(Baonghean) - Phiên thảo luận về dự án Sân bay Long Thành tại Quốc hội sáng 4/5 để lại cho những người được chứng kiến những cảm xúc khó tả.
Vì lẽ, đây là một dự án lớn mà sự thành hay bại của nó đều có tác động to lớn tới nền kinh tế nước nhà, nên đã và đang thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước với nhiều luồng ý kiến khác nhau và chia thành “hai phe” rất rõ ràng: Phe ủng hộ và phe không ủng hộ.
Nhưng đó là ngoài xã hội, còn trong nghị trường thì không rõ ràng, dứt khoát thế. Trước đây, chưa thấy ai nói thẳng ra là ủng hộ hay không ủng hộ mà đều nói lấp lửng, cài cắm ý này vào ý nọ theo kiểu nếu làm thì sẽ phải thế này; còn không làm thì có thể sẽ thế nọ. Khéo léo, kín đáo và muốn hiểu thế nào cũng được.
Ở phiên thảo luận này thì khác lắm. Tiếng nói ủng hộ dự án được cất lên mạnh mẽ, dõng dạc một cách khá bất ngờ. Nào là phải đặt dự án Sân bay Long Thành trong tầm nhìn lâu dài, vượt qua tầm nhìn của hôm nay kèm lời cảnh báo nếu "làm chậm là trả giá theo cấp số nhân". Rồi “làm chậm Long Thành là mất thời cơ vàng”. Nghe mà sốt cả ruột, cả gan và muốn vác cuốc vào Đồng Nai động thổ liền. Điều đáng tiếc là lời khẳng định rất mạnh mẽ, hào sảng nhưng lại không giải thích rõ là ai, cái gì và vì sao lại bị trả giá và dựa vào căn cứ, cơ sở nào để mà nói là cái giá phải trả theo cấp số nhân chứ không phải là cấp số cộng…? Còn “cơ hội vàng” là cơ hội nào, hình hài nó ra sao mà nghe nói nhiều rồi mà vẫn chưa ai hình dung ra được là nó như thế nào? Thật ra, cụm từ ấy đã được nhắc đến từ rất lâu, khá nhiều lần, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Còn nhớ, lúc bỏ ra một đống tiền để xây dựng Cảng Cái Mép - Thị Vải với tham vọng thành cảng trung chuyển quốc tế, người ta cũng nói y chang như vậy. Nhưng kể từ khi đưa vào sử dụng từ năm 2009 đến nay cảng mới hoạt động được 15 - 16% công suất thiết kế. Vàng đâu chẳng thấy mà chỉ thấy vất vả, cam go không những giảm đi mà ngày càng tăng lên. Vì thế, có không ít người nghe vậy mới băn khoăn là nói thế, mới chỉ định tính chứ chưa định lượng. Chỉ nói theo kiểu ước lượng chừng chừng, chung chung không cụ thể. Trong khi đó, làm dự án kinh tế thì phải kê ra mà tính cho rõ ràng, rành mạch bằng các thông số cân đong, đo đếm chính xác không thể đại khái hay làm theo cảm xúc được. Và để thuyết phục được cử tri cả nước, thì cần có những số liệu cụ thể, nhất là về hiệu quả kinh tế của dự án khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Còn cứ “nổ” không thế, nghe khó tin lắm.
Một bất ngờ nữa là chỉ mới vài tháng trước thôi, luồng ý kiến phản biện còn mạnh mẽ lắm. Cụ thể là ngày 21/3 năm nay, Hội thảo khoa học “Xây dựng mới Sân bay Long Thành hay nâng cấp Sân bay Tân Sơn Nhất” diễn ra ở Văn phòng Quốc hội phía Nam thu hút 170 đại biểu tham gia, với hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia đang công tác trên nhiều lĩnh vực. Hôm đó, mọi người đều cho rằng cần cẩn trọng xem xét, đơn vị chủ trương xây dựng cần phân tích chi tiết về thông số kinh tế cũng như hiệu quả của Sân bay Long Thành trước khi xây dựng một cách nghiêm túc.
Chính PGS. TS Nguyễn Thiện Tống, Chủ tịch Chi hội hàng không thuộc Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý HASCON đã nói tại hội thảo rằng: “Gần đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng có nói nếu không cho dự án Long Thành một cơ hội thì mai sau lịch sử sẽ có tội với đất nước, thì tôi lại cho rằng vội xây dựng Sân bay Long Thành mới là có tội. Cho nên cần có một nghiên cứu rõ ràng về các số liệu cũng như phân tích những hạn chế, rủi ro của cả Long Thành và Tân Sơn Nhất”...
Không biết trước khi đưa ra những khẳng định hùng hồn tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 4/5 nói trên, các đại biểu đã “nghiên cứu rõ ràng về các số liệu cũng như phân tích những hạn chế, rủi ro” hay chưa mà không thấy đưa ra những bằng chứng là các số liệu cụ thể. Hơn nữa, một vị đại biểu khả kính cũng thẳng thắn chỉ ra, đại biểu Quốc hội không đủ năng lực phán quyết về hiệu ứng kinh tế của dự án này. Không đủ năng lực sao lại khẳng định mạnh mẽ đến vậy?
Bởi thế, cử tri nghe mà thấy bấn loạn cả tinh thần, không biết phải lựa chọn sao cho phải, cho đúng. Và với tư cách một cử tri, xin được nói thẳng là vẫn còn phân vân lắm!
Duy Hương