(Baonghean) - Dường như đã thành lệ, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án luôn là công đoạn phức tạp nhất vì nó liên quan đến quyền lợi sát sườn của mỗi người dân có đất bị thu hồi. Và với tâm lý chung “tấc đất, tấc vàng” nên ai cũng muốn đất nhà mình được đền bù với giá cao nhất.
 
Trong khi đó, mọi việc đều phải tuân thủ đúng chủ trương, pháp luật hiện hành. Nghĩa là đất đai loại nào, nguồn gốc ra sao, giá cả đền bù bao nhiêu, thậm chí là không được đền bù… đều đã được Nhà nước quy định rõ ràng, không thể tùy tiện giải quyết thế nào cũng được. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hoặc cố tình không hiểu điều đó, dẫn đến tình trạng người dân co kéo với chính quyền mà mục đích cuối cùng của hành động đó là thỏa mãn lợi ích của họ càng cao càng tốt. Và tất cả đều được họ lý giải là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng chậm bàn giao mặt bằng ở hầu hết các dự án. Hành vi phản ứng của những người dân có đất thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn đi qua tỉnh Nghệ An cũng không nằm ngoài mục đích đó. 
 
Vì thế, để nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của người dân trong việc bàn giao đất phục vụ các dự án, điều quan trọng nhất phải làm trước hết là công khai để người dân biết rõ, nắm rõ mục đích, quy mô của dự án cũng như nguồn gốc đất đai, được đền bù hay không. Trong trường hợp được đền bù thì phải làm rõ cơ chế, chính sách, giá cả đền bù các loại đất và tài sản trên đất cũng như diện tích đất phải thu hồi của mỗi hộ dân. Sau đó mới tiến hành tuyên truyền, giải thích cho người dân rõ lợi ích của dự án đối với quốc gia và với chính bản thân gia đình họ; Rồi vận động người dân chấp nhận bàn giao đất. Việc xác định nguồn gốc đất, định giá đền bù và thực hiện chi trả tiền đền bù phải được thực hiện một cách công bằng, không để xảy ra khuất tất.
 
Vì nếu có, dù là rất nhỏ sẽ dẫn đến sự so sánh trong dân chúng và rất dễ làm bùng lên những phản ứng thái quá. Điều này phụ thuộc rất nhiều và sự công tâm của đội ngũ những người làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đi cùng với đó, là phải luôn vận dụng các cơ chế, chính sách hiện hành một cách chính xác và  theo hướng có lợi nhất cho người dân. Trong trường hợp người dân không chấp nhận phương án thu hồi đất, thì phải tìm hiểu, xem xét các bước đi trong quy trình thu hồi đất đã được thực hiện đúng và đầy đủ chưa? Đã thật sự vì lợi ích chính đáng của người dân hay chưa? Tại sao dân lại phản ứng như vậy? Có phải là thiếu công khai, dân chủ hay không công bằng… Phải lý giải được điều đó một cách cặn kẽ và rành rẽ để đưa ra phương án xử lý phù hợp, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc làm chậm tiến độ bàn giao mặt bằng.
 
Sau khi xem xét kỹ lưỡng mọi khía cạnh của vấn đề, nếu thấy bảo đảm chắc chắn là không có gì sơ suất hay sai sót ở trong tất cả mọi công đoạn thì kiên quyết tiến hành các công việc cần thiết theo đúng quy định của pháp luật để thu hồi đất. Việc sử dụng các biện pháp cứng rắn như bảo vệ thi công hay là cưỡng chế để thu hồi đất có thể sẽ vấp phải sự phản ứng, có khi là rất quyết liệt của một số người dân và thậm chí sẽ dấy lên trong xã hội những dư luận trái chiều. Dẫu vậy, vẫn phải kiên trì và kiên quyết thực hiện. Không vì mấy lời đe dọa, vài ba hành động phản đối hay một vài phát biểu, quan điểm trái chiều mà đã nao núng, chùn tay, làm chậm trễ tiến độ thi công của một công trình tầm cỡ quốc gia.  Đã đúng thì kiên quyết làm, làm đến nơi, đến chốn, làm triệt để. Ai cố tình chống đối thì phải nghiêm trị theo luật định. 
Công khai, công bằng và kiên quyết thì chắc chắn sẽ giải phóng mặt bằng thành công.
 
Duy Hương