Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, hội nghị nào tổ chức "tiệc tùng" linh đình, "chè chén" xa hoa dân đều biết và cần phải lên án việc này.
Nhiều người biến quà tặng thành việc mua bán
Ngày 19/12/2016, thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã ký ban hành Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Bộ Chính trị đã đưa ra 6 quy định, trong đó nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác,... để ăn uống, "tiệc tùng", tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi.
Việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hoá mới theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước; phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Nghiêm cấm việc lợi dụng để "biếu xén", đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng. Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, "chè chén" xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X bày tỏ quan điểm ủng hộ tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư. “Quy định của Bộ Chính trị là cần thiết và là một trong nhiều biện pháp để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, ông Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh.
Theo vị tướng quân đội, quà biếu, quà tặng nếu làm đúng thì nó thể hiện ân tình của con người với nhau. Quà biếu thực chất thể hiện cách sống có tình, biết trước biết sau, biết ơn với người đã giúp đỡ, dìu dắt mình. Đó là một hành động rất tốt đẹp. Nhưng đáng buồn là trong xã hội bây giờ, nhiều người biến quà tặng thành việc mua bán. Việc lợi dụng tổ chức tiệc tùng linh đình để tặng quà nhằm đạt được mục đích gì đó như thăng quan tiến chức thì đó là hành vi hối lộ trá hình.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng cho rằng, muốn thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Chính trị thì trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, mỗi Bộ, ngành, địa phương phải nêu gương, đặc biệt cần có cơ chế giám sát cho tốt. “Nếu "đi đêm" vì mục đích vụ lợi thì phải lên án. Hội nghị nào tổ chức tiệc tùng linh đình, chè chén xa hoa thì làm sao dân không biết được. Những người phục vụ trong buổi tiệc tùng đó nếu họ thông báo thì sẽ biết ngay. Do đó, phải phát động được nhân dân, những người trong sáng để giám sát, phát hiện thì tôi tin sẽ có hiệu quả”, trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh.
“Nợ tiền tiếp khách” không còn là cá biệt
Đồng tình với quan điểm của trung tướng Nguyễn Quốc Thước, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa XII cũng cho rằng việc cấm “tiệc tùng”, liên hoan xa hoa, lãng phí đã được cấm từ trước, khi quán triệt, tuyên truyền thì rầm rộ nhưng khi thực hiện vẫn tồn tại tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.
Kỳ này, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đang được cả nước quan tâm, vì vậy việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nếu như trước đây. vì nhiều lý do việc thực hiện các quy định, chỉ thị chưa được nghiêm túc thì lần này quần chúng nhân dân và đảng viên tin tưởng sẽ rút được kinh nghiệm, Đảng ta sẽ có các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn tình trạng “chè chén” lãng phí, tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi.
Vị đại biểu Quốc hội với nhiều phát ngôn mạnh mẽ trên nghị trường cho biết, thực tế vẫn còn diễn ra tình trạng lợi dụng ngân sách Nhà nước để tổ chức “tiệc tùng”, quà cáp biếu xén không lành mạnh, gây lãng phí, tốn kém, gây bất bình trong nhân dân. “Chủ tài khoản” tự tung tự tác theo thẩm quyền của mình, không có ai ngăn chặn, không bị xử lý khi sử dụng ngân sách vô tội vạ... Nếu hết kinh phí thì các “chủ tài khoản” này “cắm nợ” ở các nhà hàng, khách sạn đợi đến cuối năm cấp bù, chạy chọt, xin – cho để lấy kinh phí bù nợ nần. Câu chuyện “nợ tiền tiếp khách” không phải là cá biệt, nó tồn tại ở nhiều địa phương trong cả nước, gây phản cảm trong dư luận.
“Tôi tin Quy định lần này của Bộ Chính trị sẽ đi vào cuộc sống, cùng với chế tài xử lý nghiêm của Cảnh sát giao thông khi phát hiện người điều khiển phương tiện giao thông vượt quá nồng độ cồn cho phép sẽ ngăn chặn được hiện tượng “chè chén”, “tiệc tùng” trong mỗi dịp thăng quan tiến chức, về hưu, luân chuyển, thuyên chuyển công tác”, ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Cuông cũng cho rằng, các cấp uỷ, tổ chức đảng lãnh đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Quy định của Bộ Chính trị. Từng Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng cán bộ đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện và chỉ đạo thực hiện Quy định này.
Phát huy vai trò tích cực của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát thực hiện Quy định này; kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, phê phán những tập thể, cá nhân vi phạm. “Nếu các cơ quan thông tin đại chúng hay người dân cung cấp được những chứng cứ thì các tổ chức có trách nhiệm cần thi hành xử lý nghiêm những cán bộ, công chức vi phạm Quy định trên”, ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh thêm./.
Theo VOV