(Baonghean) - Sau 4 năm thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép đào tạo 19 nghề nông nghiệp (trồng trọt 9 nghề, chăn nuôi 3 nghề, lâm nghiệp 4 nghề và thuỷ sản 3 nghề), số lượng nghề này cơ bản đã đáp ứng được nhu cần học nghề nông nghiệp của người dân các vùng trong tỉnh... 

Trên cơ sở chương trình khung, nội dung các nghề do Bộ NN & PTNT ban hành, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã lựa chọn hiệu chỉnh, biên soạn với 19 nội dung làm tài liệu phục vụ cho dạy nghề, mỗi chương trình nghề được xây dựng thời gian từ 1 - 2,5 tháng/ nghề (tính theo ngày thực dạy). Về kết quả đào tạo, đã tổ chức được 11 nghề, 151 lớp, 4.711 người tham gia ở 19 đơn vị huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh (trong đó nhóm 1: người nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất canh tác .. 2.756 người chiếm 58,5%, nhóm 2: cận nghèo 634 người chiếm 13,45%, nhóm 3: lao động nông thôn khác 1.321 người chiếm 28,05%). Số người được cấp giấy chứng nhận nghề nông nghiệp sau đào tạo là 4.319/4.711 đạt 91,67%. 
 
images1119325_image003.jpgThực hành nhỏ vắc-xin cho gà tại lớp nghề nuôi gà huyện Quỳnh Lưu.
 
Điều đáng ghi nhận là chất lượng và hiệu quả của người học nghề luôn được trung tâm chú trọng đặt lên hàng đầu, kết thúc mỗi khóa học nghề các học viên đều nắm vững được kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành thành thạo và có thể áp dụng trực tiếp ngay vào thực tế sản xuất trồng trọt, chăn nuôi của gia đình. Theo thống kê, khảo sát cho thấy trên 70% học viên sau học nghề đã áp dụng được ngay chính nghề học và cho thu nhập, hiệu quả kinh tế cao hơn. Bởi lẽ các nghề lao động nông nghiệp đều được đào tạo xuất phát từ nhu cầu, mong đợi thiết thực của người học, phù hợp với trình độ, năng lực, điều kiện kinh tế và khả năng áp dụng vào sản xuất của gia đình nên người học nghề luôn tự giác tích cực học tập và đều quyết tâm đầu tư phát triển từ nghề học được. 
 
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Bá ở xóm 4 xã Diễn Liên (Diễn Châu) phấn khởi cho biết, khi chưa học nghề gia đình tôi chỉ biết tập trung vào ít sào ruộng lúa, chăn nuôi ít con lợn, thu nhập chỉ đủ ăn, cuộc sống rất vất vả, nhưng từ khi được học thêm nghề trồng nấm do Trạm khuyến nông huyện tổ chức, tôi và những người được học nghề trong xóm đã liên kết hình thành tổ sản xuất nấm mỡ, nấm sò và duy trì thường xuyên 5 - 6 lao động, mỗi tháng cho thu nhập bình quân từ 3,6 - 4,5 triệu đồng/người, cuộc sống giờ đây đã khá hơn nhiều.
 
Còn anh Nguyễn Hùng Cường, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quỳ Châu khẳng định, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn luôn được huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng. Trong những năm qua, tuy Trạm Khuyến nông huyện mới tổ chức được 8 lớp nghề trên địa bàn huyện nhưng rất chất lượng và hiệu quả. Qua lớp học nghề đã giúp cho bà con đồng bào dân tộc có thêm được nghề mới, được tiếp cận khoa học kỹ thuật nên trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả hơn, tận dụng được lao động nhàn rỗi, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo cho đồng bào dân tộc miền núi.
 
Trao đổi với chúng tôi anh Nguyễn Xuân Đài - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Diễn Châu cho biết thêm, đến nay huyện Diễn Châu đã mở được 17 lớp học nghề, tập trung chủ yếu là nghề nuôi lợn, nuôi gà, sản xuất rau an toàn, hầu hết các hộ đều duy trì, phát triển nghề được học và cho thu nhập kinh tế gia đình cao hơn khi chưa học nghề. Để học nghề có hiệu quả thực sự, trạm đã làm tốt từ khâu tuyển sinh lựa chọn người học nghề đến rèn luyện kỹ năng thực hành và tư vấn sau học nghề, nhất là trạm đã khâu nối liên kết với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp cam kết, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người sau học nghề khi có yêu cầu.
 
Mô hình trồng nấm của anh Nguyễn Văn Bá ở Xóm 4, xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu.
 
Từ kết quả trên đã thể hiện rõ vai trò, minh chứng cho hiệu quả của công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Từng bước tạo đà chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất, tạo thêm ngành nghề mới, cho thu nhập và hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, chung tay phấn đấu cùng xã hội hoàn thành tiêu chí thu nhập và lao động trong xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, nhu cầu học nghề nông nghiệp của lao động nông thôn rất lớn, với mong muốn của họ là có được một nghề để phát triển làm giàu ngay trên chính đồng ruộng và chuồng nuôi của gia đình.  
 
Muốn nâng cao chất lượng hiệu quả và đảm bảo tính bền vững đối với dạy nghề nông nghiệp cần tiếp tục có nhiều giải pháp thực thi đồng bộ. Chính quyền các cấp, các ban, ngành cần quan tâm, quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, quy hoạch, định hướng ngành nghề đào tạo phù hợp với đặc thù phát triển sản xuất nông nghiệp từng vùng, từng địa phương.
 
Dạy nghề phải xuất phát từ nhu cầu thực sự và khả năng thực tế của người học, phải gắn với thời vụ, giai đoạn sinh trưởng phát triển từng cây, từng con để đào tạo mới đem lại hiệu quả cao. Chú trọng chất lượng đội ngũ giáo viên, tài liệu và trang thiết bị dạy học nhằm tạo môi trường học tập, điều kiện thực hành tốt nhất cho người học nghề.Vận động, liên kết khâu nối các công ty, doanh nghiệp, nhà máy tham gia tích cực và thể hiện rõ vai trò trách nhiệm trong việc hỗ trợ công tác đào tạo nghề nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho người sau học nghề. Từ đó, khuyến khích, thu hút được nhiều lao động nông nghiệp tham gia và để họ duy trì, phát triển nghề bền vững sau khi học.
 
Cao Tuấn
(Trung tâm Khuyến nông tỉnh)