Trường Mầm non Lượng Minh, huyện Tương Dương có hàng chục bức trang đẹp. Tìm hiểu thì được biết đó là những bức tranh do chính các cô giáo của trường vẽ.
Và vẽ tranh đã là việc làm thân quen và thường niên của họ. Tất cả các bức tranh, từ bờ rào đến tường nhà, từ điểm chính đến bản lẻ, không chỉ năm nay mà cả nhiều năm trước chưa một họa sĩ chuyên nghiệp nào có cơ hội chen chân vào hành nghề bởi tất tần tật đều do chính bàn tay của các cô “tự biên tự diễn”.
Thú thực tôi không có nhiều kiến thức về hội họa, nhưng với cảm nhận nghệ thuật bẩm sinh thì có thể nói là “đẹp ơi là đẹp”. Đẹp đến không thể tin nổi đó là tác phẩm của những “thợ vẽ bất đắc dĩ”.
Thế giới của trẻ thơ là thế giới của những câu chuyện cổ tích, những màu sắc và cả âm thanh. Những bức tranh tường ngoài việc tạo nên không gian sinh động còn ẩn chứa trong đó những câu chuyện và thông điệp mà có khi sẽ theo các bé suốt cả cuộc đời. Sự sinh động và bắt mắt của tranh tường sẽ kích thích thị giác, tạo nên sự hứng khởi cho các con mỗi ngày đến trường, giúp các con gần gũi, biết yêu quý thế giới xung quanh.
Quan trọng là vậy nhưng không phải trường học nào cũng đủ điều kiện để thuê các họa sĩ chuyên nghiệp, với các trường núi như Lượng Minh lại càng không. “Cái khó ló cái khôn”, không thể thiếu tranh nhưng cũng không thể có đủ tiền, thế là các cô xắn tay vào cuộc. Vừa học vừa vẽ, vừa vẽ vừa học, cứ thế lần lượt các bức tranh tường tinh khôi, đẹp đẽ và ý nghĩa cứ lần lượt hiện lên qua các bàn tay của các “họa sĩ” như Họa My, Lương Nhâm, Vân Anh…
Cô giáo Vi Thảo, Hiệu phó kiêm “họa sĩ chính” tâm sự: “Trường em ai cũng biết vẽ hết, kể cả cô giáo Hiệu trưởng Bùi Bé Lê cũng xuống xắn tay cùng mọi người. Những hoạt động như này tình cảm và vui lắm. Mẫu bọn em tìm kiếm trên mạng, một số thì tự sáng tác. “Họa sĩ chính” phác thảo, “họa sĩ phụ” tô màu. Mỗi mét vuông thế này nếu thuê ngoài thì có khi đến mấy triệu bạc, không tự vẽ thì lấy đâu ra. Rảnh là vẽ, mệt thì nghỉ, buồn thì kể chuyện cười, đói thì pha mì tôm… cứ đều đặn thế mà vẽ hàng trăm mét tranh tường rồi đó anh”.
Tôi hỏi: “Không phải dân chuyên nghiệp, các cô làm thế nào mà vẽ được đẹp thế?”. “Họa sĩ chính” vui vẻ trẻ lời: “Có lẽ do bọn em vẽ từ lòng yêu thương”.
Lượng Minh là một trong những xã nghèo nhất của huyện. Trường có 250 cháu hầu hết là con em đồng bào Thái, Khơ Mú, Ka Tu, và Ơ Đu… với 21 cán bộ giáo viên nhưng lại phân bổ ra những 8 điểm trường. Nơi gần nhất cũng cách thị trấn 17 cây số, còn điểm xa nhất như Chăm Puông cũng ngót nghét 50 cây. Để đến được điểm trường xa nhất các cô phải dùng đến cả 3 loại phương tiện đó là xe máy, thuyền và… đi bộ. Mặc dù đời sống muôn vàn khó khăn nhưng ngoài giờ dạy các cô còn tham gia các hoạt động khác quả thực rất xúc động và đáng trân trọng.