Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đã có nhiều đề nghị liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ngành công nghiệp ô tô.
Việt Nam sẽ hội nhập toàn diện vào ASEAN năm 2018, nên câu chuyện làm thế nào để ngành công nghiệp ô tô tiếp tục tồn tại và phát triển được VAMA cho rằng, phụ thuộc nhiều vào các chính sách thuế, phí của Chính phủ Việt Nam.
Theo đề nghị của VAMA, trong giai đoạn chuyển tiếp, khi thị trường ô tô Việt Nam chưa đạt được đủ lớn, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi sản xuất trong nước để bù đắp cho chi phí sản xuất cao của doanh nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay. Mức ưu đãi nằm trong phạm vi cho phép của Tổ chức Thương mại Thế giới (tương đương 10% giá trị tính thuế TTĐB).
Theo tính toán của VAMA, giá thành sản xuất xe ô tô ở Việt Nam hiện cao hơn 20% so với giá thành một chiếc xe nhập khẩu từ Thái Lan do sản lượng của Việt Nam nhỏ và thuế nhập khẩu linh kiện vẫn cao. Một đề nghị khác của VAMA về thuế TTĐB cũng khá ấn tượng là giảm thuế TTĐB cho xe con năm 2015-2016 xuống còn 40%, năm 2017 còn 35% và năm 2018 còn 30%. VAMA cho hay, hiện tại Thái Lan, Philipine chỉ tính thuế tương tự là 20%.
Với dòng xe khách 16-14 chỗ ngồi, VAMA cũng đề xuất xóa bỏ thuế TTĐB vì đây là dòng xe thương mại, hỗ trợ nhiều cho việc đi lại của người dân. Hơn nữa, xe khách 16-24 chỗ hiện chưa được các nước trong khu vực ưu tiên sản xuất nên việc thúc đẩy dòng xe này sẽ là cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi xuất khẩu xe trong khu vực.
“Chúng tôi đã có những nghiên cứu đánh giá tác động của việc giảm thuế TTĐB tại thời điểm thuế nhập khẩu từ ASEAN bị cắt giảm về 0% cho thấy, do dung lượng tăng, nhiều nguồn thu từ thuế TTĐB vẫn tăng, nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lệ phí trước bạ tăng, dẫn tới nguồn thu ngân sách vẫn tăng”, ông Metelo N. Arias, Chủ tịch VAMA nhận xét.
Dẫu vậy thì đề nghị thay đổi một số vấn đề liên quan tới thuế TTĐB với ô tô như đề nghị của VAMA chắc chắn sẽ không dễ dàng và nhanh được xem xét bởi Luật thuế TTĐB sửa đổi vừa được kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13 thông qua đã không đưa ô tô vào diện sửa đổi.
Theo Bộ Tài chính, các cam kết quốc tế của Việt Nam nói chung chỉ cam kết về thuế nhập khẩu, không cam kết về thuế TTĐB hay các sắc thuế nội địa khác liên quan đến ô tô du lịch.
Với thực tế khi thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu của ô tô, ngân sách nhà nước sẽ bị giảm thu khá nhiều về thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô và linh kiện ô tô (vì đây là những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn). Ngoài ra, do việc giảm thu thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20% vào năm 2016, nếu giảm thuế TTĐB đối với ô tô thì ngân sách nhà nước sẽ càng giảm thu, trong khi mục tiêu khuyến khích phát triển công nghiệp ô tô trong nước vẫn không đạt được (vì phải giảm thuế TTĐB cho cả ô tô nhập khẩu).
Theo khảo sát của Bộ Tài chính về chính sách thuế TTĐB đối với ô tô của các nước trong khu vực, thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh 2.000 cm3 ở Việt Nam là 45%, thấp hơn Malaysia, Lào và bằng Singpone, Campuchia. Indonesia có mức thuế suất thuế TTĐB thấp hơn 20% nhưng thu thuế trước bạ 20% và phí đường bộ 2% trên giá bán đã có thuế GTGT (nếu xe có giá bán trên 500 triệu thì phí đường bộ là 10 triệu đồng/năm trong khi ở Việt Nam 1,560 triệu đồng/năm).
Cho rằng chính sách điều tiết thuế TTĐB đối với ô tô hiện hành là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay và trong những năm tới, phù hợp với thông lệ của những nước xung quanh và nước có tình hình phát triển kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam, Bộ Tài chính cũng đã không tiến hành sửa đổi biểu thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi trong lần sửa đổi thuế TTĐB trình ra Quốc hội thông qua cách đây chưa đến 1 tháng.
Theo baodautu.vn