*Cần gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong quản lý khoáng sản
Ông Nguyễn Công Lực - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Khoáng sản, Sở TN&MT Nghệ An cho biết:Nghệ An có tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loại khoáng sản có giá trị kinh tế và tiềm năng như đá hoa trắng, quặng thiếc, vàng, chì - kẽm, quặng sắt, đá quý, đá vôi xi măng, đá sét xi măng, cát sỏi, đất san lấp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng...
Những năm gần đây, chủ trương của tỉnh là hạn chế cấp phép khai thác các loại khoáng sản ngoài các khoáng sản thiết yếu như đất phục vụ san lấp, cát, sỏi, đá xây dựng. Gắn với đó, tỉnh cũng tăng cường các biện pháp, giải pháp quản lý nhà nước; phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm đối với từng cấp, từng ngành, địa phương trong bảo vệ, quản lý khoáng sản… Các chính sách tài chính, thuế cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng lên, từ 7 -10%, nay có loại tăng lên 15% đến 27%.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác bảo vệ khoáng sản thực hiện theo Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác do UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 4182/QĐ-UBND vẫn chưa hiệu quả và vẫn để xảy ra tình trạng khai thác trái phép. Nổi lên là khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lam tại địa bàn các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương và vùng giáp ranh giữa hai huyện Đô Lương - Anh Sơn. Bên cạnh một số hộ gia đình viện lý do cải tạo vườn để cho khai thác đất san lấp mà một số địa phương chưa quản lý được. Ngoài ra, ở những thời điểm ở một số địa bàn vẫn xảy ra tình trạng khai thác thiếc, đá trắng, đá cảnh… trái phép.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm các quy định của UBND tỉnh, nhất là quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Ngoài giải pháp về pháp luật, đề nghị Tỉnh ủy cần ban hành chỉ thị tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó cần gắn trách nhiệm với người đứng đầu cấp ủy các cấp trong quản lý khoáng sản.
*Tạo sự thống nhất, đồng bộ trong các quy định pháp luật
Tiến sỹ Lê Ái Thụ - Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam trao đổi:Liên quan đến khoáng sản và quản lý khoáng sản, hiện có cả hệ thống pháp luật quy định, từ các Luật Khoáng sán, đất đai, bảo vệ môi trường… do Quốc hội ban hành; đến các nghị định, quyết định của Chính phủ và văn bản các bộ, ngành Trung ương và của địa phương.
Luật Khoáng sản quy định, các doanh nghiệp phải thực hiện đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản; bên cạnh đó Luật Đất đai quy định doanh nghiệp phải thực hiện thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với chủ sử dụng đất để thực hiện dự án mà không có sự hỗ trợ của Nhà nước với người dân. Nghĩa là doanh nghiệp phải chịu 2 lần phí để có dự án đầu tư khai thác. Hay quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM, theo Luật Khoáng sản đã được thẩm định trong báo cáo dự án đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường cũng có quy định này và buộc các dự án tiếp tục làm ĐTM. Mặt khác, đối với dự án khoáng sản hiện đang chịu sự quản ký nhà nước của nhiều ngành, từ ngành Tài nguyên - Môi trường, Công Thương, Xây dựng…, ngành nào cũng có thể thanh tra, kiểm tra được.
* Kiến nghị xem xét thấu đáo các khoản thuế phí cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đức Tuyến - Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB TP Vinh cho rằng, việc tổ chức đoàn kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng là cần thiết. Việc kiểm tra cần hướng tới mục tiêu các sở, ngành khuyến cáo, nhắc nhở, hỗ trợ doanh nghiệp chấn chỉnh những tồn tại, chứ không chỉ nhằm phát hiện những thiếu sót (bao gồm cả những yếu tố không do chủ quan) để xử phạt . Bản thân các doanh nghiệp khai khoáng đá phải chi phí thuế, phí quá nhiều. Điển hình như, thuế môi trường, thuế VAT, tiền thuê đất, quỹ trồng rừng, tiền cấp quyền…
Video ý kiến ông Nguyễn Đức Tuyến. |
Nếu như trước năm 2013, Nghệ An có trên 158 doanh nghiệp hoạt động khai thác mỏ thì hiện nay chưa đầy 50 doanh nghiệp. Nguyên nhân là do Nhà nước siết chặt quản lý khai khoáng, đồng thời nhiều doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu, sản xuất thua lỗ, thuế, phí cao… Đặc biệt, trong khai thác đá, nếu xét đúng là phí cấp quyền doanh nghiệp phải bỏ ra trong trường hợp Nhà nước thăm dò, đánh giá trữ lượng mỏ rồi cấp quyền cho doanh nghiệp. Thế nhưng lâu nay, doanh nghiệp đang phải chi phí về thăm dò, đánh giá tác động môi trường… và chịu cả chi phí cấp quyền. Như vậy là chưa thỏa đáng cần xem xét thấu đáo hơn.
Nguyên Nguyên(Ghi)
*Đề xuất điều tiếtkinhphíbảo đảm liên quankhai thác khoáng sản cho địa phương
Qua trao đổi, ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quỳ Hợp đề xuất:Quỳ Hợp là huyện trọng điểm về hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Trên địa bàn hiện có 74 điểm mỏ đang hoạt động; 78 điểm đã đóng cửa mỏ và gần 180 cơ sở chế biến khoáng sản. Bên cạnh đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều lao động địa phương thì hệ lụy về môi trường, nhất là thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân; hạ tầng giao thông cũng bị tác động nặng nề bởi hoạt động vận chuyển khoáng sản.
Để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý về hoat động khoáng sản và công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện, đề nghị tỉnh điều tiết nguồn thu phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo Nghị định số 164/2016/NĐ-CP và điều tiết nguồn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Mai Hoa (Ghi)
* Xe trọng tải lớn của doanh nghiệp làm hư hỏng đường
Ông Lô Văn Nhạc, bản Khục, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp phản ánh: Tuyến Tỉnh lộ 532 chạy qua địa bàn của bản khoảng 2km đã bị xe trọng tải lớn của doanh nghiệp khai thác mỏ làm hưng hỏng trầm trọng. Mùa nắng thì bụi bặm, mùa mưa ngập úng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Qua phản ánh, doanh nghiệp rải đá, nhưng xe trọng tải đi lại được, còn người dân vẫn gặp nhiều khó khăn.
Video ý kiến phản ánh của ông Lô Văn Nhạc. |
* Cần phối hợp với cấp xã để kiểm soát hoạt động khai thác mỏ
Ông Lang văn Hạnh - Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp cho biết: Trên địa bàn xã có 11 doanh nghiệp khai thác mỏ. Quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước thì thẩm quyền cấp xã ít, nên tiếng nói của xã trong lĩnh vực này còn bất cập.
Video ý kiến ông Lang Văn Hạnh. |
Thứ hai, bản thân cán bộ địa chính của xã cũng có những hạn chế. Thứ ba, một số doanh nghiệp khai thác chưa phối hợp với xã và chưa thực hiện nghiêm các quy trình khai thác theo quy định của Nhà nước. Thứ tư, còn thiếu sự phối hợp của các sở, ngành đối với cấp xã nhịp nhàng; ví dụ như việc họ thành lập đoàn kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn nhưng không thông báo với xã…