ỨNG DỤNG KHKT Ở NHIỀU KHÂU

Năm 2014, gia đình ông Hồ Phúc Hoàng (xóm Văn Đông, xã Quỳnh Bảng) nhận thầu 3 ha đất trồng phi lao của xã để cải tạo làm nông nghiệp. Thời gian đầu, một phần do đất cằn cỗi, một phần mô hình mới triển khai, việc áp dụng khoa học kỹ thuật hạn chế nên hiệu quả thấp, thậm chí là thất bại như trồng gấc. Thông qua ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, như nuôi gà thịt bằng phương pháp an toàn sinh học truy xuất nguồn gốc; trồng rau, củ, quả theo phương pháp hữu cơ và nhà lưới, hiệu quả mô hình ngày càng rõ nét.

Theo ông Hồ Phúc Hoàng, hiện trên 1.000 m2 nhà lưới được trồng xen canh, gối vụ, bao gồm dưa lưới, dưa chuột, cà có thu nhập khoảng gấp rưỡi so với sản xuất thông thường. Số diện tích chủ yếu trên đồng ruộng với đủ loại cây trồng (dưa lê, dưa hấu, mướp hương, mương đắng, bí đỏ, bí xanh, cà rốt, củ cải, cải bắp...) cũng được áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ và hệ thống tưới bán tự động, tạo cho sản phẩm một thị trường riêng, đặc biệt là giảm đáng kể công lao động, tăng giá trị sản phẩm.

bna_image_4949833_1782019.jpgMô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới của ông Hồ Phúc Hoàng ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Hồ Nghĩa Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng, chia sẻ: Triển khai thực hiện Đề án số 02 của Huyện ủy Quỳnh Lưu về ứng dụng công nghệ cao đẩy mạnh phát triển nông, lâm, thủy sản, gắn với công nghiệp chế biến, giai đoạn 2016 - 2020; Quỳnh Bảng đã xây dựng chương trình hành động để triển khai. Cách làm của Quỳnh Bảng là lựa chọn những nhân tố tích cực trong sản xuất nông nghiệp cho đi tham quan, học tập các mô hình ở các địa phương để về triển khai, tạo sự lan tỏa; gắn với hỗ trợ người dân về kỹ thuật cũng như thụ hưởng chính sách do các cấp ban hành.

Hiện nay, trong số 200 ha diện tích rau màu ở Quỳnh Bảng đã cơ bản áp dụng biện pháp tưới bán tự động; 186 ha nuôi tôm áp dụng hệ thống sục khí cải tiến, nuôi bằng chế phẩm sinh học và một số diện tích nuôi trong nhà màng để tăng vụ, tăng chất lượng sản phẩm.

Cũng ban hành chương trình hành động triển khai Đề án số 02, xã Quỳnh Thắng xác định rõ khâu đột phá trong ứng dụng khoa học công nghệ, đó là chọn giống, kỹ thuật canh tác, sản xuất, chế biến. Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên địa bàn Quỳnh Thắng triển khai khá nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, như trồng ngô sinh khối vụ đông trên đất 2 lúa với 20 ha; áp dụng phương pháp canh tác SRI đối với cây lúa; đưa một số cây trồng mới gắn với áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, không dùng thuốc BVTV và công nghệ tưới nhỏ giọt, phun sương trên 17 ha cam Xã Đoài, cam Valenxia; 3 ha bưởi hồng Quang Tiến, bưởi Diễn, ổi không hạt, nhãn...

Nông dân xã Quỳnh Thắng ép rễ cây nhang bài. Ảnh tư liệu: Việt Hùng

Bên cạnh đó, Quỳnh Thắng cũng đã phát triển, mở rộng diện tích trồng cây nhang bài lên 320 ha (cây nguyên liệu sản xuất hương trầm và hương thẻ); gắn vận động nhân dân đổi mới phương pháp sản xuất, chế biến hương trần, hương thẻ, từ thủ công sang dùng bằng máy cho tất cả các công đoạn tuốt lá cây, ép rễ cây và đập bột và quấn hương; góp phần hình thành làng nghề và được UBND huyện công nhận làng có nghề năm 2017. Đây cũng là địa phương đưa cơ giới hóa với tỷ lệ sử dụng máy trong khâu làm đất đạt 96%; thu hoạch lúa bằng máy đạt 85% và trên địa bàn xã cũng đã có 2 lò sấy nông sản phục vụ người nông dân.

"Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án số 02-ĐA/HU, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao đã tác động đến từng khâu, từng công đoạn lên cây trồng, vật nuôi, từ khâu giống đến từng công đoạn trong khâu canh tác và bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; góp phần giảm sức lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập của người dân".

