(Baonghean) Ở phạm vi gần, chuyện đêm diễn Xiếc Mới của Công ty TNHH Nhà hát của Giấc mơ vừa "diễn" ra tối thứ 7 ngày 22/9/2012 tại sân Nhà Văn hóa Lao động Thành phố Vinh là một tấn bi hài, chắc chắn người ta còn phải nhắc đến nhiều như là một bài học đắt giá về công tác quản lý.

Những người dân đã đến xem đêm diễn thì không thể không ấm ức khi làm công dân thành phố đô thị loại I, nơi đang xây dựng thành Trung tâm kinh tế - văn hóa khu vực Bắc Trung bộ mà lại bị một gánh xiếc "trời ơi đất hỡi" biến thành những "con lừa" bị "chém đẹp". Mấy ai tưởng tượng nổi "thực đơn" mà gánh xiếc quảng cáo trên vé là "Lần đầu tiên 1 chương trình mới lại - cực hay - cực hấp dẫn", "Lần đầu tiên được tổ chức công phu - hoành tráng - bậc nhất Đông Nam Á", nhưng đến khi lại phải nếm những món, những tiết mục về nội dung thì nghèo nàn, đơn điệu, về kỹ năng kỹ xảo thì cẩu thả, sơ sài, lóng nga lóng ngóng với những lỗi mà bất cứ ai cũng có cảm giác là diễn viên diễn "chưa sạch nước cản".

Thế nhưng tuy vụng về, non kém về nội dung biểu diễn môn xiếc thật - xiếc diễn cho khán giả trên sân khấu, thì họ lại cực kỳ bặm trợn và mạnh tay trong việc đánh lừa khán giả và qua mặt các cơ quan quản lý. Dư luận chưa hết buồn vì gánh xiếc, lại ngỡ ngàng với nội dung trả lời cũng rất "xiếc" của một cán bộ thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch: "Vì ngày nghỉ nên chúng tôi bỏ qua khâu kiểm tra về địa điểm, cơ sở vật chất, vé... chủ quan trong công tác thanh tra". Ôi chao, chẳng lẽ làm thanh tra ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch lại ngờ nghệch đến mức không biết rằng thời điểm tham gia và thụ hưởng những sinh hoạt, hoạt động văn hóa mang tính giải trí đông người như các đêm biểu diễn văn nghệ, các buổi thi đấu thể thao (như bóng đá quốc tế và trong nước chẳng hạn)... của đại bộ phận nhân dân, nhất là dân cư thành thị, chủ yếu tập trung vào những ngày nghỉ, ngày cuối tuần? Hay là bản thân ông thanh tra cũng bị đoàn xiếc đã "làm xiếc" để qua mặt? Đúng là xiếc của xiếc!


Ở phạm vi rộng hơn, là câu chuyện cơ quan chức năng phát hiện ra mẫu lồng đèn nhựa hình chuồn chuồn xuất xứ từ Trung Quốc, có chứa chất cadimi (một trong 3 kim loại được các nhà khoa học cho là độc hại nhất với cơ thể con người, hai loại khác là chì và thủy ngân) cao hơn 123 lần mức cho phép. Đây là chất có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dị tật thai nhi... Những thông tin này được cơ quan chức năng kiểm tra và kịp thời có thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngay trước dịp người ta chuẩn bị sắm quà Tết Trung thu. Thế là, cùng với vô số lý do mà người ta không mấy cảm tình với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc chất chứa từ lâu, một phản ứng dây chuyền cực mạnh về việc tẩy chay đồ chơi, kể cả bánh kẹo, có xuất xứ từ Trung Quốc đã xảy ra gần như khắp nơi... Những con tò he, những đèn ông sao bằng giấy... ngỡ như chỉ còn trong ký ức của người lớn tuổi,tưởng như nó sẽ bị đẩy dồn vào dĩ vãng, thì lại bỗng dưng được tìm kiếm, đón nhận! Từ câu chuyện mua sắm đồ chơi của Tết Trung thu năm nay, người ta lại ngẫm ngợi ra nhiều điều về sức sống mãnh liệt của bản sắc văn hóa, về hành trình tìm kiếm và nâng niu giá trị đích thực, ở những phạm vi khác với vô số hoạt động khác.


Ngẫm lại hai câu chuyện vừa xảy ra, có chuyện buồn, có chuyện vui, tưởng như không liên quan đến nhau nhưng lại rất gần nhau khi đem đến một nhận thức rất chung rằng: cơ quan chức năng, người có thẩm quyền có vai trò rất quan trọng và có tác động lớn đến việc hưởng thụ đời sống văn hóa của nhân dân, đến những tình cảm vui buồn của người dân, không chỉ ở những điều lớn lao mà ngay những điều rất cụ thể và bình thường trong cuộc sống hàng ngày.


Đức Dương