(Baonghean) - Khi chúng ta làm một việc gây tổn hại đến người khác mà không nói một lời “xin lỗi” hoặc nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia mà không biết “cảm ơn” thì bị coi là thiếu văn hóa. Biết nói lời “cảm ơn” hay “xin lỗi’ kịp thời, đúng lúc, xuất phát từ sự chân thành còn là giá trị của mỗi con người, tổ chức trước cộng đồng, xã hội.

Tại một địa phương có 2 công dân đã dũng cảm phản ánh những tiêu cực về việc làm hồ sơ hưởng chế độ chất độc da cam của một số đối tượng. Tuy nhiên, địa phương này không những không tìm hiểu, kiểm tra thấu đáo, không tiếp thu sửa chữa mà còn phát văn bản trả lời với nội dung sai sự thật, sai bản chất vấn đề, thậm chí yêu cầu cơ sở tổ chức kiểm điểm 2 công dân trên.

Hay ở một đơn vị nọ, có đồng chí cán bộ cốt cán trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để xảy ra sai sót, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đơn vị mình và một số đơn vị khác. Khi tập thể tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, góp ý về những sai sót dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nói trên, đồng chí cán bộ đó không những không thẳng thắn nhìn nhận về khuyết điểm của mình mà còn quanh co tìm cách bao biện, trốn tránh trách nhiệm và không hề có một lời “xin lỗi” vì những sai sót làm ảnh hưởng đến đơn vị và cộng đồng, hay “cảm ơn” những ý kiến góp ý chân thành và thẳng thắn của đồng chí, đồng nghiệp...

Những hiện tượng như trên đang diễn ra rất phổ biến, hàng ngày ở nhiều đơn vị, nhất là trong các cơ quan công quyền. Đó là sự lỗi hẹn, những sai sót trong xử lý công việc với người dân, doanh nghiệp, giữa các ngành với nhau và ngay chính trong nội bộ ngành, đơn vị. Vậy nhưng rất hiếm khi nghe được những lời “xin lỗi” từ phía các cán bộ, công chức khi họ có sai sót hay sơ suất. Còn nữa, trước những nghĩa cử, hành động, việc làm đầy trách nhiệm góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội... thì cũng rất hiếm khi những người có trách nhiệm trong các cơ quan công quyền kịp thời bày tỏ lòng cảm kích, sự ghi nhận hay nói lời “cảm ơn”! Mới thấy, những cán bộ, công chức vẫn còn rất nặng nề tư tưởng, tâm thế của kẻ có quyền ban phát và cho rằng nếu phải công khai “xin lỗi” về một vấn đề nào đó là hành vi tự hạ thấp mình. Chưa kể, có một số người biết mình mắc lỗi nhưng vẫn chối tội, chạy tội, thậm chí là phớt lờ, tỏ thái độ thách thức hoặc bày mưu kế bịa đặt, hãm hại người khác...

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách toàn diện và đủ đầy, không nên đánh đồng, vơ đũa cả nắm khi cho rằng cứ là người có chức có quyền, là cán bộ công chức đều khó nói lời “xin lỗi” hay “cảm ơn”. Có những người được đào tạo bài bản, xứng đáng với vai trò, nhiệm vụ được phân công, luôn có ý thức hoàn thiện mình trong môi trường lãnh đạo, quản lý thì sai sót sẽ ít xảy ra. Và đối với họ, khi thấy sai, sẵn sàng “xin lỗi” một cách dễ dàng, thanh thản và với họ “xin lỗi” cũng là để thay cho lời hứa: Tôi sẽ không mắc lại lỗi lầm này nữa! Họ cũng là những người biết kịp thời “cảm ơn” để bày tỏ sự ghi nhận những nghĩa cử, hành động trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân đối với hoạt động của bộ máy công quyền và cộng đồng, xã hội. Họ cũng sẵn sàng từ chức, rời khỏi vị trí khi mình không còn xứng đáng, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ... Ngược lại, những người đang ở vị trí mà mình không đủ tư cách, không xứng đáng nắm giữ lại thường ngộ nhận về khả năng của mình, cố tìm mọi cách níu giữ, thì với họ việc nói lời “xin lỗi” hay “cảm ơn” thật khó khăn. Thật đáng buồn là những người biết nói lời “xin lỗi” hay “cảm ơn” lại còn không ít trong xã hội.

Thật đáng suy ngẫm, trăn trở khi chỉ có mỗi lời nói “xin lỗi” hay “cảm ơn”  mà sao vẫn còn khó đối với không ít người trong xã hội hiện nay, kể cả đối với nhiều người có học vấn, có địa vị xã hội, giao tiếp nhiều. Nhất là trong hoạt động công quyền, thói quen... không “xin lỗi”, ít “cảm ơn” đã tồn tại từ lâu và chưa thể xóa bỏ trong một sớm, một chiều. Nên chăng đến lúc chúng ta cần ban hành quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức để lỗi hẹn, sai sót, bê trễ trong thực thi nhiệm vụ mà không có văn bản “xin lỗi”, cam kết nghiêm túc sửa chữa khuyết điểm?.


Phương Nguyên