(Baonghean) - Tình cảm và sự tôn trọng lẫn nhau là hai điều quan trọng nhất đối với văn hoá tặng quà mà cả người cho và người nhận đều phải có.

Hồi mình còn đi học, mỗi lần trong lớp có bạn nào tổ chức sinh nhật, được mời đến dự là thích lắm. Quần áo xúng xính, tóc tai gọn gàng, món quà nhỏ chạy tìm mua cả ngày được gói đẹp đẽ…nhưng điều mà mình lưu tâm nhất bao giờ cũng là tấm thiệp chúc mừng.

 Đừng tưởng thiệp chúc mừng chỉ là thứ yếu, là vật “trang trí” cho món quà. Chọn quà đôi khi còn dễ hơn viết thiệp chúc mừng gấp mấy. Bởi, nếu chỉ đơn giản viết vội mấy chữ “Chúc mừng sinh nhật” thì người ta đã chẳng bỏ công mua thiệp, nắn nót tự viết làm gì. Ở các nhà sách loại thiệp in sẵn “Chúc mừng sinh nhật”, thậm chí bằng dăm ba thứ tiếng khác, cứ phải là nhan nhản. Nhưng không, đối với những món quà dành cho người mà chúng ta thực sự yêu quý, ta sẽ muốn dồn hết tâm trí và tình cảm của mình, dù chỉ là một tấm thiệp nhỏ. Đổi lại, khi mình là người nhận quà, tấm thiệp mời cũng là thứ đầu tiên mà mình mở ra và là thứ lôi cuốn sự tò mò, háo hức hơn cả những món quà đẹp đẽ.

images1413133_ch_n_mua_hoa_t_ng_th_y_c__h_u_vi.jpgChọn mua hoa tặng thầy cô ngày 20-11. Ảnh: Hữu Vi

 Tình cảm và sự tôn trọng lẫn nhau là hai điều quan trọng nhất đối với văn hoá tặng quà mà cả người cho và người nhận đều phải có. Thế nhưng đáng buồn là trong xã hội hiện đại, không biết có phải vì quá bận rộn không mà đôi khi văn hoá tặng quà bị xem nhẹ, thậm chí “tối giản” đến mức lệch lạc so với mục đích tốt đẹp ban đầu. Một ví dụ chẳng đâu xa là việc tặng quà, tặng hoa chúc mừng các thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Mình đã chứng kiến trên một lần bậc phụ huynh tranh thủ lúc đưa đón con ở trường để giúi vội vào tay giáo viên của con một chiếc phong bì - không hoa, không thiệp, không một lời chúc mừng trọn vẹn. Tự nhiên mình thấy buồn, buồn cho người cho, người nhận và cho cả các cháu học sinh.

 Còn đâu ý nghĩa cao đẹp của một ngày lễ thể hiện truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của người Việt Nam mình, khi mà nhận thức của người ta về món quà, về nghĩa cử tri ơn thầy cô bị lối sống vật chất, thực dụng bóp méo? Mình từng nghe bố mẹ, thậm chí ông bà kể chuyện ngày xưa mỗi dịp lễ Tết đi thăm thầy cô, có khi cả nhóm học sinh mà quà chỉ đơn giản là phong bánh, gói kẹo.

Những dịp như dịp Tết, hay khi về thăm lại thầy cô đã già, quà “sang” lắm cũng chỉ là con gà, ít cân hoa quả. Tuy giản dị như vậy nhưng thầy và trò gặp nhau lúc nào cũng mừng mừng, rỡ rỡ, nói chuyện mãi không muốn thôi. Để rồi con gà mang đến biếu thầy cô cũng được “lên thớt” ngay trong buổi trưa hoặc buổi chiều hôm đó để thầy cô thết đãi học trò…

Món quà đơn sơ là hoa dại rừng và củ đậu của một học sinh vùng cao tặng cho cô giáo của mình. Ảnh: Đào Thọ

Văn hoá tặng quà là vậy, không câu nệ giá trị hay hình thức bóng bẩy, mà cốt yếu ở cái tâm, cái tình mà người ta nhắn gửi cho nhau. Sẽ buồn biết mấy khi người ta chỉ chực chờ một cái cớ để tặng quà cho nhau như hoàn thành một nghĩa vụ, một hình thức xã giao. Món quà trao tay lạnh tanh qua mấy lần giấy gói đẹp đẽ, nhưng tuyệt nhiên không cảm nhận được tình cảm hay sự chân thành trong đó. Những lúc đó, chúng ta hãy tự hỏi bản thân mình: ta đang tặng quà cho ai và để làm gì? Để rồi giật mình ngỡ ngàng khi thấy những món quà bị ta xem như một điều gì đại trà, hàng loạt. Trao cho ai cũng được, vì mục đích gì cũng xong. Món quà như vậy nếu được trao cho bản thân mình, mấy ai lấy làm vui?

Rồi đây khi các em, các con của chúng ta lớn lên và định hình trong tiềm thức chúng về một thứ văn hoá tặng quà “mỳ ăn liền”, cũng có nghĩa là sự yêu, ghét trong chúng cũng nhạt đi một bậc. Bởi món quà là một trong những cách thức hữu hình để thể hiện tình cảm của ta dành cho một người. Ngẫm lại văn hoá tặng quà và tự vấn, liệu ta đã tặng quà cho đúng người mà ta yêu quý hay chưa?

Hải Triều

 

TIN LIÊN QUAN