(Baonghean) - Mấy ngày gần đây các trang báo mạng hồ hởi đưa tin, viết bài, đăng ảnh về chiếc ô tô tự chế để đưa con đi học của anh Nguyễn Kim Sơn, 36 tuổi, huyện Đô Lương. Những bức hình cận cảnh, những bài viết mô tả chi tiết nội thất, ngoại thất, quá trình chế tạo đã làm “nức lòng” bạn đọc xa gần. Người ta tán thưởng về ý chí “quật cường”, về lòng thương yêu con bao là và cả một tay nghề cơ khí tưởng như sắp đạt đến cấp độ siêu phàm! Phóng viên về tận làng, phỏng vấn hàng xóm của khổ chủ! 
 
Tuy nhiên, dường như tất cả những điều chúng ta đang bàn, tức là “con xế hộp” tự chế, nhiều bài báo và cả ngàn người bình luận… chỉ trả lời cho một câu hỏi (vẫn là câu hỏi ấy) rằng: Người Việt Nam khao khát được sở hữu một chiếc ô tô đến nhường nào và họ đang bất lực trước điều đó ra sao? Cũng chúc mừng anh Nguyễn Kim Sơn đã bỗng dưng nổi tiếng, chúc mừng rất nhiều tờ báo đã thành công trong việc hút độc giả. Tôi đọc mãi những bài báo, dõi theo từng phỏng vấn, chỉ tiếc một điều là không tìm thấy tờ báo nào trực tiếp phỏng vấn chủ tịch hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam rằng xem “bác” ấy nghĩ gì? 
images1109051_nhapkhau.jpgẢnh minh họa
Trên Wikipedia tiếng Việt có hẳn cả thư mục mang tên “Công nghiệp ô tô tại Việt Nam”. Xin được trích nguyên văn một đoạn mà “người ngoài” dành cho câu chuyện thực trạng như thế này: “Việt Nam vẫn còn lay hoay với chính sách thuế quan ô tô quá nặng nề, khiến cho giá ô tô tại Việt Nam cao gấp 3 đến 4 lần so với giá xe các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, Nhật Bản... Đối với người dân, hiện Việt Nam đứng đầu thế giới về giá thành ô tô cao nhất thế giới và được tính giá xe tại Việt Nam không dưới 350 triệu đồng (tức 15,000 USD) cộng thêm các loại thuế 1 năm đóng gần 20 triệu đồng (cao thứ 3 sau Mỹ và EU lần lượt là 3.500 USD và 2.800 USD). Tuy nhiên, theo cam kết của AFTA thì từ năm 2018 theo quy định thuế nhập khẩu nguyên chiếc giảm xuống còn 0%, đây cũng là một tín hiệu tốt cho người dân Việt Nam có cơ hội sử dụng các mẫu xe đời mới và nắm bắt xu hướng ô tô với nhiều nước trên thế giới, nhưng thách thức đặt ra ở đây là nếu từ đây đến năm 2018 chính phủ không có chính sách đẩy mạnh làm chủ các công nghệ về ô tô như khâu lắp ráp, phụ kiện, chế tạo, sản xuất,... thì ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam có thể sẽ thất thủ trên sân nhà…”.
 
Tạm thời chưa bàn đến chuyện Wikipedia đúng hay không đúng, khách quan hay không khách quan, những dẫn liệu chính xác hay không chính xác, nhưng ít nhất chúng ta cũng nhận ra đó là cái nhìn, và có thể là cả cách nhìn của “người không trong cuộc”. Mà chả cần đâu xa, ngay cả một trang báo mạng có lượng truy cập thuộc diện hàng đầu, còn thẳng thắn giật tít “Công nghiệp ô tô Việt Nam đã thua”. Chúng tôi không có ý định bàn đến chuyện thua hay thắng. Vả lại, công bằng mà nói, ở một số phân khúc như xe tải, xe khách… chúng ta đã gặt hái được những thành công nhất định. Tuy nhiên, với dòng xe du lịch phổ thông dưới 10 chỗ ngồi thì tỷ lệ nội địa hóa vẫn chỉ là “cái đinh” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sự chờ đợi có phần thấp thỏm của người dân những năm qua về một chiếc xe giá rẻ được sản xuất trong nước đã quá lâu, lâu đến mức có người mất kiến nhẫn phải mua tôn về hàn xe tự chế để đưa con đi học như anh Sơn ở Đô Lương như đã nêu ở trên. 
 
Khi những hy vọng xe giá rẻ trong nước nguội dần, người ta bắt đầu nghĩ đến những chiếc “xế hộp” nhập khẩu mà theo lộ trình thì thuế sẽ về 0% vào năm 2018. Những người giàu có sự lạc quan và phong phú về trí tưởng tượng còn vẽ ra một viễn cảnh: “Đến lúc ấy, mua xe ở ta cũng như mua xe ở bên Lào hay bên Thái”. Một số “ông bầu” ngoại quốc cũng đã “tập kết” đủ kiểu xe, giá xe “mai phục” chờ cơ hội 2018 để “nhảy” vào. Có lẽ khoan mừng vội! Hãy thử đặt ra câu hỏi, từ nay đến năm 2018, nghĩa là chỉ còn 3 năm nữa thì hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng đã đủ khả năng đáp ứng cho phương tiện ô tô con “nở rộ” hay chưa? Chúng ta không dám chắc, nhưng vẫn tin rằng ô tô chưa phải là mặt hàng khuyến khích sử dụng tại Việt Nam trong một tương lai gần khi mà hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ. 
 
Còn về giá xe, thuế về 0% thì đã sao? Điều đó không đồng nghĩa với việc mọi người sẽ được sở hữu ô tô giá rẻ! Hãy nhìn sang đất nước giàu có Singapore: Mua chiếc Camry 2.0, khách hàng phải trả 122.000 USD nhưng chỉ sở hữu 10 năm và phải chi thêm 60.000 USD nếu vẫn muốn lái trong 10 năm tiếp theo đấy thôi. Ở đấy người ta chẳng dại gì khuyến khích xe hơi để giữ không gian và môi trường. Còn ở ta không khuyến khích vì… chưa khuyến khích được! Dù 20 năm đã trôi qua, giấc mơ ô tô nội cũng đã hơi dài. Nên chăng, thay cho những chờ đợi, phán đoán hay chỉ trích, chúng ta có thể góp sức để vượt qua khó khăn? Những đồng tiền dự kiến mua xe có thể trở thành vốn sản xuất chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu không phải là một bí mật, có lẽ các nhà quản lý cũng cần phát đi một thông điệp chính thức về vấn đề này, ít nhất nó sẽ giúp người dân có kế hoạch hợp lý trong việc chi tiêu tài chính, và có lẽ giấc mơ ô tô vẫn còn dài dài... 
 
Khánh An