(Baonghean) - Hiện tại Quốc hội đang bàn về cách thức, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp bầu ra hoặc phê chuẩn. Có 2 phương án đang được các đại biểu Quốc hội bàn bạc là hoặc lấy phiếu tín nhiệm tất cả các chức danh đã được bầu hay phê chuẩn (Trung ương 430 người, tỉnh từ 50 đến 65 người, huyện từ 20 đến 30 người, xã từ 5 đến 7 người) hoặc chỉ lấy phiếu tín nhiệm các cán bộ chủ chốt (Trung ương 49 người, tỉnh 20 người, huyện 12 người, xã 7 người).

Theo ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì thủ tục này sẽ tiến hành 2 bước: Một là lấy phiếu tín nhiệm để thăm dò, sau đó sẽ bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm để quyết định chức danh của người cán bộ đó! Nhiều đại biểu cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm là bước mở đầu cho thời kỳ văn hóa từ chức hình thành trong đời sống sinh hoạt chính trị của chúng ta. Các đại biểu đó nói rằng một người cán bộ khi nhận được phiếu tín nhiệm quá thấp thì nên từ chức đi để bảo toàn danh dự, không nên để đến Quốc hội hoặc HĐND phải đề nghị bắt buộc thì mới  thôi chức! Xem ra, ý kiến đó rất hay nhưng vẫn có chỗ nên được bàn lại. Từ chức là  thái độ ứng xử của người được giao quyền chức trước thực tế  biến động của cuộc sống. Nó thường đi với lòng tự trọng và phương cách biểu hiện có văn hóa của đương sự. Rất nhiều lý do để đưa đến một quyết định từ chức, chứ không đơn thuần chỉ là năng lực hoặc khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

Việt Nam có văn hóa từ chức không? Xin trả lời là có! Việt Nam không những có văn hóa từ chức mà còn có cả “văn hóa nhường ngôi, thoái vị” từ thời Lý, thời Trần và cả các thời về sau này nữa!  Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… đều là những ông quan lần lượt từ chức trong những thời điểm khác nhau của lịch sử chế độ phong kiến. Không hiểu từ đâu, từ khi nào chúng ta đã không coi việc từ chức là một thái độ ứng xử có văn hóa, ngược lại, chúng ta gán ghép nó với tư tưởng bất bình, bất mãn chính trị để rồi từ đó không ai còn dám từ chức cả!  Khi không còn ai dám từ chức thì chúng ta lại nói gàn dở rằng Việt Nam không có “văn hóa từ chức”! Thật là một cái vòng luẩn quẩn.  Vậy thì bây giờ, muốn có văn hóa từ chức, trước tiên chúng ta phải coi từ chức là chuyện bình thường, chuyện lành mạnh trong ứng xử văn hóa hành chính. Người từ chức phải được nhân dân đánh giá là người có  phẩm chất, có nhân cách, đáng được tôn vinh và quý trọng. Quan chức Việt Nam không phải ai cũng tham quyền cố vị cả đâu! Nếu cái nhìn của xã hội thay đổi, chúng ta có thể tin rằng  thái độ ứng xử của các quan chức sẽ có nhiều thay đổi trong việc thực thi văn hóa từ chức, bởi vì văn hóa từ chức không xa lạ gì với truyền thống văn hóa ưu việt của chúng ta.

Trở lại  vấn đề “lấy phiếu tín nhiệm”. Một số đại biểu nói những người nhận được phiếu tín nhiệm thấp nên từ chức để bảo toàn danh dự! Thật ra không phải thế! Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc một cán bộ nhận được số phiếu tín nhiệm thấp bởi không hoàn thành  nhiệm vụ được giao, chẳng hạn như do sức khỏe, do tuổi già, do hoàn cảnh gia đình đột xuất, do tai nạn, tai họa bất ngờ... Những người như thế chẳng có điều gì để gọi là mất danh dự cả! Có điều, khi một cán bộ có phiếu tín nhiệm được đánh giá là thấp rồi mới từ chức thì e rằng sự từ chức đó không còn mấy ý nghĩa tích cực nữa! Văn hóa từ chức luôn đi đôi với lòng tự trọng và ý thức mong mỏi có người kế thừa xứng đáng sao cho công việc giao lại cho người khác mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Giữ chức hay từ chức cũng chỉ vì một mục đích là làm tốt công việc của dân của nước!


Thạch Quỳ (Tp.Vinh)