Đồng chí Đậu Văn Năm - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu

Cơ bản diện tích rau màu ở xã Quỳnh Bảng được áp dụng hệ thống tưới bán tự động. Ảnh: Mai Hoa

Hiện tại, trên địa bàn Quỳnh Lưu có khoảng 80% diện tích chuyên canh rau màu áp dụng công nghệ tưới phun bán tự động, tăng hơn 30% so với trước khi ban hành đề án; đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất và thu hoạch lúa 100% diện tích; một số diện tích cam, bưởi được ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel; bao bì chân không sản phẩm mực khô Quỳnh Lưu hay ứng dụng vật liệu PU làm hầm bảo quản lạnh hải sản...

Bên cạnh tác động từng khâu, thì có một số sản phẩm nông nghiệp được KHCN tác động toàn diện thông qua các mô hình sản xuất nhà màng, nhà lưới trồng rau, củ, quả như cà chua, dưa lưới, dưa lê, dưa chuột (có 6 mô hình); nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP ở 107/750 ha tôm toàn huyện; nuôi tôm trong bể xi măng có mái che, nuôi tôm theo quy trình biofloc trong nhà màng tại một số địa phương như các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Thanh, An Hòa, Quỳnh Lương...

Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng có mái che ở xã Quỳnh Minh đầu tư hơn 7 tỷ đồng. Ảnh: Mai Hoa
CÔNG NGHỆ CAO NHƯNG THỊ TRƯỜNG HẸP   

Theo đồng chí Lê Xuân Kiên - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu, soi vào mục tiêu của Đề án số 02-ĐA/HU đặt ra nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại và bền vững, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thì vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn.

Mặc dù huyện đã hình thành 3 vùng kinh tế nông nghiệp khá rõ, gồm vùng rau gắn với thủy sản, vùng lúa, vùng phát triển cây ăn quả gắn với chăn nuôi với một số sản phẩm có số lượng lớn như rau màu, thủy sản và cây ăn quả, nhất là dứa với hơn 1.000 ha dứa; tuy nhiên khâu yếu nhất là huyện chưa thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp để khoa học công nghệ tác động theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu giống, quy trình sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, mà hiện đang chủ yếu là ứng dụng công nghệ cao theo mô hình cá nhân, gia đình nông hộ, dẫn đến việc áp dụng nhỏ lẻ ở từng khâu và nhỏ lẻ về quy mô sản phẩm, dẫn đến chưa có thị trường tiêu thụ ổn định.

Chính vì chưa có “bàn tay” của doanh nghiệp, nên một số sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao nhưng chưa tìm được giá trị thực của nó, bởi chưa có thị trường rõ ràng cho sản phẩm công nghệ cao.

Nuôi tôm VietGAP tại Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu

Điều này cũng được ông Hồ Phúc Hoàng ở xã Quỳnh Bảng chia sẻ qua thực tiễn là giá bán rau, củ quả từ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của gia đình so với các sản phẩm  được sản xuất thông thường cũng chỉ tăng 50%, trong khi đó chi phí để sản xuất sản phẩm công nghệ cao tăng 50% so với sản phẩm thông thường.

Hiện nay, giữa sản phẩm công nghệ cao và thông thường chưa có sự phân biệt rạch ròi và thị trường tiêu thụ nhỏ lẻ trong một số nhóm, bộ phận, cho nên sản phẩm của gia đình phải đưa ra thị trường chung khoảng 60%, nghĩa là 60% này là không có lãi.

Trong lĩnh vực thủy sản, với ngư trường thu hẹp và nguồn lợi ngày càng hạn chế, trong khi đó việc ứng dụng khoa học công nghệ vào chế hiến thủy sản đang còn hạn chế, cũng đã, đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp ở Quỳnh Lưu những băn khoăn để tiếp tục tìm giải pháp nhằm tăng giá trị kinh tế thủy sản thông qua chế biến sâu với quy mô lớn, sản phẩm có chất lượng, thương hiệu trên thị trường.

Trước mắt, huyện đang tập trung hoàn thiện quy hoạch xây dựng khu chế biến thủy sản tập trung và dịch vụ hậu cần nghề cá tại xã Quỳnh Thuận với quy mô 30 ha để thu hút dự án đầu tư chế biến thủy sản. Song song với đó là tích cực thu hút các nhà đầu tư, các dự án hỗ trợ, đầu tư vào lĩnh vực chế biến, sấy khô, đóng gói rau, củ quả các loại, phục vụ thị trường trong và ngoài nước, có như vậy nông nghiệp công nghệ cao ở Quỳnh Lưu mới phát triển và có sự bền vững.

Ngư dân Quỳnh Lưu chuẩn bị nhu yếu phẩm vươn khơi. Ảnh tư liệu: Việt Phương