Trước SEA Games 2015, khi đá giao hữu trên sân Mỹ Đình, U23 Việt Namtung hết binh lực để thắng dễ một đội bóng giấu bài và sức mạnh thật sự của họ chỉ được tung ra ở trận đấu chính thức ít lâu sau đó. Kết quả là U23 Việt Nam lấm lưng, trắng bụng và rời giải. Chưa kể sau đó tại AFF Cup 2018, ĐT Việt Nam dưới tay ông Park cũng chỉ cầm hòa đội tuyển Myanmar…
Rõ ràng, dù ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam gần đây đạt được nhiều kết quả ở khu vực và châu lục thì mỗi lần gặp Myanmar là một lần đáng nói và đáng nhớ. Với lứa U23 lần này, khả năng gặp “rắc rối” với U23 Myanmar càng dễ xảy ra hơn khi chúng ta không hiểu đối thủ, không được cọ xát nhiều và trận gặp họ lại là trận then chốt, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra với bóng đá trẻ?
Trong quá khứ, bóng đá Myanmar có những lò đào tạo tốt, có HLV và chuyên gia nước ngoài, cầu thủ các thế hệ của họ dồi dào thể lực, sẵn sàng chơi rắn và đặc biệt họ khá già rơ, thăng hoa mỗi khi thi đấu với cầu thủ Việt Nam. Lứa cầu thủ U23 Việt Nam lần này, số đông là sản phẩm của lò đào tạo Hà Nội FC và Viettel, không xuất sắc về kỹ thuật như lò HAGL, cũng không rắn như lò SLNA mà khá hài hòa giữa thể lực, thể hình và kỹ chiến thuật. Một số cầu thủ trẻ của lò Hà Nội FC được thi đấu, tập huấn nước ngoài khá nhiều, nhưng số còn lại thì rất hạn chế bởi chỉ thi đấu giải trẻ trong nước, giải hạng Nhất và số ít ở V. League.
Điều mừng nhất từ lứa U23 là thể hình không thua kém đối thủ trong khu vực, thể lực dưới thời ông Park được nâng cao rõ rệt, nhưng tính đột biến trong lối chơi chưa thể bì được với các lứa trước hồi Thường Châu hay hồi SEA Games 2019. Chưa kể với một đối thủ dưới tầm như U23 Đài Bắc Trung Hoa mà phải đến hơn 80 phút với đủ bài vở mới hạ gục được đối thủ thì không lo ngại mới là lạ?
Hậu vệ, tiền vệ luôn chuyền sai, đang tấn công không kịp phòng ngự thì ai cũng hiểu điều gì sẽ xảy ra, nếu đối thủ là U23 Myanmar chẳng hạn? Vì thế, những cầu thủ được tin tưởng trước khi vòng loại diễn ra như Quang Vinh, Xuân Quyết, thậm chí Hữu Thắng sẽ phải có nhiều cố gắng, quyết tâm cao hơn, nếu muốn thể hiện đúng và tốt năng lực thực sự của mình. Với việc thử kêu, bắn tịt như Xuân Tú chẳng hạn, ông Park hẳn sẽ phải đau đầu với bài toán tấn công, khi đối thủ không khó để bắt bài U23 Việt Nam.
Cũng khá đáng lo là các bài tẩy trong tay ông Park sau trận đấu nhọc nhằn, tung hết sức đầu tiên với U23 Đài Bắc Trung Hoa, thực ra không còn nhiều? Bởi vậy, hy vọng trong tình thế đối đầu, không còn gì để mất, mọi tiềm năng của cầu thủ sẽ có dịp phát lộ.
Với chiến thắng sát nút 1-0 vừa qua, “cửa về nhì” khi tính hiệu số bàn thắng bại của U23 Việt Nam sẽ thấp và không nhiều lợi thế, vì vậy chỉ có cửa thắng U23 Myanmar mới “sáng nước” nhất để lọt thẳng vào vòng chung kết. Đó lại là con đường khó, thậm chí rất khó nếu U23 Việt Nam không vượt nổi một đối thủ khó nhằn trong khu vực, dù đó không phải là Thái Lan, Malaysia hay Indonesia mà lại là Myanmar?
Bóng đá Việt đang đi đúng hướng, không hy vọng ở ĐT Việt Nam lọt vào World Cup 2022 mà là hy vọng cho kỳ World Cup tới, 2026 khi số đội tham gia nâng lên từ 32 lên 48 đội? Trọng trách đặt lên vai chính lứa cầu thủ U23 hiện nay nên việc họ thi đấu như thế nào ở vòng loại bảng I này, cao hơn là ở VCK sắp tới sẽ là câu trả lời chính xác nhất?
Nếu nhìn vào kết quả trận đầu tiên, sự lo ngại bắt đầu lộ ra? Không thể nói ông Park đang giấu bài trước đối thủ khó nhằn? Cũng không thể đổ hết cho yếu tố tâm lý, mặt sân hay một khó khăn khách quan nào đó?
Thành công hôm qua là thuận lợi cho hôm nay, nhưng không chỉ có thế, điều đó cũng trực tiếp tạo khó khăn cho chính mình khi đối thủ không bất ngờ nữa, không bị động nữa và đã có thời gian để đọc hết mọi bài vở của “phù thủy” Park?
Điều đó đòi hỏi ông Park phải liên tục làm mới mình, làm mới lực lượng? Nhưng liệu ông có làm tốt không, có đủ thời gian vật chất không thì không ai có thể trả lời, ngoài thực tế sân cỏ?
Nhiều người lo cho U23 Việt Nam là vì thế?