Thị trường ôtô Việt Nam năm 2014 đã chứng kiến sự xuất hiện hoặc sự tồn tại đầy khó hiểu của một số mẫu xe...
Chevrolet Captiva
Mẫu đa dụng 7 chỗ ngồi này là một trong những cái tên khó hiểu nhất trên thị trường ôtô Việt Nam. Từ 2 năm trở lại đây, những nỗ lực của hãng xe Mỹ nhằm tìm lại thời kỳ hoàng kim vào giai đoạn giữa thập niên 2000 đã đem đến cho Captiva một diện mạo mới.
Cuối năm 2013, GM Việt Nam đã tung ra thị trường thế hệ mới của Chevrolet Captiva. Chưa dừng lại, đến tháng 7/2014, mẫu xe này tiếp tục được nâng cấp với một số thay đổi thiết kế và bổ sung công nghệ. Chừng đó dư sức tạo nên một Captiva mượt hơn, vận hành mạnh mẽ hơn, tiện nghi hơn và cũng không còn những lỗi vặt vãnh.
Tuy nhiên, sức mua mà thị trường dành cho Captiva vẫn đang gây thất vọng. Tính đến hết tháng 11/2014, tổng lượng xe Captiva bán ra thị trường chỉ đạt 86 chiếc. Đây là một thực tế đáng tiếc cho Captiva bởi mẫu xe này hoàn toàn xứng đáng mức sản lượng lớn hơn nhiều.
Ford Focus
Mẫu xe hạng C này ngay từ khi ra đời thế hệ “One Ford” đã làm mưa làm gió trên thị trường thế giới. Đơn cử năm ngoái đã có đến 1,1 triệu chiếc Focus được bán ra trên toàn cầu. Nhưng, đình đám trên thị trường thế giới không có nghĩa sẽ đương nhiên gặt hái được thành công tại Việt Nam.
Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng sản lượng bán hàng của Focus 11 tháng năm 2014 đạt 760 chiếc. Đây là mức sản lượng thấp so với hầu hết các đối thủ cạnh tranh.
Điểm khó hiểu chính là tại sao Focus lại không được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng mặc dù xét từ thiết kế ngoại thất đến nội thất và tính năng lái đều không tệ. Thậm chí có thể nói, bên cạnh bước đột phá với ngôn ngữ thiết kế Kinetic, Focus đang sở hữu những thế mạnh mà ít đối thủ có được như công nghệ đỗ xe tự động, kết nối bằng giọng nói, dừng xe chủ động, cảnh báo điểm mù…
Nguyên nhân giá bán cũng chưa hẳn đúng bởi thực tế, để sở hữu những công nghệ thời thượng này thì mức giá hiện hành từ 689 triệu đồng không phải là quá cao.
Vấn đề có lẽ nằm ở khâu marketing, truyền thông của hãng xe Mỹ. Để truyền tải được hết những điểm hay của xe đến với đông đảo người tiêu dùng thì các kênh truyền thông cùng giải pháp kèm theo của Ford Việt Nam hiện nay dường như đang đi chệch hướng, chưa đúng cách và chưa đúng đối tượng.
Lưu ý rằng không ít mẫu xe của Ford đã từng để lại những ấn tượng xấu đối với nhiều người tiêu dùng, cụ thể là với chính Focus hay “đàn anh” Mondeo.
Isuzu D-Max
Khoảng 2 năm trở lại đây, phân khúc xe bán tải (pick-up) đang có đà phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Bằng chứng là đã có mẫu xe cùng hàng Ford Ranger liên tiếp lọt vào nhóm 10 bán chạy nhất thị trường.
Tuy nhiên, Isuzu D-Max lại hoàn toàn nằm ngoài xu hướng. Thậm chí so với mẫu xe “đi trước về sau” là Mitsubishi Triton, doanh số của D-Max vẫn bị bỏ lại một đoạn dài. Theo thống kê của VAMA, tổng sản lượng 11 tháng của D-Max đạt 352 chiếc, kém xa so với 961 chiếc Mazda BT-50, 1.429 chiếc Toyota Hilux và nhất là 4.063 chiếc Ford Ranger.
Mới đây, Isuzu đã tiến hành nâng cấp D-Max nhằm giành giật bớt thị phần từ các đối thủ. Dù vậy, với cách làm hời hợt và có phần nhầm lẫn đối tượng trong hoạt động marketing, chuyện D-Max “hay” thế nào có lẽ vần chỉ là chuyện… nội bộ của Isuzu.
Kia Rondo
"Phong độ" không mấy thuyết phục của Carens là một trong những lý do quan trọng để Kia cho ra đời cái tên mới Rondo tại thị trường Việt Nam. Bởi thế, trước khi Rondo ra mắt, người tiêu dùng đã có tâm lý hồi hộp mong chờ.
Lột xác gần như hoàn toàn về thiết kế, động cơ xăng 2.0L cho công suất 150 mã lực và động cơ dầu 1.7L cho công suất 135 mã lực, một loạt công nghệ mới được trang bị. Với những thay đổi, lẽ ra Rondo có thể tạo đột biến trên thị trường.
Người tiêu dùng Việt Nam vốn quen với yếu tố giá rẻ của xe Kia nói riêng và xe Hàn Quốc nói chung thì giá bán lẻ của Rondo lại ngang ngửa với Toyota Innova đến từ Nhật Bản, ở mức 729 - 826 triệu đồng.
Mazda2
Thương hiệu Nhật Bản này đang ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam. Riêng Mazda2 lại là một ngoại lệ.
Có mặt từ năm 2011 và từ đó đến nay, trong khi các đối thủ liên tiếp có phiên bản nâng cấp và gần nhất là ra mắt thế hệ hoàn toàn mới thì Mazda2 vẫn lặng như tờ để chờ thế hệ mới mà có lẽ phải cuối năm 2015 mới về đến Việt Nam.
Sự nghèo nàn công nghệ và đơn điệu về thiết kế đang là điểm yếu đáng kể của mẫu xe này.
Theo thống kê của VAMA, tổng lượng xe Mazda2 bán ra trong 11 tháng năm 2014 đạt 759 chiếc, tụt quá xa so với mẫu xe cũng khó bán như Ford Fiesta chứ chưa nói đến “hàng khủng” Honda City và Toyota Vios.
Theo.VnEconomy