Chiều 20/7, Tổ thảo luận số 2 gồm đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII đến từ các huyện: Đô Lương, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai. Tham dự có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan. Ông Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ làm Tổ trưởng.
Rườm rà khâu chi trả tiền bồi dưỡng
Phản ánh nội dung này, bà Phạm Thị Thanh Thủy, đại biểu thị xã Thái Hòa nêu các bất cập trong các bước thực hiện chi trả chế độ bồi dưỡng cho những người hoạt động không chuyên trách ở xóm, khối, bản. Theo đó, các xóm, khối, bản được hỗ trợ 23 - 25 triệu đồng/năm để chi trả cho những người hoạt động không chuyên trách. Tuy nhiên, trước đây chia đều theo phụ cấp hàng tháng mỗi người được khoảng 400 ngàn đồng.
Nhưng hiện nay, những người hoạt động không chuyên trách như: bí thư đoàn, hội viên hội phụ nữ… chỉ được nhận tiền bồi dưỡng khi có tham gia các hoạt động tập thể tại khối, xóm. Và để được hưởng hỗ trợ đó thì khối, xóm, bản phải có dự toán chi tiêu; bí thư, xóm trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận phải trực tiếp theo dõi, chấm công, rồi duyệt chi thì mới được chi trả.
Bà Thanh Thủy cho biết, cử tri nhiều xóm, khối, bản phản ánh thủ tục như vậy là quá rườm rà, mất thời gian, làm giảm tính khuyến khích tham gia hoạt động đoàn thể ở khối, xóm, bản. Vì vậy, cần đề nghị cần sửa đổi, giảm các khâu rườm rà trong quy định chi trả chế độ này.
Đại biểu Ngọc Kim Nam, đơn vị huyện Đô Lương cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy và đề nghị có sự điều chỉnh hợp lý hơn.
Trả lời ý kiến về nội dung này, ông Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, đối với quy định về chế độ, phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách trước đây được UBND tỉnh hỗ trợ hàng tháng, nhưng hiện nay chính sách của Trung ương không có quy định này. Thay vào đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/NĐ-CP, trong đó quy định những người hoạt động không chuyên trách ở khối, xóm, bản là bí thư, xóm trưởng và trưởng ban công tác Mặt trận được hưởng phụ cấp hàng tháng. Những người còn lại chỉ được hưởng tiền bồi dưỡng khi phát sinh nhiệm vụ, và tiền đó nằm trong khuôn khổ nguồn quỹ hợp pháp của địa phương, ngân sách không chi trả.
Vì vậy, HĐND tỉnh đã khoán mức hỗ trợ chung từ 23 - 25 triệu đồng/thôn, xóm, bản/năm. Còn với các quy định về hướng dẫn chi trả tiền bồi dưỡng này (Quyết định 14), ông Lê Đình Lý mong các địa phương tiếp tục theo dõi, thực hiện và có thời gian kiểm chứng thêm. Nếu thực sự bất cập Sở Nội vụ sẽ tiếp thu và tham mưu điều chỉnh, giúp hoàn thiện chính sách.
Các đại biểu Tổ thảo luận số 2 cũng đề nghị khôi phục chức danh cán bộ thú y cấp xã, bởi tuy mới thực hiện xóa bỏ được khoảng 6 tháng nhưng đã cho thấy những bất cập ở cơ sở.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy cho biết, cấp cơ sở khi không còn cán bộ thú y nên công tác chăm sóc về lĩnh vực này hầu như bị bỏ ngỏ, cơ sở không nắm được tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để có biện pháp phòng, chống kịp thời, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi.
Cũng cho ý kiến về bất cập này, ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, việc bãi bỏ chức danh cán bộ thú y tuy có giảm ngân sách nhưng lại gây bất lợi cho công tác phòng chống dịch. Trong khi đó, đối với dịch bệnh thì cán bộ thú y xã là lực lượng sâu sát có thể phát hiện sớm nhất, báo sớm nhất để kịp thời phòng, chống dịch.
Trả lời vấn đề đại biểu nêu, ông Lê Đình Lý cho biết, sau khi cắt giảm chức danh này thì nhiệm vụ về phòng, chống dịch ở cấp cơ sở sẽ được đảm nhận bởi hệ thống dịch vụ công hoặc dịch vụ tư nhân, UBND cấp xã chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước. Nhất là sau khi hoàn thành sáp nhập các trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật và một số đơn vị khác. Thậm chí nếu cần thì Nhà nước sẽ đặt hàng trong trường hợp cần thiết. “Nghị quyết này mới chỉ ban hành hơn nửa năm, cần có thời gian để kiểm chứng tính phù hợp và để theo dõi thêm để có giải pháp tháo gỡ hiệu quả. Sở Nội vụ tiếp thu và sẽ theo dõi để tham mưu giải quyết” - ông Lê Đình Lý nói.
Đại biểu Ngọc Kim Nam phản ánh thêm việc việc thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật cần có giải pháp xử lý bền vững, tránh gây ô nhiễm môi trường; bất cập tình trạng thiếu quỹ đất san lấp mặt bằng các dự án đầu tư; việc quản lý sử dụng đất của các ban quản lý rừng cần chấn chỉnh, nhất là việc cho thuê đất.
Về các vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi cục Bảo vệ môi trường cũng đã nêu các ý kiến giải trình, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ.
Buổi thảo luận Tổ 2 có 16 ý kiến tham gia phát biểu, ông Lê Đình Lý - Tổ trưởng xin tiếp thu và sẽ gửi tới gửi tới HĐND tỉnh trong phiên làm việc tiếp theo.