Phần lớn khán giả hâm mộ không nghe thấy những gì cầu thủ “hô”, chỉ biết khi báo chí ghi lại hoặc thông tin từ cầu thủ lọt ra. Nói chung đó là những “khẩu hiệu” quen thuộc hoặc những biểu thị riêng có nào đó của một tập thể, chẳng hạn như từ “chiến”, từ “thắng”, quen đến nỗi nhiều người không mấy quan tâm, vì chuyện đó vẫn thường diễn ra lâu nay.
Nhưng nếu để ý, gần đây chuyện này có những nét mới lạ, nhất là trong nội dung thông tin mà cầu thủ “hô” lên, chẳng hạn như nội dung được phát đi từ ĐT Futsal Việt Nam tại vòng chung kết FIFA Futsal World Cup 2020 vừa qua. Đó là “Vì người hâm mộ-vì gia đình-Việt Nam!”.
“Vì người hâm mộ” là nội dung mang tính bắt buộc, truyền thống, dường như bất cứ cầu thủ nào cũng hiểu và thực thi từ trái tim mình. Nhưng “vì gia đình” là nội dung hoàn toàn mới mẻ, mang tính cá nhân, tại sao lại được “hô” lên công khai lúc này bên cạnh 2 nội dung lớn “Việt Nam” và “người hâm mộ”?
Rõ ràng, trong nhận thức của từng cầu thủ cũng như đông đảo người hâm mộ đã có sự đổi mới theo hướng thiết thực hơn, rõ ràng hơn, không hô hào chung chung như trước. Thử hỏi, nếu chỉ phục vụ người hâm mộ một cách chung chung thì ai sẽ là người cống hiến hết mình vì cái chung, vì tập thể? Có thể có một hoặc nhiều người, nhưng liệu điều đó có bền vững lâu dài?
Nhưng nếu cầu thủ và cả tập thể, cũng như người hâm mộ đều ý thức rõ ràng rằng, lợi ích, thành tích của tập thể chỉ có được trên cơ sở lợi ích và thành tích từng cá nhân được đảm bảo hài hòa, được phát huy đồng bộ thì mới bền vững, ổn định và phát triển. Mỗi cầu thủ đều ý thức và hành động đúng thì được hưởng thành quả xứng đáng, trong đó dành cho cá nhân mình, gia đình mình là rất quan trọng. Cá nhân và gia đình ổn định, hạnh phúc thì cầu thủ mới yên tâm cống hiến và ngược lại.
Đội tuyển futsal Việt Nam 2 lần dự World Cup, cả 2 lần đều vượt qua vòng loại đem lại niềm tự hào lớn lao cho bóng đá Việt trên trường quốc tế. Ở đây câu chuyện chuyên môn phát triển vượt bậc đi liền với nhận thức và hành động của cả đội và từng tuyển thủ, từ nhiều góc độ khác nhau, trong đó phải kể đến nhận thức mới mẻ “vì gia đình” nói trên. Đó quả là điều rất đáng suy nghĩ cho không chỉ các cầu thủ - vận động viên.
Gần đây, ở ĐT Việt Nam giai đoạn bắt đầu vòng loại thứ 3 World Cup 2022 mới đây, sự vắng mặt của Công Phượng vì lý do gia đình cũng xuất hiện nhiều luồng dư luận khác nhau. Có người đặt câu hỏi về “trách nhiệm và nghĩa vụ” của một tuyển thủ quốc gia khi ĐT Việt Nam phải đối đầu với những đối thủ đẳng cấp, tại sao một ngôi sao lại thản nhiên vắng mặt, vì một lý do rất cá nhân?
Nhưng đối với Công Phượng cũng như bất kỳ ai, như chính các tuyển thủ futsal đã thể hiện, “vì gia đình” là câu chuyện sát sườn, cần tôn trọng nguyện vọng cá nhân của từng người, nhất là hạnh phúc cá nhân trong từng thời điểm cụ thể. Sự nghiệp cầu thủ là một câu chuyện dài, vắng mặt ở một hai hoặc nhiều trận đấu của đội tuyển là chuyện bình thường, có người thay thế hoặc đội bóng chấp nhận thiếu khuyết bình thường đó.
Vắng mặt hay không thể vào sân cũng như nhiều lý do khác là chuyện thường ngày trong bóng đá. Nhiều khi thắng thua không phải là điều quan trọng nhất, mà là văn minh, văn hóa, là tình người đọng lại, còn lại sau khi mỗi trận đấu, giải đấu qua đi.
ĐT Việt Nam hay U23 Việt Nam lâu nay luôn là một tập thể gắn kết, hòa thuận, bảo ban nhau, tạo nên sức mạnh lớn lao để liên tiếp đem về những thành quả đáng tự hào. Trong nhiều nguyên nhân, hẳn có nguyên nhân từ yếu tố “gia đình lớn” của "bố Park" và các con - các tuyển thủ.
Ở gia đình riêng, các tuyển thủ được quan tâm, chăm lo đầy đủ như câu chuyện với Công Phượng có mặt bên vợ trong phút giây “vượt cạn”, hay lần ông Park tới thăm vợ chồng Văn Đức ở Vinh. Ở gia đình chung, họ lại càng gắn bó hơn, trách nhiệm hơn “vì người hâm mộ”, vì vinh quang trong thể thao của đất Việt…
Chuyện mới, tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ trong đời sống thể thao hiện nay, chuyện “vì gia đình” là như vậy đó!