(Baonghean) - Theo dự báo của ngành Khí tượng thủy văn Trung ương, trong vụ xuân 2015, rét đậm sẽ đến sớm, chấm dứt sớm, sau đó trời nắng nóng và nhiệt độ cao tăng dần. Dự kiến trong cả vụ xuân 2015 nền nhiệt độ không khí bình quân hàng tháng cao hơn trung bình nhiều năm trước trên 10C, tức ấm hơn nhiều so với các vụ xuân trước đây. Trời ít mưa, khả năng hạn hán sẽ xảy ra nghiêm trọng, nhất là vùng nguồn nước tưới chưa chủ động.
 
Chủ động đối phó với biến đổi khí hậu
 
Từ những dự báo trên, các địa phương và từng cơ sở sản xuất cần chủ động có biện pháp đề phòng những bất lợi xảy ra trong sản xuất vụ xuân năm nay. Đề phòng lúa trổ sớm giảm năng suất. Khi nhiệt độ ngoài trời xuống từ 160C trở đi thì được gọi là rét đậm và từ 130C trở xuống gọi là rét hại. Rét đậm và rét hại, nếu diễn ra ở thời kỳ gieo mạ và lúa sau khi cấy thì sẽ làm cho cây lúa ngừng phát triển và nếu kéo dài nhiều ngày cây lúa sẽ chết. Trường hợp nhiệt độ ngoài trời từ 160C đến 230C (rét nhẹ) thì cây lúa sẽ kéo dài thời gian sinh trưởng thêm nhiều ngày so với những năm bình thường. Nếu với nền nhiệt độ nói trên diễn ra lúc lúa đang trổ thì hạt lúa sẽ bị lép lửng đến 70 - 80%. Vụ lúa xuân năm 2015, khả năng nói trên không diễn ra mà ngược lại. Trời vẫn có rét đậm, nhưng rét đến sớm, không kéo dài và sau đó trời nắng ấm, khô  hanh, nhiệt độ cao tăng nhanh làm cho cây lúa phát triển nhanh dẫn đến tình trạng lúa trổ sớm dễ gặp rét thanh minh làm mất mùa. Đây là khả năng rất dễ xảy ra trong vụ lúa xuân 2015 này.
 
Vì vậy, đề phòng lúa trổ sớm, các cơ sở sản xuất tuyêt đối không nên gieo cấy sớm trước lịch thời vụ quy định dù là một ngày và chỉ nên gieo mạ và cấy ở cuối khung lịch thời vụ quy định là tốt nhất. Đối với trà lúa có thời gian sinh trưởng từ 140 - 145 ngày gieo mạ từ 5 - 10 tháng Giêng, cấy từ 20 - 25 tháng Giêng. Đối với trà lúa có thời gian sinh trưởng từ 130 - 135 ngày, gieo mạ từ 15 - 20 tháng Giêng, cấy từ 5-10 tháng 2. Đối với trà có thời gian sinh trưởng 125 ngày, gieo mạ từ 20 - 25 tháng Giêng, cấy từ 10-15 tháng Giêng. Đối với cây ngô, cây lạc trong điều kiện thời tiết ít rét, nắng ấm đến sớm, nhiệt độ cao tăng nhanh thì cố gắng gieo trồng càng sớm càng tốt để chống hạn, chống nắng nóng cuối vụ làm giảm năng suất lớn. Tốt nhất cần gieo trỉa xong ngô và lạc ngay trong cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 năm 2015.
 
Chủ động phòng chống hạn ngay từ đầu vụ: vụ xuân năm nay bị hạn nặng là điều khó tránh khỏi. Vì tổng lượng mưa cả năm 2014 chỉ đạt xấp xỉ 1.300mm, bằng 60 - 61% lượng mưa bình quân nhiều năm. Do trời không mưa nên lượng nước dự trữ của số 625 hồ đập lớn nhỏ trong toàn tỉnh giảm mạnh. Hiện tại cả tỉnh chỉ có 17/625 hồ có nước đạt mức thiết kế, số còn lại mức nước chứa trong hồ chỉ đạt được 50 - 60% mức thiết kế. Riêng vùng tưới nước bằng hệ thống bơm điện lấy nước nguồn từ sông Lam sẽ gặp khó khăn lớn vì mức nước sông Lam cạn kiệt dần do lượng mưa thượng nguồn khan hiếm lại còn bị đập thủy điện chặn lại để tích nước. Tại cống Ba ra Nam Đàn, mức nước hiện tại chỉ có 0,2 - 0,6m/1,15m so với mức thiết kế. Vì vậy, vùng tưới nước hồ đập ngay từ đầu phải tổ chức chỉ đạo sử dụng nước cần hết sức tiết kiệm, hạn chế diện tích gieo thẳng. Chủ động xây dựng lịch tưới tiêu hợp lý, nhằm tiết kiệm tối đa lượng nước tưới cho từng đợt. Đồng thời ngay từ những ngày trước khi chưa gieo cấy lúa, các địa phương cần phát động chiến dịch làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, chuẩn bị mọi phương tiện phòng, chống hạn. 
 
