(Baonghean) - “Không thể tin nổi” là cụm từ khóa đang được tìm kiếm một cách có thể nói là ráo riết trên  các trang mạng. Rất tiếc, không nhỏ trong những người đang ngồi trước máy tính để rê chuột ấy lại kiếm “sớt” nó với thái độ không mấy thiện cảm, thậm chí moi nó để mỉa mai, để “tưới nước mắm” để chì chiết, để “dìm hàng”, để “ném đá” như cách nói đang thịnh hành của nhiều bạn trẻ. Thực ra “không thể tin nổi” chả phải là một phát hiện mới mẻ gì về ngôn ngữ. Ai cũng có thể nghe nó không dưới một lần và có lẽ ai cũng đã từng sử dụng nó ít nhất cũng một lần. Ấy vậy mà, sau sự kiện ra mắt được coi là khá đình đám của chiếc điện thoại thông minh “made in Việt Nam” Bphone, nó bỗng nhiên  trở thành cụm từ cửa miệng trong rất nhiều cuộc hội thoại. 
 
Tại sao vậy? Để tỏ tường câu chuyện trước hết xin được trở lại với một trong những sự kiện công nghệ nổi bật nhất tuần qua. Sự kiện ra mắt chiếc smart phone Việt có tên Bphone. Những người để ý có lẽ đều nhận thấy sự bất thường khi vài năm lại nay, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Bkav, không xuất hiện trong bất kỳ sự kiện truyền thông nào cũng như hiếm khi trả lời phỏng vấn báo chí. Có lẽ đây chính là thời gian vị CEO nổi tiếng này toàn tâm toàn ý cho đứa con công nghệ của mình. Và cuối cùng nó đã chính thức ra mắt.
 
Tôi không có ý định đánh giá chất lượng chiếc điện thoại Bphone bởi đấy là công việc của chuyên gia cũng như của thị trường. Nhưng tôi tâm niệm rằng, nếu như năng lực tài chính cá nhân cho phép, chắc chắn tôi sẽ mua một chiếc Bphone để sử dụng. Vì sao ư, rất đơn giản vì tôi trân trọng sản phẩm này. Tôi không biết nó có “tốc độ truyền dữ liệu gấp 500 lần” như một tờ báo đã chạy tít hay không. Tôi cũng không đủ tự tin để nghĩ nó vừa mới ra đời đã ngay lập tức nằm “chiếu trên” trong làng công nghệ cao… Nhưng, ngoài tư cách của một khách hàng, tôi vẫn khát khao được trải nghiệm nó bởi trách nhiệm, bởi tình cảm, bởi tinh thần tự tôn và nói thật là cả chút bản vị xen lẫn tự hào của người Việt. Vâng nó là sản phẩm của người Việt, sản phẩm đầu tiên dám mang đến cho chúng ta khái niệm so sánh với các “ông lớn” như Sam Sung hay Iphone…
 
Lâu quá rồi, hiếm hoi lắm, thật là khó khăn chúng ta mới có dịp được chạm vào cảm giác này, một cảm giác khó mô tả bằng lời nhưng chắc chắn không thiếu những kỳ vọng. Bphone - smartphone đầu tiên của Bkav chính thức “xuống hàng” vào sáng  26/5 tại Hà Nội sau vô số những đồn đoán ngắn dài. Được biết, chi phí cho lễ ra mắt này của tập đoàn Bkav lên tới hơn 10 tỷ đồng. Số khách đăng ký tham gia quá đông, do đó Bkav đã phải mở rộng thành 2.000 khách mời thay vì 1.500 như ban đầu. Sân khấu trang bị màn hình khổng lồ, kích thước 18x10 mét, được sản xuất dành riêng để phục vụ cho máy chiếu công suất lớn. Đây là màn hình lớn nhất được dùng cho một sự kiện ở Đông Nam Á từ trước đến nay. Bkav cho biết họ đặt riêng từ Đức, gia công thành phẩm tại Hong Kong để đảm bảo yêu cầu về chất lượng hình ảnh trước khi nhập về Việt Nam… Đại ý thế! 
 
Không thể không coi đây là một lễ ra mắt hoành tráng với một chiến lược maketing đầy chuyên nghiệp. Cho dù khó tính đến đâu người ta cũng không thể bác bỏ rằng, Bkav có giấc mơ đẹp, có hoài bão lớn, có chiến lược  hữu tưởng. Họ kiên trì theo đuổi giấc mơ của mình, biến nó thành hiện thực, và họ có quyền tự hào về điều ấy. Với một hành trình dài và chông gai như vậy, lễ ra mắt được chờ đợi kia làm sao có thể tránh khỏi những sai sót. Tôi không tin Iphone, Sam Sung, Nokia chưa từng dính sai sót nào.  Nhưng hình như chúng ta không thấy nhiều những cuộc “ném đá hội đồng” về phía họ? Thế đấy! Sự thông cảm suy cho cùng cũng là văn hóa khích lệ. Người ta cần lắm, cần nhất, cần vô cùng một sự khích lệ.
 
Ấy vậy mà… buồn thay, tiếc cho… 
 
Trong lễ ra mắt Bphone, sau khi ông Nguyễn Tử Quảng mô tả về sản phẩm của mình đã dày đặc những chỉ trích. Trong đó câu nói “không thể tin nổi” của ông được đem chế giễu không thương tiếc. Cái tên Quảng “nổ” bị xướng lên trong thứ hưng phấn được tạo ra bằng bàn phím!
 
Lạ chưa! Cái gì của ngoại thì rủ nhau khen, hẹn nhau mua. Thấy hàng hiệu ngoại là tự điền tên vào danh sách tín đồ. Rồi bỏ tiền “nuôi” người ta trong niềm hứng khởi cùng những lời ca tụng có cánh dành cho… khối ngoại! Họ không đủ lòng tin hay họ đang chế ngự được sự tức tối, dằn vặt trước thành công của ai đó? Thói đố kỵ, khoái cảm “dìm hàng” là “đặc sản” của họ ư?
 
Hình như trong xã hội có một bộ phận không nhỏ chỉ giỏi… chê! Mở mắt ra là chê, nhắm mắt lại vẫn chê, chê từ sáng đến chiều, chê từ Đông sang Tây… Biết cũng chê, không biết cũng chê, chê để ra oai, chê để người khác tưởng là mình giỏi, chê a dua, chê bắt buộc… chê cho vui, chê cho sướng mồm, chê cho bõ tức…
 
Hoa hậu vừa nhận giải đã bị chê gò má cao, hết gò má cao lại chê không chịu làm từ thiện! Khi người ta làm từ thiện thì lại bảo là đánh bóng bằng tiền…  Năm ngoái Nguyễn Hà Đông bị ném đá vì tội dám… trở thành người Việt đầu tiên nổi tiếng toàn cầu bởi tài năng. Bao giờ thì tài năng không còn là nạn nhân của thói đố kỵ?
 
Viết đến đây tự nhiên tôi lại nhớ đến câu danh ngôn nổi tiếng của Albert Einstein “Kẻ ngu xuẩn nào cũng có thể khiến mọi thứ trở nên to hơn, phức tạp hơn và bạo lực hơn. Chỉ bàn tay của thiên tài - và thật nhiều dũng khí - để biến chuyển ngược lại”. 
 
Thôi thì mong sao ngoài tài năng, sự cố gắng ra, các anh các chị ấy có thêm tài… chịu đựng. Đúng là “không thể tin nổi”!
 
Nguyễn Khắc An