(Baonghean) - Tuyên truyền miệng là cách đơn giản nhất, trực tiếp nhất trong việc đưa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trực tiếp đến cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần xây dựng, củng cố sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Và người có điều kiện thuận lợi nhất để làm tốt công tác tuyên truyền miệng, không ai khác chính là đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Cho dù, ngành Tuyên giáo, ngành Dân vận… đều có một đội ngũ chuyên trách và bán chuyên trách về công tác này.
Sở dĩ nói như vậy là vì, đội ngũ cán bộ cơ sở là những người cận kề ngày đêm với đội ngũ đảng viên và quần chúng nhân dân sở tại. Vì thế, họ chính là những người nắm rõ nhất những diễn biến tư tưởng của người dân và nắm bắt tương đối đầy đủ và chuẩn xác là người dân đang nghĩ gì, cần gì và yêu cầu, đòi hỏi những gì. Nhờ hiểu sâu, hiểu rõ nên họ biết được là nên nói những gì và nên nói như thế nào để đạt được sức thuyết phục cao nhất. Hơn nữa, họ chính là cầu nối giữa Đảng với dân, giữa cơ sở với các cấp ở trên. Tất cả mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước muốn đến được với dân đều phải đi qua “cầu nối” này. Họ vừa là cầu nối nhưng vừa là đầu mối để triển khai ra cuộc sống tất cả những chủ trương, đường lối, chính sách đó.
Các chủ trương, chính sách dù hay, dù đúng đến mấy nhưng nếu không có họ đem ra nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm thì rất khó đạt được kết quả như mong muốn. Vì họ ở cùng với dân nên họ có thể tuyên truyền ở mọi nơi, mọi lúc. Trong các cuộc họp xóm thôn hay quanh ấm chè xanh, thậm chí là trong đám cưới, đám giỗ, họ cũng đều có thể khéo léo lồng vào đó những nội dung cần tuyên truyền. Và “mưa dầm thấm lâu” hiệu quả đạt được chắc chắn là sâu bền hơn tất cả các hình thức khác. Người ta có thể mới một chuyên gia về lĩnh vực này về nói chuyện. Người đó có thể nói rất hay, rất thuyết phục, làm cho mọi người rất thích thú. Nhưng dẫu hay đến mấy thì cũng chỉ được một vài ba buổi, xong rồi thôi. Sau đó, vài ba hôm, lâu hơn là dăm bữa, nửa tháng không chắc mọi người đã nhớ được đầy đủ những “lời hay, ý đẹp đó”.
Tuyên truyền miệng muốn cho dân hiểu, dân nhớ thì phải nói đi, nói lại nhiều lần. Giải thích cặn kẽ, kịp thời ngay khi dân cần, dân hỏi. Và chỉ đội ngũ cán bộ ở cở sở mơi đáp ứng được yêu cầu đó. Cho nên, đội ngũ cán bộ ở cơ sở bao gồm cán bộ cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể chính là lực lượng giữa vai trò nòng cốt trong lĩnh vực tuyên truyền miệng. Họ chính là những người làm tốt nhất việc truyền bá, giáo dục, giải thích nhằm chuyển biến và nâng cao về nhận thức; bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, xây dựng thành niềm tin; thúc đẩy mọi người hành động một cách tự giác, nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Vì thế, cần có cơ chế, chính sách để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của đội ngũ này trong công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở.
Phải đào tạo, bồi dưỡng họ trở thành những báo cáo viên, tuyên truyền viên chất lượng cao với các hoạt động tuyên truyền miệng ngày càng đa dạng, phong phú, có tính thời sự cao. Góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần độc lập dân tộc; động viên, cổ vũ nhân dân phát huy ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh; đảm bảo sự ổn định chính trị, tư tưởng ngay từ cơ sở, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Qua đó, góp phần tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân, sự thống nhất tư tưởng và hành động trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, đảm bảo cho các cấp uỷ phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.
Tóm lại, trong lĩnh vực tuyên truyền miệng, muốn đạt hiệu quả như mong muốn thì phải xác định đội ngũ cán bộ cơ sở là những người “cầm trịch”.
Duy Hương