Riêng vùng cuối kênh vùng tưới nước hồ đập xét thấy khả năng hạn hán không thể có biện pháp khắc phục được thì nên sớm chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các cây hoa màu khác như ngô, khoai, đậu, lạc… Cây trồng cần được ưu tiên chuyển đổi là cây ngô. Cây ngô nếu được trồng trên đất lúa không chủ động nước dễ cho năng suất rất cao và chính cây ngô, dễ đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn cây lúa trong cả chuỗi giá trị kinh tế của nó.
 
Phát động phong trào toàn dân ra đồng diệt chuột.
 
Do không có mưa to gây ngập trên diện rộng nên nạn chuột đồng hiện tại ở tất cả các địa phương đã và đang phát triển rất mạnh. Đây là một nguy cơ đe dọa đến sản xuất nông nghiệp nói chung, trong đó cây trồng có thể bị hại lớn là lúa, ngô, khoai và lạc. Đặc điểm của chuột là sinh sản nhanh, số lượng nhiều. Trung bình 1 con chuột cái 1 năm đẻ 6 lứa, mỗi lứa đẻ từ 6 - 12 con và chuột con ở tuổi trưởng thành (sau khi đẻ được khoảng 2 tháng) lại tiếp tục sinh sản. Vì vậy, nếu không có biện pháp chủ động tiêu diệt chuột sớm thì chuột sẽ sinh sản theo cấp số nhân với số lượng vô cùng lớn, nó sẽ tàn phá mùa màng gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp.
 
Biện pháp phòng trừ chuột tốt nhất hiện nay là phát động toàn dân cùng với sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và học sinh của nhà trường ở tại địa phương ra đồng để diệt chuột bằng các biện pháp thủ công như: Đào bắt, đổ nước hoặc hun khói vào hang ổ cho chuột ra để diệt.
 
Phòng chống một số sâu bệnh gây hại 
 
Với xu thế thời tiết đã và đang diễn biến theo đúng kịch bản đã được dự báo như hiện nay thì vụ xuân năm nay sâu và bệnh có khả năng sẽ xuất hiện sớm và mạnh.
 
 Đối với bệnh, chủ yếu bệnh đạo ôn hại lúa xuất hiện sớm và có ngay từ khi lúa mới cấy xong và sớm nhất có thể ngay trên mạ. Vì trời âm u và sương mù nhiều vào buổi tối và buổi sáng hàng ngày, trưa chiều ít mây trời ấm nắng. Với điều kiện thời tiết như vậy thì khả năng xuất hiện bệnh đạo ôn hại lúa sẽ phát triển mạnh.
 
 Đối với sâu hại, chủ yếu sẽ có rầy nâu xuất hiện sớm vào từ cuối tháng 2 đầu tháng 3 trở đi do trời ấm, nhiệt độ cao đến sớm. Ngoài cây lúa, còn có cây ngô, cây lạc là 2 cây trồng chính trong vụ xuân khó tránh khỏi khả năng sâu cắn lá ngô, sâu đục thân ngô và sâu xanh hại lạc…
 
Muốn phòng, chống được các loại sâu bệnh nói trên biện pháp tốt nhất là: Thường xuyên thăm đồng, lội ruộng, kiểm tra kỹ, phát hiện sớm, phòng trừ ngay bằng các loại thuốc đặc hiệu do các trạm bảo vệ thực vật ở các huyện, thành, thị hướng dẫn chỉ đạo thực hiện đến từng xã. Các nông hộ và cơ sở sản xuất không nên tự ý mua thuốc trôi nổi ở ngoài thị trường để phun trừ sẽ không có hiệu quả.
 
Doãn Trí Tuệ