(Baonghean) - “Khổ tận, cam lai” - khổ hết cỡ thì sẽ đến lúc hết khổ, đến thời sung sướng. Câu nói này vận vào nhà ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị ngồi tù oan 10 năm với tội danh tày trời là giết người, có vẻ hợp. 
 
Nói hợp là bởi ngày 5/6 vừa rồi, đích thân ông Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đã báo cáo trước Quốc hội kết quả bồi thường vụ án oan ông Chấn. Qua thương lượng, ông Chấn đã đồng ý mức bồi thường là 7,2 tỷ đồng. Chia đều ra, coi như mỗi năm ngồi tù, ông chấn được đền 720 triệu. Một khoản tiền không nhỏ so với thu nhập hằng năm của nông dân. Nhưng chẳng thể nào bù đắp nổi cũng như không thể làm vợi đi những mất mát cả về thể xác lẫn tinh thần của ông và gia đình suốt 10 năm trời oan trái đó. Bởi “nhất nhật tù, thiên thu tại ngoại”, huống hồ ông phải gánh chịu những 10 năm. Người ngoài cuộc không thể nào thấu hiểu nổi.
 
Bị tù oan rõ là không may, nhưng mà, với ông vẫn còn may. Nhờ thủ phạm ra đầu thú nên được minh oan, được đền bù. Mừng cho ông nhưng lại ngậm ngùi cho những thân phận khác. Vì trong thời gian qua, có tới 78 vụ tự sát, 6 trường hợp chết do bị can đánh nhau trong quá trình tạm giữ, tạm giam. Và như lời một nữ đại biểu của dân bày tỏ tại Quốc hội rằng “Ai sẽ đảm bảo trong 76 vụ tự sát này là không có oan sai?”. Ừ, ai mà dám chắc, vì có sao thì người ta mới tự mình quyên sinh. Một là không chịu nổi, hai là oan khuất quá không biết tỏ cùng ai nên dùng cái chết để chứng minh. Nhưng chết là hết chuyện. Oan hay không oan đều trở nên vô nghĩa với chính họ.
 
Và cũng từ chuyện sai sót trong điều tra, xét xử mới thấy lộ ra một điều rất trớ trêu là oan sai được giải hay không được giải thì người cuối cùng phải gánh chịu vẫn là dân. Không được minh oan, làm rõ là không có tội thì người dân phải chịu tù oan. Thậm chí là xử tử oan. Còn được minh oan, được đền bù tiền tỷ như ông Chấn thì số tiền đó lấy từ ngân sách. Mà ngân sách có được là nhờ dân đóng thuế. Suy cho cùng đó là tiền của dân. Rút cục là: dân chịu cả!
 
 
Tri kỷ