(Baonghean) - Theo tinh thần Chỉ thị 27 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, tuyên truyền miệng là một trong những kênh thông tin quan trọng, chính thống, không thể thay thế. Trong thực tế, biết sử dụng biện pháp tuyên truyền miệng cũng giống như biết sử dụng chìa khóa để mở ra hoặc khép lại những “cánh cửa thông tin”, phục vụ đắc lực cho việc giải quyết các vấn đề nổi cộm trong đời sống.

Sức thuyết phục
 
Vào năm 2012, vì một số lý do, một bộ phận người dân khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ ở xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) bỏ quê mới, quay về quê cũ (ở Tương Dương) làm ăn, trong đó có 41 hộ bán nhà. Điều đó tác động nặng nề đến tư tưởng “an cư” của gần 1300 hộ dân tái định cư nơi đây. Trước tình hình đó, Đảng ủy xã Ngọc Lâm phân công 14 đảng ủy viên xã về “cắm bản”. Qua quá trình sâu sát với dân, nhận ra một điều rằng, bản nào làm tốt công tác tuyên truyền vận động thì ở đó không có người dân bỏ về quê cũ, như các bản: Kim Liên, Tạ Xiêng, bản Mà, Xiềng Lằm, Nhạn Nhinh, bản Nòng, bản Lạp... Còn các bản Kim Hồng và Nhạn Mai do chưa tuyên truyền vận động tốt, người dân quay về quê cũ làm ăn. Trong đó, bản Kim Hồng có số lượng hộ dân bán nhà nhiều nhất: 38 hộ.
 
Tại Đại hội Chi bộ bản Kim Hồng tháng 8/2012, chị Lương Thị Liêm được bầu làm bí thư chi bộ, anh Quang Văn Hoàn được bầu làm trưởng bản. Ngay sau khi đảm nhiệm vị trí mới, chị Liêm và anh Hoàn đã đến từng nhà tích cực vận động, thuyết phục người dân điều hơn lẽ thiệt. Cùng với đó, mỗi đợt tiến hành giao đất, giao ruộng, trưởng bản Quang Văn Hoàn cùng đại diện chi hội nông dân trực tiếp lên Tương Dương để thông tin, tuyên truyền và vận động bà con về nhận ruộng, nhận đất ở khu tái định cư. Kết quả, từ năm 2012 đến nay bản Kim Hồng không còn tình trạng bán nhà, tình trạng người dân về lại Tương Dương giảm hẳn, nhiều người quay lại khu tái định cư làm ăn, sinh sống.
 
Gần đây, nạn đào đãi vàng thổ phỉ ở xã Cắm Muộn (Quế Phong) có dấu hiệu “rộ lên”. Trước tình hình đó, Đảng ủy xã Cắm Muộn đã giao cho công an xã, cán bộ văn hóa và các đoàn thể tổ chức lồng ghép tuyên truyền; tổ chức các cuộc đối thoại với dân. Ông Lô Minh Điệp – Bí thư Đảng ủy xã Cắm Muộn cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay xã Cắm Muộn đã tổ chức 6 cuộc đối thoại với người dân, trong đó có 3 cuộc đối thoại tại 3 bản Mồng (Mồng 1, Mồng 2 và Mồng 3), 3 bản Cắm (Cắm Nọc, Cắm Cạng và Cắm Pỏm). Tại các cuộc đối thoại này, người dân trên địa bàn đã phản ánh những tác hại, hệ lụy từ việc đào đãi vàng trái quy định; cán bộ đã xã giải đáp, tuyên truyền vận động người dân những hành vi vi phạm pháp luật, về những rủi ro tiềm ẩn của việc đào đãi vàng thổ phỉ trái phép. Từ đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân trong thực hiện các biện pháp mạnh nhằm dẹp bỏ tình trạng đào đãi vàng trái phép. Nhờ vậy, công tác bảo vệ an ninh trật tự tại xã Cắm Muộn được kiểm soát.
 
Là Chủ tịch Hội phụ nữ phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) - một địa bàn có trình độ dân trí cao, chị Nguyễn Thị Kim Huệ cho rằng làm tốt công tác tuyên truyền miệng là khâu then chốt để tập hợp, vận động hội viên. Thông tin trên các cơ quan báo chí, các trang mạng xã hội, các kênh truyền hình... rất phong phú và đa dạng. Nhưng điều mà cán bộ, hội viên cần là cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng. Đối với công tác hội cũng vậy, nhờ thông qua hình thức tuyên truyền miệng của các báo cáo viên, nên hội viên dễ nắm bắt các vấn đề về công tác hội, về các vấn đề kinh tế - văn hóa xã hội một cách thấu đáo. Hệ thống tuyên truyền miệng đã phát huy vai trò tích cực trong việc triển khai cung cấp những thông tin có tính chất nội bộ, đặc thù của phái nữ. Bên cạnh đó, định hướng tiếp nhận thông tin đối với các vấn đề phức tạp, nhạy cảm.
 
