(Baonghean) - 10 năm chuyên trách văn hóa xã, anh Nguyễn Thương Mại (xã Khánh Sơn, Nam Đàn) luôn trăn trở tìm cách đưa thông tin, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến thật gần với dân, giúp họ hiểu và chấp hành tốt, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội xã nhà phát triển...

Tôi đến đài truyền  thanh của xã Khánh Sơn đúng thời điểm anh Mại cùng các anh chị em trong đài đang rà soát lần cuối thông tin trước khi phát lên hệ thống truyền thanh các xóm. Đã gần 12 giờ trưa mà chưa thấy ai vội vã về nhà. Anh Mại phân trần: “Sáng nay xã đồng loạt tổ chức ra quân làm thủy lợi; Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trung tâm Dân số/ Kế hoạch hóa gia đình  khám sức khỏe sinh sản cho chị em nên có rất nhiều thông tin phải thông báo kịp thời cho bà con... Người dân ở đây ngóng tin lắm”. Nói rồi, anh cất giọng đọc: “Sáng 16/10, mặc dù trời mưa to, song cán bộ và nhân dân đã tích cực tham gia phong trào làm giao thông thủy lợi. Đặc biệt xã biểu dương các đơn vị xóm 10 và xóm 17 thuộc HTX Khánh Sơn 2 đã tổ chức tốt với tỷ lệ các hộ tham gia trên 90%, khí thế rầm rộ, kết quả cao...”.

Đưa thông tin qua hệ thống truyền thanh của xã là cách làm hiệu quả được xã Khánh Sơn triển khai nhiều năm nay. Từ đây, các chính sách từ Trung ương, tỉnh, huyện đến xã được được truyền tải đến cho người dân kịp thời. Để có những thông tin hay, hấp dẫn người dân, cán bộ đài truyền thanh xã đã tìm tòi nhiều gương làm ăn điển hình, gương người tốt việc tốt, nhiều bài viết có ý nghĩa đăng trên các báo, tạp chí để đọc qua loa truyền thanh giúp bà con có thêm nhiều kinh nghiệm trong sản xuất cũng như nuôi dạy con cái. Xác định đây là một cách truyền thông có hiệu quả, nên xã Khánh Sơn vừa đầu tư hơn 400 triệu đồng để nâng cấp toàn bộ hệ thống loa truyền thanh xuống tất cả các xóm và buổi truyền thông về ra quân làm thủy lợi là “mở màn” đầu tiên cho hệ thống mới này. Anh Mại tâm sự: Để kịp chương trình, mặc dù đêm hôm trước mưa to nhưng mấy anh em vẫn quyết tâm làm, đến 9 giờ đêm thì hệ thống loa truyền thanh xuống các xóm đã thông. Mừng đến quên hết mệt nhọc...
 
images1071867_img_4365__1_.jpgAnh Nguyễn Thương Mại đọc bản tin tại đài truyền thanh của xã.
 
Đã 10 năm đảm nhiệm vai trò cán bộ chuyên trách văn hóa xã, vợ con anh Mại đã quen với việc “đi sớm về muộn”. Bản thân anh thì tự nhận mình là người “luôn tham công tiếc việc” và đã được giao việc gì thì “cũng cố gắng thêm một tý”. Có lẽ vì thế nên trong câu chuyện cởi mở với tôi, anh không giấu giếm chuyện mình trước đây mới chỉ học đến lớp 8, do theo bạn bè bỏ học sớm, sau này phải đi học bổ túc văn hóa. Rồi từ một cán bộ đoàn xóm, lên ủy viên ban chấp hành đoàn xã, rồi được cử sang làm chuyên trách văn hóa. Dù chỉ mới có bằng trung cấp ngành quản lý văn hóa, nhưng anh vẫn mạnh dạn tổ chức nhiều phong trào, thành lập câu lạc bộ ví dặm dân ca xứ Nghệ, tự tin đi “đem chuông đánh xứ người” nhiều nơi và giành được nhiều giải thưởng. Như ở Hội diễn Làng Sen của huyện, 5 năm trở lại đây, năm nào xã cũng “không nhất thì nhì”, rồi đi Hội diễn của cụm, của tỉnh, của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và đoạt giải 3. Mới đây nhất, đội văn nghệ quần chúng của xã đoạt giải nhất toàn huyện tại Hội thi Dân vận khéo, Hội thi Nhà nông đua tài. Nói về hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, anh chia sẻ: Ở nông thôn, người dân rất thích xem văn nghệ quần chúng. Do đó, chúng tôi đã cố gắng xây dựng nhiều kịch bản, nhiều chương trình, lồng ghép nhiều nội dung để tuyên truyền, giúp người dân biết thêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Như ở tiểu phẩm “Tôi hiểu ra rồi” tôi mới xây dựng, nội dung nói về chủ trương hiến đất mở đường, xây dựng nông thôn mới. Xem xong, ai cũng đồng tình, người dân thì thấm thía ra nhiều điều.
 
Ở địa bàn xã Khánh Sơn, một xã diện tích và dân số đông nhất huyện, với 29 xóm; có nhiều xóm mãi đến đầu năm 2014 này mới bắt đầu có điện thì để đưa chủ trương, chính sách đến với người dân không có cách nào hơn đó là “đa dạng hóa hình thức tuyên truyền”. Xác định rõ nhiệm vụ của mình nên từ khi được xã và người dân tin tưởng giao trọng trách anh chưa một ngày lơ là nhiệm vụ. Hiểu rõ đặc thù của người dân vùng 5 Nam còn nghèo, anh luôn nghĩ cách để làm sao tiết kiệm các khoản chi phí, hạn chế sự đóng góp của bà con. Đơn cử như việc nâng cấp hệ thống đài truyền thanh xã. Nếu như theo giá mời thầu của Hà Nội là  lên đến hơn 1 tỷ đồng, nhưng nhờ biết lập kế hoạch, chi tiêu hợp lý, vận dụng được sức lực và trí tuệ của bà con trong xã, anh và các anh em đã tiết kiệm được hơn một nửa mà vẫn đảm bảo chất lượng. Hay để xây dựng các chương trình tuyên truyền, anh đã  tham mưu phối hợp với các tổ chức đoàn thể hỗ trợ phần nào kinh phí. Anh Mại tâm sự: Trước đây làm cán bộ đoàn, 1 năm được 6 yến lúa vẫn vô tư, làm hăng say. Huống chi, giờ mình đã là công chức, được trả lương đầy đủ thì không có nghĩa nào lại lơ là công việc, lúc nào cũng phải làm tròn trách nhiệm.
 
Với sự đóng góp tích cực đó, chuyên trách văn hóa Nguyễn Thương Mại đã nhiều lần được biểu dương, khen thưởng trong công tác tuyên truyền, đưa văn hóa thông tin về cơ sở. Anh cho rằng, các phần thưởng chỉ là một phần, điều anh thấy ý nghĩa nhất đó là việc tuyên truyền, vận động của mình đã về được với bà con dưới cơ sở và được bà con đồng tình ủng hộ… 
                                                
Mỹ Hà