - Mường Tôn vẻ gì huyền hoặc lạ thường. Thì ra, dẫu qua bao lần sao dời vật đổi, ngọn Pu Quai linh thiêng ấy vẫn tỏa ngời khắp cõi truyền thống của đồng bào Thái tình yêu và niềm kính trọng tiên tổ, quê hương. Chào già Vinh, chào bản Khoẳng, chào Châu Kim, tôi - một người xa ngái - xin mang theo âm hưởng thiêng liêng và luyến lưu của tiếng chiêng đền Chín gian trong trái tim mình!
Bài, ảnh:Phương Chi