(Baonghean.vn) - Theo dõi kỳ họp Quốc hội lần này, việc các đại biểu góp ý vào giải pháp cân đối thu chi ngân sách Nhà nước rất được người dân theo dõi. Nhiều gợi ý về các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để giúp lành mạnh hóa, cân đối thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN) đã được đưa ra, nhưng vẫn còn những điều nhiều đại biểu biết nhưng “khó nói”.
Theo đó, với nội dung trung tâm là kết quả thực hiện NSNN năm 2015, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016, chủ trương đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ và phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế, phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các đại biểu dường như vẫn tập trung “gánh nặng” vào huy động NSNN, đặc biệt là gánh nặng đảm bảo nguồn thu cho ngân sách của ngành thuế. Vấn đề làm thế nào để giảm bội chi NSNN lại ít được tìm giải pháp làm sao để giảm tỉ trọng chi thường xuyên trong cơ cấu chi, để dành phần lớn hơn cho trả nợ và đầu tư.
Theo Đại biểu Trần Du Lịch, cần giữ nguyên con số tổng chi thường xuyên năm 2015 trong năm 2016 và một vài năm tiếp theo, nếu NSNN tăng tổng thu, sẽ sử dụng khoản tăng này để trả nợ và đầu tư, như vậy tỉ trọng chi thường xuyên sẽ giảm, và nên khống chế khoản chi cho bộ máy hành chính, muốn tăng lương thì phải giảm số lượng biên chế. Không những thế, còn phải dứt khoát cắt giảm những khoản chi lãng phí, không cần thiết, theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa”.
Vậy nhưng ngay sau phiên thảo luận, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng lại vừa cho phép một lái xe công vụ được đi “du lịch đội lốt” bằng nguồn NSNN. Vậy, dư luận có quyền đặt câu hỏi: duyệt dự toán NSNN, thông qua dự toán, thông qua thực hiện NSNN… đều là do Quốc hội thực hiện, nhiều đại biểu Quốc hội đồng thời là lãnh đạo cơ quan hành pháp, vậy làm thế nào để thực hiện các giải pháp này?
Trong thu NSNN hiện nay, đã có nhiều tiếng kêu “tận thu” từ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn. Việc Nhà nước cần có các quy định để đảm bảo không thất thu, chống chuyển giá trong khu vực doanh nghiệp FDI, tiết kiệm triệt để chi NSNN cũng là những giải pháp “dễ làm” nếu có quyết tâm. Ngay cả việc phải thay đổi cơ cấu thu, theo hướng giảm gián thu, tăng các khoản trực thu; cơ cấu, phương thức chi NSNN cũng cần được thay đổi theo hướng xác định rõ các địa phương được sử dụng khoản thu nào, phải nộp lại Trung ương khoản nào, tỉ lệ bao nhiêu.
Đối với khoản chi thường xuyên cho giáo dục, y tế cần tiến tới Nhà nước chỉ bao cấp y tế dự phòng và trợ cấp đầu ra thông qua bảo hiểm (bệnh viện sẽ chuyển thành định chế công phi lợi nhuận và tính đúng tính đủ, để người trả tiền trả đúng trả đủ, không bao cấp; người nghèo, các đối tượng khó khăn sẽ được hỗ trợ thông qua thẻ bảo hiểm) thì mới rõ ràng khoản cần chi, cần thu, để không lạm thu, tận thu “người có tóc” mà bỏ qua những kẻ giả dạng “trọc đầu”.
P.V (tổng hợp)