Đồng chí Hồ Ngọc Sỹ, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An
 
images1119178_a5_ki_m_tra_c_y_d_u_tuong_v__d_ng_tr_n_d_t_di_n_m___di_n_ch_u___nh_van__o_n.jpgKiểm tra cây đậu tương vụ đông trên đất Diễn Mỹ (Diễn Châu). Ảnh: Văn Đoàn
 
PV:Năm 2014, ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An đã tạo được những thành tựu, dấu ấn nổi bật gì, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Hồ Ngọc Sỹ: Năm 2014 là năm ngành NN&PTNT tỉnh nhà được mùa bội thu. Các chỉ tiêu cơ bản về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, với 10 thành tựu nổi bật là:
 
1.Sản lượng lương thực cây có hạt đạt 1.203.754 tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Năng suất lúa vụ xuân 2014 đạt 66,01 tạ/ha. Diện tích lúa chất lượng, có giá trị cao được mở rộng trên 25.000 ha.
 
2. Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ; nhiều địa phương, nhất là ở cấp xã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, sau 4 năm đã đạt trên 15 nghìn tỷ đồng. Đến 31/12/2014, toàn tỉnh có 33 xã đạt chuẩn NTM được UBND tỉnh quyết định công nhận, vượt 19 xã, bằng 236% so với kế hoạch đề ra, tạo tiền đề hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn NTM.
 
3.Công tác thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả tốt, tạo điều kiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ ngày càng tốt hơn sản xuất và dân sinh. Đến năm 2014, tổng mức đầu tư các dự án thuộc ngành đạt trên 15.434 tỷ đồng. Trong đó, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9.107,86 tỷ đồng. Trong năm, đã khởi công nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng như: Đập phụ và kênh thông dòng Châu Bình, với tổng vốn 800 tỷ đồng; khởi động dự án sửa chữa và nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc (JICA), với tổng mức đầu tư: 5.700 tỷ đồng...; ký kết Dự án Cống ngăn mặn giữ ngọt sông Mơ, tiếp tục xúc tiến Dự án Cống ngăn mặn giữ ngọt sông Lam,....
 
4.Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến được đưa nhanh vào sản xuất, tạo bước đột phá trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tăng giá trị trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nông dân như: Đưa các tiến bộ KHKT về giống lúa chất lượng, có giá trị cao như AC5, Vật tư NA2, lúa thảo dược... vào sản xuất trên các cánh đồng lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng; đưa nhanh các loại máy nông nghiệp vào sản xuất, nhất là sau dồn điền, đổi thửa, nâng tỷ lệ cơ giới hóa ở tất cả các khâu, đặc biệt là máy cấy đã được áp dụng tại nhiều địa phương; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch được quan tâm đầu tư, làm tăng giá trị nông sản...
 
5. Chăn nuôi bò sữa phát triển nhanh, đến nay đàn bò sữa của tỉnh đạt trên 48 nghìn con, về trước 1 năm so với mục tiêu đề ra (45 nghìn con) đến năm 2015, góp phần tăng mạnh tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp.
 
6. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản, sản xuất thủy sản; kết quả sản xuất của ngành Thủy sản có sự phát triển mạnh: Tổng sản lượng thủy sản đạt 145 nghìn tấn, tăng 14% so với kế hoạch, sản xuất trên 1,2 tỷ con tôm giống, 500 triệu con cá giống các loại; Nghệ An trở thành trung tâm sản xuất cung ứng giống thủy sản cho cả vùng Bắc Trung bộ và một số tỉnh phía Bắc.
 
7. Công tác bảo vệ và phát triển rừng được xã hội hóa một cách mạnh mẽ, đã thu hút được nhiều dự án trong và ngoài nước; đã thu trên 47 tỷ đồng từ các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, đóng góp nguồn lực chi trả dịch vụ môi trường rừng, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo tính bền vững của sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa độ che phủ rừng đạt 54,6% và tạo kim ngạch xuất khẩu gần 90 triệu USD, cao nhất từ trước tới nay.
 
8.Đã tổ chức, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các huyện miền núi, góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng cao như: Trồng chanh leo ở Quế Phong, trồng cam V2 tại các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa tập trung theo quy mô trang trại, gia trại ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu....
 
9.Thực hiện liên kết sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã thành công ở nhiều địa phương, đem lại hiệu quả cao cho các bên tham gia, tạo mô hình tổ chức sản xuất tốt để chuyển nhanh sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, theo chuỗi giá trị.
10. Triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án giúp người dân miền Tây Nghệ An xóa đói, giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 4/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An đến năm 2020 như: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135 (giai đoạn III), Chương trình 30a..., với hàng chục nghìn người dân được hưởng lợi.
 
Sản xuất rau vụ đông ở Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Ảnh: V.Đ
 
PV:Đồng chí có thể cho biết về những nỗ lực, giải pháp mà ngành đã triển khai thực hiện để trong điều kiện có nhiều khó khăn, ngành vẫn đạt được kết quả như trên? 
 
