Hiện nay, chế độ đối vớichi hội trưởngcác đoàn thể ở khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện theo hình thức khoán bồi dưỡng hàng năm tại Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND, ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh.
Cụ thể, ngoài nguồn kinh phí từ đoàn phí, hội phí của các đoàn thể và các nguồn quỹ khác (nếu có), hàng năm, ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm để chi trả tiền bồi dưỡng đối với những người trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản (trong đó có các chi hội trưởng các đoàn thể) với mức 25 triệu đồng/năm đối với xóm có từ 350 hộ gia đình trở lên; xóm, bản thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; xóm, bản thuộc xã biên giới. Đối với các xóm, khối, thôn, bản còn lại có mức khoán bồi dưỡng 23 triệu đồng/năm.
Trên cơ sở quy định mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản của HĐND tỉnh tại Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND, việc chi trả theo hình thức khoán và chấm công theo khối lượng công việc. Điều này gây khó khăn trong công tác chi trả, khó định lượng và chấm công. Mặt khác, thủ tục thanh toán cần có bảng chấm công, theo dõi, kèm quy chế chi tiêu nội bộ của xóm, khối, thôn, bản mới rút được kinh phí (theo quy định của Bộ Tài Chính).
Từ những bất cập, khó khăn trong thực tiễn triển khai Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND thông qua phán ảnh của cử tri và Nhân dân tại nhiều địa phương, đồng thời với tinh thần cầu thị, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND, ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tới.
Theo đó, thay vì khoán bồi dưỡng hàng năm như Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND, UBND tỉnh đề nghị sửa đổi thành mức bồi dưỡng hàng tháng cho các đối tượng chi hội trưởng các tổ chức đoàn thể Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Người cao tuổi và Bí thư chi đoàn.
Cụ thể, mức bồi dưỡng cho 5 chức danh trên ở xóm có từ 350 hộ gia đình trở lên; xóm, bản thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; xóm, bản thuộc xã biên giới là 400 nghìn đồng/người/tháng. Ở các xóm, khối, bản còn lại là 350 nghìn đồng/người/tháng.
Ngoài đề xuất thay đổi mức khoán và hình thức khoán bồi dưỡng cho chi hội trưởng các đoàn thể, dự thảo nghị quyết này cũng đề xuất bổ sung quy định hỗ trợ kinh phí hoạt động cho tổ dân vận ở xóm có từ 350 hộ gia đình trở lên; xóm, bản thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; xóm, bản thuộc xã biên giới là 2,5 triệu đồng/năm/tổ. Mức hỗ trợ kinh phí cho tổ dân vận ở các xóm, khối, bản còn lại là 2 triệu đồng/năm/tổ.
Lý do đề xuất bổ sung là mặc dù kinh phí hoạt động cho tổ dân vận khối, xóm, bản đã được quy định tại Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND trong tổng mức khoán bồi dưỡng hàng năm 25 và 23 triệu đồng/năm cho người trực tiếp tham gia công việc ở xóm, khối, bản (tùy theo phân loại xóm); nhưng trong thực tế triển khai ở các địa phương, tổ dân vận không được chi trả kinh phí hoạt động.
Dự thảo nghị quyết này cũng được UBND tỉnh đề xuất bổ sung 2 chức danh thú y và bảo vệ thực vật - khuyến nông - khuyến lâm vào trong nhóm những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, việc bổ sung 2 chức danh này không làm thay đổi số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã được quy định tại Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND: số lượng 10 người đối với xã loại III; 11 người đối với xã loại II và 12 người đối với xã loại I.