(Baonghean) - Cũng là trải nghiệm thi vị khi đến với con đường nội đô mộc mạc của phố Vinh trong những ngày trời se lạnh, sau cơn mưa đầu đông thế này. Dong xe thật chậm, ngắm nghía mấy hàng cau, hàng dừa cảnh nhà ai vẽ lên nền trời màu xanh quê kiểng, hít hà đầy lồng ngực khí lạnh đầu mùa, thấy lòng thư thả mà quên đi tất thảy những bộn bề ồn ã…
Như nhiều con đường liên khối khác, đường Đoàn Nhữ Hài có chiều dài chưa đầy 1 km, bề rộng dễ chỉ 4m có lẻ, dễ nhận ra lối vào đường giao với lộ lớn Nguyễn Thái Học. Đường nằm trên địa phận phường Lê Lợi, mới được hình thành và mở rộng non 30 năm nay. Trong tâm trí lớp người cũ, trước, đây là diện tích ruộng đồng, ao chuôm, là sinh kế nông nghiệp của hàng trăm người dân sống quanh khu vực này. Về sau, tiến trình phát triển nội đô đã mạnh dạn xóa đi những nét thôn quê không còn phù hợp với thời đại mới, tạo nên đường Đoàn Nhữ Hài đầy thi vị trong nhịp mới phố phường hôm nay.
Sự thi vị ấy đến từ những giản dị bất ngờ mà không nghĩ rằng lại còn có thể bắt gặp ở một con đường giữa thành phố trẻ. Đó là những buồng chuối lúc lỉu vàng hươm, trĩu nặng trên thân xanh nõn, lấp ló trong hàng rào thấp lè tè của ngôi nhà ngói đỏ; lại có khi gặp ngay chú gà trống choai dõng dạc đập cánh phành phạch, ra điều ta đây là chủ nhân khu vườn… Rồi cảnh võng dù đung đưa bên hiên nhà, chốn bình yên của ông bà và cháu nhỏ mỗi chiều về. Đường hẹp nhưng lắm bóng cây xanh tỏa ra từ hai dãy nhà dân đối diện, lại có cả vườn rau tăng gia và mấy cây ăn quả. Ở ngay phố mà tưởng như giữa chốn quê, lòng dậy nên nỗi trong trẻo và tình mến yêu với một con đường nên thơ nhỏ bé.
Chẳng mấy thôi đường mà có đến 2 hàng tạp hóa bày gọn ghẽ trong sân nhà, bán đủ thứ, phục vụ thiết thực cho người hàng phố. Quán tạp hóa ngay đầu đường là của chị Phan Thị Thủy. Chị bảo, về làm dâu đã mấy chục năm nay, từ thuở vùng này đa phần còn là ruộng lúa và mấy ao rau muống liền kề. Những năm 1989, 1990, thành phố có chủ trương san lấp ruộng, khuyến khích nhân dân chuyển dần ra mặt phố để ở. Đất nhà chị Thủy đang ở hiện tại, gốc cũng là đất ruộng năm xưa. Và đường Đoàn Nhữ Hài, theo ký ức chưa xa của chị, những năm tháng đó, rợp tre pheo và um tùm cỏ dại. Đường chỉ là lối mòn nhỏ dân đi mãi thành quen, sau này mới được người dân ra phát hoang, xây nhà dựng cửa. Thời gian thoi đưa đã hóa đồng bãi hoang vu thành phố xá nhộn nhịp đông đúc như giờ.
Lớp dân ngụ cư ở đường này từ cái xuất phát điểm nông dân, công nhân, lao động phổ thông từ các bến bãi, ga tàu… năm xưa, nay dẫu đã khoác lên mình sắc diện người mặt phố, vẫn còn phảng nét bỗ bã, rổn rảng và hồn hậu. Đường nhỏ hẹp, hai dãy nhà dân đối mặt nhau, bên này đường thuộc địa phận khối 9, bên kia đường đã là đất khối 10, phường Lê Lợi. Sự phân chia ranh giới hành chính ấy dường như chỉ có ý nghĩa về mặt giấy tờ, còn hàng ngày, nhịp sống láng giềng vẫn ấm tình đoàn kết. Mặc cho nhà nào cũng cổng đóng then cài, bếp bên này đỏ lửa thơm tộ cá kho cũng phải ơi ới bưng sang mời nhau chén nhỏ. Rồi hiếu hỉ, đình đám, hội hè, ngoài việc khối, việc phường đôi khi khác nhau về thời gian, còn thì các tổ liên gia cứ tự phát hình thành, nhà hai bên đường chạy ù sang góp công góp của, cứ gọi là náo nức vui cả con đường.