Đồng chí Hồ Ngọc Sỹ: Đạt được thành tựu quan trọng trên, ngành NN&PTNT cùng cấp ủy, chính quyền đã thực hiện tốt các vấn đề mang tính then chốt sau:
 
Thứ nhất, đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, chuyển tải các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các kiến thức KHKT giúp bà con nông dân nâng cao nhận thức, làm chủ bản thân và tự giác tham gia, nhất là trong việc tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
 
Thứ hai, bám sát các chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy, chủ trương của HĐND, UBND tỉnh, của Bộ NN&PTNT để chủ động xây dựng các chương trình, đề án triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả...
 
Trên cơ sở nhiệm vụ, kế hoạch được giao năm 2014, Sở NN&PTNT đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể đối với từng lĩnh vực, từng nội dung, đồng thời có sự phân công lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện. 
 
Thứ ba, công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được tăng cường, thực sự đã giúp các địa phương, đơn vị chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, thực hiện đúng các quy trình sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
 
Thứ tư, thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo về diễn biến thời tiết, tình hình dịch bệnh, thị trường vật tư nông nghiệp, thị trường nông sản …, chủ động xây dựng các đề án sản xuất cụ thể cho từng mùa vụ, từng loại cây trồng, vật nuôi; đồng thời phân công cán bộ bám sát cơ sở để theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để bổ cứu kịp thời khi có những diễn biến bất lợi xảy ra. Ví như, vụ hè thu năm 2014, dịch sâu cuốn lá trên lúa hè thu diễn ra trên diện rộng, mức độ ảnh hưởng và khả năng lây lan lớn, song nhờ công tác dự tính, dự báo kịp thời, chính xác; công tác chỉ đạo quyết liệt, nên dịch bệnh đã được đẩy lùi, đem lại một vụ mùa bội thu.
 
Thứ năm, sớm ban hành hệ thống các chính sách nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương như Nghị định 210/NĐ-CP; Quyết định 62/QĐ-TTg, Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... đối với sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
 
Thứ sáu, thực hiện tốt cơ chế phối hợp với các sở, ngành, các địa phương trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất tại cơ sở; huy động, khai thác các nguồn vốn cho các chương trình, dự án nhất là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; các dự án hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
 
PV:Nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Kế hoạch NN&PTNT năm 2015 là gì, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Hồ Ngọc Sỹ:Năm 2015 có ý nghĩa quan trọng hoàn thành kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tạo tiền đề quan trọng để triển khai nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (2016 - 2020), Ngành NN&PTNT tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau: 
 
1.Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các đơn vị triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành theo Quyết định số 6593/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 về đề án tái cơ cấu ngành NN&PTNT Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2020, nhằm tạo chuyển biến trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tăng cường công tác khuyến nông, công tác nghiên cứu khoa học, đưa nhanh các loại giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
 
2. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM theo tinh thần Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, và Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, đảm bảo đến năm 2015 có 20% số xã (87 xã) đạt chuẩn NTM, tạo tiền đề để đến năm 2020 có 50% số xã (216 xã) đạt chuẩn NTM.
 
3. Đẩy mạnh, triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 theo Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 3864/QĐ-UBND.NN ngày 31/8/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Nghị Quyết số 07/NQ-TU ngày 4/2/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về ứng dụng và phát triển công nghệ cao giai đoạn 2011 - 2020; khâu nối để thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghĩa Đàn theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, tạo hạt nhân cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh và vùng Bắc Trung bộ.
 
4.Tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức trong sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng mẫu lớn; sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản phẩm nông sản hàng hóa; sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.
 
5. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết 17-NQ/TU; đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của toàn ngành theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII... 
 
6.Triển khai có hiệu quả các chính sách mới của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định 210/2013/NĐ-CP, Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg, Quyết định 1956/2011/QĐ/TTg... Quyết định số 87/2014/QĐ-UBND, Quyết định số 02/2012/QĐ-UBND...
 
7.Chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp đối phó kịp thời với thiên tai, dịch bệnh, nguy cơ cháy rừng... nhằm bảo vệ sản xuất, tính mạng và tài sản của nhân dân; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
 
8.Đẩy mạnh thực hiện các chương trình do Bộ NN&PTNT chủ trì chỉ đạo triển khai, các công trình trọng điểm như: nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển; neo đậu và tránh, trú bão cho tàu thuyền; phát triển hạ tầng thủy sản; giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản; xóa đói, giảm nghèo; di dân, ổn định dân cư; định canh, định cư; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...; đồng thời, nghiên cứu thực hiện các giải pháp đổi mới công tác quản lý các công trình cơ sở hạ tầng.
 
9.Lấy năm 2015 là Năm An toàn vệ sinh thực phẩm nông nghiệp, để tạo sự chuyển biến trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng cuộc sống và sự yên tâm của người dân. Trong đó tập trung vào tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và chỉ đạo hệ thống quản lý chất lượng tăng cường giám sát đối với vấn đề kháng sinh và chất cấm trong sản xuất nông nghiệp
 
10. Hoàn thiện bộ máy tổ chức ngành; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện các Luật Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
11. Phục vụ tốt đại hội Đảng ở các huyện, thành, thị, Đại hội Tỉnh Đảng bộ Nghệ An lần thứ XVII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2015-2020…
 
PV:Xin cảm ơn đồng chí!
 
Hải Yến(Thực hiện)