(Baonghean) -Cuộc “Gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Giáp Ngọ 2014” do UBND tỉnh phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam” (BIDV) vừa phối hợp tổ chức đã thu được nhiều kết quả bước đầu quan trọng và mở ra nhiều triển vọng.
Cùng với những lời phát biểu, hứa hẹn tốt đẹp mà các nhà đầu tư dành cho Nghệ An, cuộc gặp mặt đã chứng kiến 9 thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh và các nhà đầu tư được ký kết; 3 dự án đầu tư được trao giấy chứng nhận với tổng số vốn hơn 18 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra còn có nhiều biên bản ghi nhớ giữa các nhà đầu tư và các đối tác cũng được ký kết… Các nhà đầu tư tỏ ra vui mừng, tin tưởng khi được nghe Chủ tịch UBND tỉnh cam kết “Nghệ An sẽ thực sự sát cánh, đồng hành cùng các doanh nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả bền vững trên địa bàn”.
Như thế có nghĩa là, “thảm đỏ” được Nghệ An tiếp tục trải rộng trong thời gian tới để đón các nhà đầu tư. Qua trao đổi, các nhà đầu tư đều tin tưởng và yên tâm với chủ trương, chính sách của tỉnh nhưng điều khiến họ băn khoăn là những cán bộ, nhân viên thừa hành. Họ là những người thay mặt lãnh đạo tỉnh, thay mặt cấp có thẩm quyền trực tiếp làm việc với doanh nghiệp từ thủ tục giấy tờ đầu tiên cho đến khi triển khai dự án và cả quá trình sản xuất, kinh doanh sau này. Nhiều nhà đầu tư rất coi thái độ, cách ứng xử của cán bộ, viên chức các cơ quan công quyền đối với họ không thua kém so với chủ trương, chính sách của tỉnh là mấy.
Nói đến điều này lại nhớ đến chuyện các nhà đầu tư đánh giá Nghệ An qua bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI do Phòng Thương mại &Công nghiệp Việt Nam tổ chức trong những năm gần đây. Theo đánh giá của bảng xếp hạng này thì các tiêu chí như tính năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước của Nghệ An trong mấy năm gần đây liên tiếp được tăng điểm. Trong khi đó, tiêu chí “chi phí không chính thức” mà họ gọi vui là “tham nhũng vặt” của cán bộ, nhân viên thừa hành lại không tăng. Thậm chí trong bảng xếp hạng gần đấy nhất (năm 2012) điểm tiêu chí này còn bị sụt. Đấy là điều đáng buồn. Và, tất nhiên không phải không có căn nguyên.
Thẳng thắn mà nói, ở Nghệ An ta, không ít cán bộ, công chức đã yếu về trình độ, năng lực chuyên môn nhưng lại hay lộng quyền, gây khó dễ để nhũng nhiễu. Khi cán bộ, nhân viên thừa hành thiếu công tâm, vô cảm trong khi làm nhiệm vụ thì không chỉ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp bị tổn hại mà chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh cũng bị vi phạm nghiêm trọng. Hình ảnh cởi mở, thân thiện với nhà đầu tư của tỉnh trong mắt nhà đầu tư bị những cán bộ, nhân viên thừa hành này bóp méo. Điều đó khiến những nỗ lực của tỉnh trong thu hút đầu tư không thể đem lại kết quả như mong muốn.
Nhiều người hẳn còn nhớ câu hỏi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc gặp mặt các nhà đầu tư đầu xuân Giáp Ngọ vừa qua rằng “Bao giờ Nghệ An có thể bằng Bình Dương?”. 5 năm, 10 năm hay lâu hơn? Có lẽ, khó ai trả lời được câu hỏi đầy trăn trở đó nhưng có điều, ở góc độ của mình, nhà đầu tư có thể nói “bao giờ, công chức thừa hành ở Nghệ An làm việc có trách nhiệm với tỉnh, công tâm, minh bạch và nhiệt tình với doanh nghiệp như đồng nghiệp ở Bình Dương thì lúc đó Nghệ An bằng… Bình Dương”.
Nếu thế, cũng có thể nói, lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư đã sẵn sàng. Vấn đề còn lại là ở một bộ phận cán bộ, nhân viên thừa hành?
Việt Long