Thực ra, nhiều người dân ở Vinh, đặc biệt là lớp trẻ, nhắc đến tên đường Đoàn Nhữ Hài chẳng mấy ai tỏ ra quen thuộc. Thế mà, gợi ý thêm một chút, rằng con đường ấy, có quán Phố Mơ lãng mạn, chuyên kinh doanh ẩm thực dân dã bốn miền thì 10 người cũng đến 9 ồ lên rằng “Lạ gì!”. Phố Mơ mới đóng đô trên đường này tròn năm, nhưng đã nhanh chóng được “bầu” là điểm nhấn cho con đường khiêm nhường trong lòng phố, bởi vẻ đặc biệt từ kiến trúc quán, lối trang trí theo kiểu phố cổ Hội An và những món ăn đa dạng từ bún đậu mắm tôm Hà Nội, giò bê Nam Đàn, dạ dày om tiêu kiểu miền Trung… đến các loại lẩu chế biến mà nguyên liệu từ sang cả đến bình dân. Độ mùa này, cữ trời có tí lất phất mưa, hoặc se lạnh, dong xe ngang qua phố, hẳn không thể cầm lòng trước hương vị quyến rũ từ các nồi lẩu thịnh nhất ở Phố Mơ. Chủ quán này cũng là một tay rất hay. Thích trồng lan, mê du lịch bụi, ham bù khú bạn bầu, nghề tay phải là nhân viên nghiệp vụ của Trung tâm Kinh doanh tổng hợp thuộc Công ty Xăng dầu Nghệ An, ấy mà rồi loay hoay thế nào lại vấp vào cái nghiệp kinh doanh ẩm thực - nghe qua đã thấy “trái ngang”. Anh chàng này cũng có tiêu chí kinh doanh rất cụ thể, rằng muốn có một chuỗi nhà hàng mà ở đó, thanh niên biết thêm được nhiều điều về lịch sử, bậc cao niên thì đến để có không gian hoài niệm, các bạn 9X vẫn tự tin vào quán chỉ với 100 ngàn đồng, và người giàu bỏ số tiền ra dùng bữa với những món dân dã mà vẫn không mất đi đẳng cấp! Cái tiêu chí kinh doanh ấy thực quả táo bạo, táo bạo như chính quyết định ban đầu của anh chàng khi mở quán ở đường Đoàn Nhữ Hài này. Chàng ta cũng thú thực, là liều, vì đường nhỏ, khuất, không phải tuyến phố chuyên doanh mà trái lại nằm trong khu dân cư đa phần là hưu trí. Sau một năm, sự liều đã làm nên chuyện, và Phố Mơ vẫn vững vàng yên vị trên đường, thành một điểm nhấn mơ màng lịch thiệp không chỉ với lữ khách mà cả với dân cư “bản địa”.
Cái hay nhất của con đường này là khung cảnh về đêm. Đường đã được người dân góp tiền mắc hệ thống đèn chiếu sáng, nên tuyệt đối sạch sẽ và bảo đảm an ninh trật tự. Đổi thay sắc diện qua bốn mùa, nhưng đường vẫn thủy chung với vẻ đẹp thinh lặng và bình yên, dẫu là chan hòa ánh trăng thượng huyền mùa hạ, hay hư ảo sương khói mùa thu, căm căm gió bấc mùa đông… Tôi đã từng ngồi trên lầu hai của Phố Mơ, ngắm mê man con đường nhỏ bé ấy mà đắm chìm trong kỷ niệm đẹp thiêng liêng của anh chàng chủ quán: đêm giao thừa năm nọ, cả đôi dãy nhà dân bên kia đường thắp nến lung linh, bàn cúng giao thừa ngoài trời đều trang trọng đặt ảnh Bác Hồ. Thắp một nén hương lầm rầm cúng vái, rồi nhìn xuống con đường nhỏ bé dưới chân, thấy ngập tràn sự gắn bó ấm áp và thân thương như đã trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình đời mình…
Đoàn Nhữ Hài (1280-1335), người làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), là một danh thần đời nhà Trần. Ông làm quan trải 3 đời vua Trần Anh Tông (1293-1214), Trần Minh Tông (1314-1329) và Trần Hiến Tông (1329-1341), là người có năng lực hoạt động về ngoại giao và nội trị, lần lượt nắm giữ các chức vụ Ngự sử trung tán, Tham tri chính sự, Hành khiển, Thiên tử chiêu dụ sứ, Kinh lược Nghệ An. Ông hy sinh trong cuộc chinh phạt Ai Lao năm 1335. |
Phương Chi