(Baonghean) Từ xa xưa, các nhóm cư dân Bách Việt với quan niệm "vạn vật hữu linh"đã có tục thờ cúng Tam quang (mặt trời, mặt trăng, các vì sao). Người Việt coi mặt trời là cha, mặt trăng là mẹ, các vì sao là con cái trong quan hệ gia đình vũ trụ.
Việc thờ cúng mặt trời, mặt trăng và các vì sao là việc khá phổ biến của nhiều tộc người trên thế giới. Dân tộc Hán ở phương Bắc thờ mặt trăng từ thời Tiên Tần. Chuyện kể rằng, thời nhà Tần có một cô gái xấu xí, đần độn, thường chắp tay lên trời vái mặt trăng để xin cho mình được thông minh, xinh đẹp. Không ngờ, một thời gian sau, mọi sự như ý, cô gái trở nên thông minh, xinh đẹp được tiến vào cung vua và trở thành hoàng hậu. Từ đó, mọi người đua nhau cúng thần mặt trăng để cầu phúc cho bản thân mình. Người theo đạo Bà la môn Ấn Độ có tục thờ cúng mặt trăng còn sớm hơn cả nhà Tần. Tuy vậy, tục cúng mặt trăng của các dân tộc phương Bắc như dân tộc Hán chủ yếu là tục cúng trăng non vào ngày 7 tháng 7 âm lịch (gọi là ngày thất tịch). Mãi đến thời Đường, người Trung Hoa mới thờ cúng trăng tròn vào ngày Rằm tháng 8, tiết Trung thu. Người thời Đường coi trăng tròn là sự viên mãn, đủ đầy, tượng trưng cho sự đoàn tụ thể hiện ở sự tròn đầy của mặt trăng.
Người thời Đường cúng Tết Trung thu là cúng Thần Mặt trăng. Người Việt coi mặt trăng là mẹ của vũ trụ, mẹ của muôn loài. Mặt trời là cha, phái nam, thuộc dương, mặt trăng thuộc về âm, đại diện cho phái nữ. Lễ cúng trăng tự nó có ý nghĩa là một nghi lễ tôn vinh vị thần của phái nữ! Sách Đế kinh cảnh vật lược viết: Đêm Trung thu cúng trăng, đồ cúng được bày theo hình tròn và bày vào chỗ có ánh trăng chiếu tới. Đồ cúng gồm hoa quả, bánh kẹo. Quả dưa được tỉa cắt thành hình cánh sen, tranh vẽ cũng được bày ra để cúng.Tranh con thỏ có rất nhiều loại, loại vẽ trên giấy, loại nặn bằng tượng đất, loại bằng vải quấn..."Có 3 cách để cúng Trung thu. Một là, phái nữ cúng trước, phái nam cúng sau. Hai là, phái nữ cúng, phái nam có mặt, đứng chầu hầu nhưng không cúng. Ba là, theo sách Bắc bình tạc khúc: "Khi cúng trăng tiết Trung thu, phái nữ khi cúng phải né tránh phái nam, cúng xong mọi người già, trẻ, trai, gái mới tụ tập bên mâm cỗ"...
Nói tóm lại, dù bỏ công quyết tâm đọc hết mọi cuốn sách lễ nghi viết về Tết Trung thu từ cổ chí kim cũng chỉ thấy nói Tết Trung thu là tết tôn vinh phái nữ, không hề thấy sách nào nói Tết Trung thu là tết của thiếu niên nhi đồng!
Nhưng tại sao ở nước ta lại có quan niệm Tết Trung thu là tết của các cháu? Tôi cho rằng quan niệm này chỉ hình thành sau Cách mạng tháng 8/1945. Từ đó, mỗi mùa Thu đến, ngày Tết Trung thu các cháu thiếu niên, nhi đồng lại được đi cắm trại, được vui chơi, được rước đèn ông sao, được nhận quà bánh và đặc biệt là được nhận thư chúc tết của Bác Hồ nên mới nảy sinh quan niệm Tết Trung thu là tết của thiếu niên nhi đồng. Đó là một quan niệm mới,hình thành sau cách mạng rất đáng được trân trọng và gìn giữ. Tuy nhiên, theo phong tục cổ truyền Tết Trung thu nhằm tôn vinh vẻ đẹp phái nữ cũng là một ý tưởng rất hay, rất đẹp chúng ta cũng cần nghiên cứu để kết hợp gìn giữ ý tưởng đó, làm cho ngày Tết Trung thu thêm phần ý nghĩa.