Về lý thuyết, sau 1 trận đấu, cả U23 Việt Nam lẫn U23 Myanmar đang ngang bằng nhau về các chỉ số (1 trận thắng, 3 điểm, hiệu số +1). Nhưng trên thực tế, có vẻ như đối thủ trong “trận chung kết” bảng I của U23 Việt Nam vừa không quá mạnh để Văn Xuân và đồng đội phải e dè, vừa phải lưu ý một chi tiết nhỏ rằng, cả 2 đối thủ đều ghi được bàn thắng duy nhất ở những phút cuối trận (U23 Myanmar ghi bàn ở phút 80, U23 Việt Nam ghi bàn ở phút thứ 82) phải chăng đều đang dấu bài và tất nhiên cẩn trọng không bao giờ thừa?
Dễ thấy U23 Myanmar là đội bóng có tốc độ, có sức mạnh và độ hiểm hóc đáng kể. Đội bóng này đa dạng trong tấn công, thuần thục cả tấn công biên lẫn trung lộ, rất tích cực sút xa. Tiền đạo Naing Tun có sức rướn rất tốt và nếu may mắn cầu thủ này đã ghi bàn mở tỷ số từ phút 40. Không những thế, người ghi bàn thắng cho U23 Myanmar là người đá cặp Aung Kaung ở phút 80 cũng là chân sút cực nhanh khi đón bóng ở trong vòng cấm từ một cú căng ngang của đồng đội. Đây là bộ đôi tấn công mà hàng phòng ngự của U23 Việt Nam phải hết sức chú ý trong suốt trận đấu tới.
Có thể do thất bại ở trận ra quân đã khiến U23 Đài Bắc Trung Hoa rút được nhiều bài học kinh nghiệm, nhất là việc phòng ngự co cụm vẫn không đạt được kết quả mong muốn, nên trong trận cuối đội bóng này nhiều lúc dâng cao sẵn sàng đôi công với đối thủ. Có vài ba tình huống thuận lợi nhưng các chân sút U23 Đài Bắc Trung Hoa chưa đủ tốt để có thể ghi được bàn thắng. Điều này cho thấy có thể U23 Myanmar tổ chức phòng ngự nhiều sơ hở và U23 Việt Nam cần mạnh dạn tấn công, áp đặt thế trận và chủ động phòng ngự từ xa. U23 Myanmar còn giấu bài hay thực tế chỉ đến vậy là điều ông Park Hang - seo phải sớm xác định để có bài vở thích hợp khi đối đầu trong trận tới.
Chắc chắn, U23 Việt Nam phải tập trung đạt mục tiêu cao nhất là một trận thắng để giành ngôi đầu bảng I, lấy vé trực tiếp vào chung kết. Việc HLV trưởng người Đức, ông Popov không được trực tiếp chỉ đạo trên sân do bị thẻ đỏ trận trước có thể là một lợi thế cho U23 Việt Nam, nhất là việc đọc tình huống trên sân để xử lý mau lẹ. Ngược lại có thông tin cho rằng, một trợ lý của ông Popov cũng từng làm trợ lý cho ông Park, nghĩa là 2 bên sẽ không lạ gì nhau nên U23 Việt Nam chưa chắc đã có lợi thế từ đó. Vậy là muốn chủ động mọi việc, ông Park phải thực sự cao tay trong ván cờ này, nghĩa là phải khiến đối thủ bất ngờ với những bài vở lạ, mới và hiệu quả hơn. Đối thủ hẳn biết U23 Việt Nam tấn công biên với đôi cánh nào, hướng tới đâu, tấn công áp đặt với ngòi nổ nào để tìm cách “khóa” từ xa? Họ cũng biết việc U23 Việt Nam còn chuyền lỗi, chuyền sai và sẵn sàng phản công khi cơ hội mở ra?
Tất nhiên, đội bóng nào giải phóng được sức ì, tâm lý căng cứng thì nhập cuộc và vận hành trơn tru, thuận lợi hơn. Nếu không, thế trận giằng co kéo dài và 2 bên có kết quả chấp nhận được là một trận hòa, kéo nhau về loạt đá luân lưu chọn đội đầu bảng, rồi cả 2 vui vẻ đi tiếp vào vòng chung kết.
Nhưng đó là điều không ai mong muốn và không nên lựa chọn giải pháp này ở một giải bóng đá trẻ. Bởi sự tính toán của người lớn, vì thành tích sẽ khiến những tài năng trẻ sớm thui chột, thiếu cố gắng, được trước nhưng mất sau, thậm chí mất lâu dài. Với bóng đá trẻ, nhiều khi một trận thua, một giải đấu thua lại thu được một “kho vàng” bài học, kinh nghiệm quý hơn vàng.
Tốt nhất, trận đấu U23 Việt Nam và U23 Myanmar là một trận chung kết bảng thực sự, đội nào thắng thì đi tiếp, thua sẽ bị loại mà không phải chờ vé từ đội nhì có thành tích tốt nhất. Một đội bóng không thực sự tốt, lọt vào vòng chung kết rồi bị loại sớm thực chất không học hỏi được gì để tiến bộ, mà có thể bị cùn mằn đi vì choáng ngợp, vì mất niềm tin ở chính mình.
Mong chờ U23 Việt Nam chiến thắng bằng con đường sáng nhất trên cơ sở quyết tâm cao nhất, ý chí cao nhất và thể hiện tốt nhất năng lực chuyên môn của từng tuyển thủ bằng “cổng chính”, mà không phải bằng toan tính từ các ngóc ngách không chính đáng nào!