Hay như dịch sởi bùng phát ở bản Piêng Cọoc, xã Mai Sơn huyện Tương Dương vừa qua là một bài học về công tác tuyên truyền. Ông Và Xia Chò – Trưởng bản Piêng Coọc thấm thía: Do thiếu thông tin, thiếu kinh nghiệm, mất cảnh giác mà Piêng Coọc đã phải trả giá đắt. Không làm tốt công tác tuyên truyền nên bà con không có ý thức phòng chống dịch bệnh.
 
Khắc phục khó khăn
 
Qua tìm hiểu thực tế cơ sở cho thấy công tác tuyên truyền miệng gặp không ít khó khăn. Ông Lô Minh Điệp – Bí thư Đảng ủy xã Cắm Muộn (Quế Phong) thừa nhận chất lượng tuyên truyền miệng của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở vẫn còn nhiều bất cập. Mặc dù đã kiện toàn ban tuyên giáo cấp xã nhưng năng lực tiếp nhận, khả năng phân tích, tổng hợp, dự báo thông tin của cán bộ, đảng viên vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Kha Văn Điếm – Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tương Dương cho rằng địa hình phức tạp, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cũng là nguy cơ biến một số bộ phận dân cư ở vùng sâu, vùng xa trở thành những “ốc đảo” về thông tin, có nhiều hạn chế, cách biệt.
 
image_2284931.jpgGià làng Lương Phò Lang (phải) ở bản Huồi Lê, xã Keng Đu (Kỳ Sơn) tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con. Ảnh: Nguyên Khoa
 
Việc tổ chức các diễn đàn thực hiện nội dung tuyên truyền miệng, sinh hoạt cung cấp thông tin thời sự tại các đảng bộ và chi bộ nhiều nơi chưa được thực hiện đều đặn theo tháng, quý. Trong khi trình độ đảng viên, quần chúng nhân dân ngày càng cao, thì năng lực làm công tác tuyên truyền miệng của cán bộ, đảng viên lại có nhiều hạn chế, bất cập cả về cơ chế chính sách lẫn trách nhiệm, nghĩa vụ và năng lực đáp ứng yêu cầu công việc.  Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh các phương tiện cung cấp thông tin, đã làm giảm nhu cầu nghe thông tin tuyên truyền miệng trực tiếp của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
 
Để khắc phục những khó khăn, tăng cường công tác tuyên truyền miệng, thời gian qua việc kiện toàn lại đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã được các cấp ủy đảng quan tâm. Đến năm 2014, đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh là 60 đồng chí, cấp huyện là 587 đồng chí, cấp cơ sở là 2.424 đồng chí. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ban tuyên giáo (tuyên huấn) các cấp duy trì tổ chức hội nghị báo cáo viên định kỳ hàng tháng nhằm định hướng thông tin và cung cấp thông tin thời sự trong tỉnh, trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và đảng viên các cấp. Trong 6 tháng đầu năm, cấp tỉnh đã tổ chức được 7 kỳ hội nghị báo cáo cáo viên cho 640 lượt cán bộ tuyên giáo và báo cáo viên cấp tỉnh, huyện. Đến thời điểm này, tại 20/21 đơn vị cấp huyện, thành, thị đã xây dựng được câu lạc bộ nghe thời sự (95,23%). Trong đó, có những đơn vị như huyện Hưng Nguyên tổ chức được 3 câu lạc bộ nghe thời sự theo 3 vùng khác nhau.
 
Ông Phạm Văn Sơn – Trưởng phòng Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) nhấn mạnh: Tuyên truyền miệng là hoạt động hết sức quan trọng trong đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo phát huy tốt sức mạnh của hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ phát triển và hội nhập. Cấp ủy đảng nào quan tâm và thực hiện tốt công tác tuyên truyền miệng, thì ở đó hoàn thành tốt công việc, ít có vấn đề nổi cộm về công tác tư tưởng, việc đoàn kết, tập hợp, tổ chức cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân được rộng rãi và hiệu quả hơn.
 
Đức Dương