Tất nhiên, “phù thủy” HLV Park Hang-seo có đủ mọi quân bài và mưu lược để phá vỡ thế giằng co khó chịu đó sau mọi toan tính ở hiệp 1 không đi tới kết quả, nhất là các tình huống tạt bóng hay đá phạt của Văn Xuân từ cánh trái nhưng Xuân Tú không thể kết thúc hoặc Văn Đạt thiếu may mắn khi đánh đầu dội xà.
Ông Park cũng nhận thấy có thể sự căng cứng và bất ngờ khi đối thủ co cụm nhiều tầng khiến các cầu thủ chuyền sai, chuyền lỗi, gián tiếp đánh mất thế trận. May mắn là đối thủ vừa dành sự tôn trọng rất lớn, lại không đủ cơ số tấn công và năng lực chỉ có vậy nên vài ba đợt phản công của họ không thể làm khó hàng thủ U23 Việt Nam.
Bộ đôi Xuân Tú - Văn Đạt được giao nhiệm vụ đột kích, chơi cao nhất trên hàng công nhưng sau những phút đầu có cơ hội, họ dần trở nên “đói” bóng, buộc Văn Đạt phải lùi sâu. Trong khi đó, Xuân Quyết có dịp dâng cao và Hữu Thắng lại lùi về như một tiền vệ mỏ neo, làm bóng từ xa với những đường chuyền có điểm rơi như sở trường. Ông Park xáo đội hình liên tục, vẻ như hướng tới sự rối loạn từ đối thủ nhưng điều đó đã không xảy ra, buộc ông phải thay đổi, làm mới và tung “bài tẩy” của mình vào sân. Đó là sự xuất hiện của Hai Long trong khoảng 30 phút cuối hiệp 2 và ông được đền đáp khi trận đấu đi vào những phút cuối.
Không chỉ là những cú leo biên, tạt bóng từ 2 cánh, kể từ khi Hai Long vào sân, U23 Việt Nam tăng cường nhịp điệu luân chuyển bóng, chơi bóng sệt, nhỏ và ngắn, đánh trực diện từ trung lộ, chọc khe lẫn xuống biên. Đối thủ đã không thể “đọc” được các tình huống xử lý khéo léo và chuyền bóng lợi hại của Hai Long, cũng không thể ngờ vì sao một cầu thủ vốn làm ngòi nổ như Văn Xuân lại có thể là “sát thủ vòng cấm” như từ dưới đất ngoi lên của Văn Xuân để rồi phải chấp nhận một thất bại rõ ràng.
Theo dõi những trận đấu gần nhất của U23 Việt Nam, dù tính chất giao hữu và giải chính thức luôn khác nhau, có thể thấy phần nào lối chơi, cách vận hành, năng lực của từng cầu thủ đang hiện rõ… Các đối thủ của U23 Việt Nam gần như không khó để từng bước nắm bắt mọi bài vở của ông Park Hang-seo, kể cả đối thủ yếu như U23 Đài Bắc Trung Hoa.
Để thấy và nhớ lại rằng, Xuân Tú, Văn Đạt có thể chơi hay, phát huy tốt khi có không gian xử lý, còn nếu đối thủ co cụm số đông, phải chơi quay mặt về khung thành đối phương thì mọi việc rất khó khăn. Hữu Thắng xuống phong độ gần đây là một câu hỏi, nhưng nếu anh chơi thấp, chậm như hiện nay thì thiếu hẳn sự sáng tạo hay đột biến cần thiết. Điều đó đang thấy ở Hai Long nhưng nếu tới đây đối thủ “bắt bài” thì ai sẽ là nét mới, bất ngờ khác cho đối thủ vẫn còn bỏ ngỏ?
Trận đấu tới đây gặp U23 Myanmar, đội quân của ông Park có lợi thế được nghỉ dài ngày hơn, lại được “tọa sơn quan hổ đấu” xem giò, xem cẳng đối thủ để bài binh bố trận kỹ lưỡng hơn. Nhưng việc nghỉ dài cũng lại là con dao 2 lưỡi, trong khi đối thủ Myanmar không hề dễ chơi, nếu không nói là xương xẩu. Vì vậy, từ thực tiễn được và chưa được của trận đấu gặp U23 Đài Bắc Trung Hoa, hẳn ông Park phải thay đổi linh hoạt, tạo bất ngờ cho đối thủ ngay từ pha bóng tấn công đầu tiên?
Trong tay ông Park Hang-seo vẫn còn một số quân bài và cách đánh đang ém sẵn. Đội trưởng Văn Tới chưa ra sân, cũng chưa phải dùng Mạnh Dũng như một tiền đạo thực thụ, Hoàng Anh chưa có những cú sút xa sở trường, Sỹ Hoàng chưa có những cú tạt hoặc chuyền sệt tốt nhất có thể…
Trận ra quân bỡ ngỡ, sai sót là chuyện bình thường. Không riêng U23 Việt Nam mà lần này những U23 UAE hay Thái Lan, Singapore… đều như thế cả, bởi đó là bóng đá trẻ, điều gì cũng có thể xảy ra. Bởi vậy, những gì thể hiện ở trận đầu, rất có thể sẽ được khắc phục và phát huy ở ngay trận sau để mọi việc đi đúng hướng.
Đường còn dài, càng vào sâu càng cheo leo hơn, vì thế đừng vội phê phán khi thấy một ai đó chưa vào sân hoặc thi đấu chưa tốt rồi bi quan, giảm niềm tin. Càng không nên so sánh giữa các lứa U23 vì bóng đá đào tạo cầu thủ không phải là “đúc khuôn” hàng loạt, chất lượng sản phẩm như nhau, mà mỗi lứa, mỗi lò đều có những phẩm chất riêng để phát triển. Hãy kiên nhẫn và hy vọng ở Văn Xuân, Hai Long và đồng đội khi “đầu đã xuôi”, khi các giải đấu lớn đang chờ ở phía trước.