Điểm sáng miền Tây Nghệ An
Vừa qua, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có chuyến kiểm tra, khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo cốt cán huyện Nghĩa Đàn.
Có thể nói, trên các mặt công nghiệp, nông nghiệp, địa phương này đều có những điểm nhấn hết sức tích cực, đặc biệt là việc hình thành các nhà máy chế biến sữa, gỗ đã mang lại thuận lợi không chỉ cho Nghĩa Đàn mà cả vùng miền Tây, nhất là Tây Bắc Nghệ An khi khép kín chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Điều này mở ra hướng phát triển rất rõ rệt, giải quyết được bài toán đầu ra cho các sản phẩm nông, lâm sản.
Với những bước đi đó, trong nhiệm kỳ này, Nghĩa Đàn luôn duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm cao tốp đầu các địa phương của tỉnh, đều trên 15%, 16%. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 cũng chỉ còn 5,25%, thấp hơn so với bình quân của cả tỉnh (5,54%).
Tuy nhiên, dù tiềm năng lớn, tăng trưởng cao song chất lượng tăng trưởng của huyện vẫn còn những vấn đề đáng lưu tâm. Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn Hoàng Thị Thu Trang cho biết những khó khăn liên quan đến hạ tầng khu công nghiệp, đã hạn chế thu hút đầu tư; đồng thời trong nông nghiệp vẫn còn những sản phẩm như cam, ổi khó khăn đầu ra.
Theo tìm hiểu, Khu Công nghiệp nhỏ Nghĩa Long đã có 6 nhà máy sản xuất, nộp ngân sách tỉnh hơn 10 tỷ đồng/năm, giải quyết hơn 700 lao động. Tuy nhiên, hạ tầng đi theo chưa đồng bộ do đầu tư còn nhỏ giọt.
Còn Khu công nghiệp Nghĩa Đàn tại xã Nghĩa Hội do Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam quản lý với diện tích quy hoạch được phê duyệt là 245,68 ha chưa được đầu tư kết cấu hạ tầng và mới có 1 nhà máy gỗ MDF đang hoạt động. Sự yếu kém về hạ tầng công nghiệp khiến đang là trở ngại để Nghĩa Đàn có bước phát triển nhanh và toàn diện hơn.
Phát triển phải từ lợi ích của nhân dân
Tại cuộc làm việc vừa qua, trên cơ sở phân tích thực trạng, kết quả, xu thế phát triển, lãnh đạo các sở, ngành cũng đã có những khuyến nghị, góp ý cho Nghĩa Đàn. Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu nêu lên thực trạng, mặc dù đã có nhà máy chế biến gỗ với nhu cầu nguyên liệu rất lớn, song đến nay chất lượng sản phẩm đầu vào là cây keo chưa đáp ứng được, vẫn thiếu nguyên liệu gỗ lớn.
Nguyên nhân do người trồng keo đến 4 -5 tuổi là bán, trong khi để có hiệu quả cao phải trồng 8 - 10 năm. Chính hạn chế này dẫn đến hiệu quả trồng rừng chưa cao.
Do đó, Nghĩa Đàn cần làm việc với các doanh nghiệp liên quan và nhân dân để xây dựng chiến lược trồng rừng, như hình thành các chính sách hỗ trợ về vốn, giống để người trồng rừng yên tâm trồng, chăm sóc keo trong thời gian 8 - 10 năm.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Huy Cương cũng đề nghị bên cạnh các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đã hình thành, thì Nghĩa Đàn cần nghiên cứu để xây dựng các chuỗi khác.
Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ, thương mại cần có chiến lược phát triển bài bản, trong đó có định hướng, dành quỹ đất phù hợp để phát triển dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý khẳng định, tỉnh kỳ vọng rất lớn vào Nghĩa Đàn với mong muốn huyện trở thành trung tâm lan tỏa cả khu vực Tây Bắc Nghệ An, phát triển bền vững, xanh, có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Tuy nhiên, người đứng đầu UBND tỉnh cũng lưu ý, phát triển phải gắn liền lợi ích người dân. Xem đó là vấn đề quan trọng, đặt lên hàng đầu. “Nghĩa Đàn cùng với Thái Hòa trở thành trung tâm lan tỏa vùng Tây Bắc”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Muốn vậy, theo đồng chí Thái Thanh Quý, trước hết huyện phải phát huy được thế mạnh là trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó cần có đề án để nhìn nhận lại vai trò, sự tham gia, lợi ích mang lại cho người dân như: giải quyết việc làm, thu nhập, tác động môi trường với đời sống…
Trên cơ sở đó, huyện mới thấy được những vấn đề cần kiến nghị với tỉnh, với doanh nghiệp để vừa đảm bảo bức tranh phát triển chung, vừa có chiến lược, giải pháp để thành quả của sự phát triển thực sự mang lại những giá trị trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất, tinh thần của nhân dân.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, vấn đề cũng hết sức quan trọng là “Nghĩa Đàn phải trở thành đơn vị đầu tiên làm tốt nhất việc định hình, định hướng, tổ chức sản xuất cho người dân; tận dụng tốt nhất nguồn lực đất đai để phát triển sản xuất, mang lại giá trị thu nhập, không để người dân sản xuất tự phát”. Bởi trên địa bàn đã có lợi thế rất lớn là các nhà máy chế biến gỗ, hoa quả… đã hình thành. Đây là điều kiện rất thuận lợi vì một phần đầu ra cho sản phẩm nông, lâm nghiệp đã có.
Vấn đề lúc này, huyện phải đánh giá, định hình lại sản phẩm đầu vào cho các nhà máy này. Ví dụ, rà soát để định hướng vùng trồng mía, keo, cây gỗ lớn… phù hợp; đồng thời làm việc với các ngân hàng để tìm ra cơ chế tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn; xây dựng thêm các hợp tác xã nông nghiệp nhằm tập hợp nguồn lực trong dân và tham gia sản xuất theo chuỗi sản phẩm…
Do đó, huyện cần phải tính toán để có chiến lược khai thác, phát huy hiệu quả quỹ đất. Mặt khác, Nghĩa Đàn cần quy hoạch bài bản, chủ động thu hút đầu tư vào dịch vụ - thương mại, tránh đầu tư dàn trải, manh mún, đồng thời tập trung phát triển du lịch.