(Baonghean) - Mấy hôm trước, một tờ báo mạng có uy tín trong nước có đăng tải một bài viết có tính chất trao đổi, luận bàn về vấn đề luôn nóng bỏng và đầy bức xúc trong nhiều năm qua là việc làm cho lớp trẻ và sự hấp dẫn của cụm từ “biên chế nhà nước”. 
 
Như nhận định của tác giả thì một phần không nhỏ lớp trẻ sau khi tốt nghiệp đại học luôn nghĩ về sự ổn định của hai từ “biên chế”. Dường như họ nghĩ rằng đó là con đường duy nhất có thể đi để đạt được sự “ổn định” và có biên chế mới có tương lai. Cuối cùng, tác giả cho rằng, chính giới trẻ, trong khả năng của mình, cũng cần chủ động định hình lại tư duy của bản thân. Tại sao lại mãi bám đuổi theo con đường “ổn định từ biên chế” cũ kỹ lỗi thời? Tại sao phải bất chấp để bám lấy những mảnh đất công chật hẹp và còn thiếu minh bạch.
 
Tại sao không nhìn xa ra để thấy mảnh đất rộng lớn của khu vực dân doanh vẫn đang khát khao nguồn nhân lực bằng thật, học thật và chất lượng thật. Thực tế, đã và đang có hàng triệu người đứng rất vững vàng bằng năng lực của mình. Dù ảnh hưởng bên ngoài là không thể phủ nhận, nhưng trước tiên, người trẻ nắm trong tay quyền lựa chọn cho số phận cuộc đời mình. Không có một con đường duy nhất cho tương lai, sự ổn định và thành công. Đâu cứ phải lọt cửa “biên chế” mới có tương lai!
 
Rất đúng, rất chính xác. Nói theo “cái lý của người Mông” thì cái hang con dúi có 5, 7 đường ra, đường vào. Con người ta cũng phải có 5,7 đường kiếm ăn. Vào biên chế nhà nước cũng chỉ là một trong số các con đường “kiếm ăn” thôi. Ngoài con đường đó ra, còn hàng trăm, hàng nghìn cách lập thân, lập nghiệp khác nữa. Thay vì than thân, trách phận là không có tiền để “chạy”, không có “cửa” lọt vào biên chế nhà nước thì lớp trẻ cần phải thay đổi tư duy để “đem sức ta mà giải phóng cho ta” bằng cách tiến thân với con đường khác, vì đã có hàng triệu người khác trên dải đất hình chữ S này đã làm theo cách đó và vẫn thành công. Thậm chí, có một số người còn thành công vang dội. Thật không nên cứ khư khư bám lấy cái sổ lương nhà nước. Mà cần phải mạnh dạn đột phá từ trong suy nghĩ, cách làm.
 
Nhưng nói đi rồi thì phải bàn trở lại là tại sao hai chữ “biên chế” lại có sức hấp dẫn người ta kinh khủng như thế? Tại sao nghèo đến mấy, giỏi hay dốt đến mấy cũng cố tìm đủ mọi cách để bon chen, để lọt vào biên chế? Đơn giản thôi, cứ nhìn vào người ở trong biên chế (quốc doanh) và ngoài biên chế (dân doanh) thì sẽ rõ. Chưa cần đề cập đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước vì đó là tầng lớp thuộc diện “ngoại hạng”, không thể so sánh nổi. Mà chỉ cần nhìn vào tầng lớp “bạch đinh” như nhau là công nhân là thấy rõ ngay vấn đề mấu chốt của “lực hấp dẫn”. Công nhân quốc doanh ngày làm 8 tiếng, ốm đau, thai sản được nghỉ ngơi, hưởng chế độ theo đúng quy định của nhà nước, không phải tăng ca, tăng kíp, nếu có thì ngay tức khắc được hưởng tiền làm thêm ngoài giờ cao gấp đôi tiền trong giờ. Ngoài ra, ngày lễ, ngày tết được thưởng đều đặn.
 
Còn công nhân dân doanh thì liên tục tăng ca, tăng kíp, lương, thưởng lúc có lúc không, lúc nhanh, lúc chậm. Thậm chí có lúc còn bị các ông chủ, bà chủ ăn quỵt tiền công. Chuyện đi tham quan, du lịch hay nghỉ mát để tái tạo sức lao động thì không hề có như ở khu vực quốc doanh. Mới đây thôi, khi kinh tế khủng hoảng, hàng chục nghìn nhà máy, xí nghiệp, công ty dân doanh hoặc phá sản, hoặc ngừng hoạt động. Hàng chục, hàng trăm nghìn công nhân khu vực dân doanh (cả doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài) lâm vào cảnh thất nghiệp. Trong khi đó, đâu có thấy doanh nghiệp nhà nước nào bị phá sản, công nhân mất việc đâu. Có chăng thì cũng chỉ một vài công ty đã cổ phần hóa thuộc diện nửa nhà nước, nửa tư nhân. Người trong quốc doanh thì cứ ung dung làm việc cho đến ngày về hưu, bất kể thị trường biến đổi thế nào còn người ngoài quốc doanh thì nay có việc mai mất cũng nên. Không ai có thể lường trước được.
 
Vì sao lại như vậy? Vì doanh nghiệp quốc doanh lỡ có làm ăn thua lỗ thì sẽ được khoanh nợ, giãn nợ, được “hà hơi, tiếp sức” theo đủ mọi phương cách. Còn doanh nghiệp dân doanh thua lỗ là phá sản, là phải bán nhà, bán xưởng mà trả nợ ngân hàng. Ngay cả chuyện đi vay cũng vậy. Doanh nghiệp dân doanh vay được đồng vốn từ ngân hàng trần ai lắm. Còn doanh nghiệp quốc doanh đi vay ngân hàng cứ dễ như bóc kẹo ăn vậy. Đi làm các thủ tục hành chính, giấy tờ khác cũng vậy. Doanh nghiệp dân doanh thường xuyên bị “hành” cho lên bờ, xuống ruộng còn phía quốc doanh thì cứ tuần tự như tiến. Chẳng trở ngại gì. Chỉ nhìn vào những ưu thế đơn giản, bề ngoài đó thôi, ai mà không ham, không thích lọt vào danh sách “bảng phong thần” biên chế. Ai cũng là “người trần, mắt thịt” cũng thích an nhàn, ổn định. Có mấy người ham thích đội sương, đạp gió đâu. Thế nên lớp trẻ có ao ước, có tranh nhau xông vào biên chế, khư khư bám lấy tư duy biên chế thì cũng có gì là lạ, là đáng trách đâu!
 
Có trách là trách ai đã tạo ra sự phân biệt đối xử theo cách không công bằng giữa khu vực dân doanh và quốc doanh, giữa người trong biên chế với người ngoài biên chế. Để rồi mảnh đất công dù ngày càng chật hẹp và còn thiếu minh bạch nhưng vẫn có sức hấp dẫn người ta ghê gớm. Còn mảnh đất rộng lớn của khu vực dân doanh dù đang rất  khát khao nguồn nhân lực bằng thật, học thật và chất lượng thật nhưng mà vẫn chẳng mấy ai ham. Vì thế, muốn lớp trẻ thay đổi tư duy “biên chế nhà nước” thì các cơ quan nhà nước cũng phải thay đổi tư duy phân biệt đối xử giữa quốc doanh với dân doanh. Sự thay đổi không thể đến từ một phía được mà cả nhà nước và người dân phải cùng thay đổi thì mới được.
 
Bụt Sơn