(Baonghean) - Xã Cẩm Sơn mấy năm trước được xếp vào diện “thường thường bậc trung” của huyện Anh Sơn, nhưng thời gian gần đây, nhờ có những giải pháp chỉ đạo phát triển kinh tế hiệu quả như chủ trương dồn điền, đổi thửa, đã tạo được những chuyển biến tốt...  Chuyên mục “Trò chuyện cuối tuần” của Báo Nghệ An trao đổi với đồng chí Trần Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Sơn về những kinh nghiệm trong việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống trên địa bàn...
 
- Một trong những thành tích rõ nét nhất của xã Cẩm Sơn trong thời gian qua là đi đầu trong công tác dồn điền, đổi thửa và hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Xin đồng chí Bí thư cho biết, đâu là động lực để xã thực hiện tốt chủ trương này?
 
 - Có thể nói, từ thực tiễn nhận thức điều kiện xã còn nghèo, mức sống của người dân thấp, cùng với đó các phong trào phát triển hạn chế, cần trăn trở tìm hướng vươn lên là động lực đầu tiên cho Đảng bộ và nhân dân Cẩm Sơn. Chủ trương dồn diền, đổi thửa tiến lên sản xuất mới là động lực quan trọng đồng thời. Nói như vậy vì thực tế Cẩm Sơn là xã thuần nông, cơm ăn, áo mặc của nông dân đương nhiên chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Mà khi chưa thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, ruộng đất sản xuất của Cẩm Sơn manh mún, nhiều vùng, nhiều xứ đồng, rất khó khăn cho sản xuất của nhân dân trên địa bàn; nhất là diện tích ruộng 2 vụ lúa chủ yếu là ruộng bậc thang; đối với diện tích màu bãi, thì trải đều hai bên sông Lam, việc đi lại sản xuất, vận chuyển nông sản của nhân dân cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa bão…
 
- Vâng, thực trạng đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân tán trước chuyển đổi không phải chỉ có địa bàn Cẩm Sơn mà còn ở  nhiều nơi khác, nhưng trong khi một số nơi còn đang “loay hoay” dồn điền, đổi thửa, thì Cẩm Sơn đã  hoàn  thành trước 2 năm, với kết quả 81,5% số hộ nhận 1 thửa, 18,5% số hộ nhận 2 thửa và không có hộ 3 thửa… Vậy Đảng ủy xã xác định tư tưởng chỉ đạo, phương pháp thực hiện như nào?  
 
 - Chúng ta đều đồng ý rằng, chủ trương của Đảng muốn vào được cuộc sống trước hết phải thực hiện tốt công tác quán triệt cho bộ máy máy Đảng, chính quyền phải thông, rồi mới triển khai rộng ra toàn thể đảng viên và người dân. Một điều rất quan trọng cần lưu ý, đó là phải hiểu bản chất của chủ trương, sau đó mới nghiên cứu áp dụng thực tế trên địa bàn, không rập khuôn, máy móc. Đối với nghị quyết, chủ trương dồn điền, đổi thửa là một chủ trương lớn, một cuộc vận động sâu rộng liên quan trực tiếp, tác động tâm lý về quyền lợi của hầu hết người dân vùng nông thôn, do vậy phải thận trọng, cân nhắc, có bước đi phù hợp thực tiễn. Cẩm Sơn trước khi chuyển đổi cũng như bây giờ có 3 loại đất sản xuất: đất ruộng, đất màu bãi và đất cồn vệ; địa hình chia cắt, dân trú ngụ phân tán; do vậy, để người dân đồng thuận nhận một thửa trên một vùng đất trong điều kiện đất sản xuất có sự khác biệt về tích chất, đặc điểm là không dễ. Rõ ràng, tâm lý chung của người dân chỉ muốn nhận đất bãi màu thuận lợi thôi, chứ đất ruộng, đất cồn vệ không ai muốn nhận…
 
Vì thế, tư tưởng chỉ đạo của Đảng ủy xã xác định chuyển đổi ruộng đất chỉ là tiền đề, vấn đề quan trọng quyết định đến hiệu quả là phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, và Đảng ủy đã chỉ đạo liên tục các bước này để thuyết phục người dân. Sau chuyển đổi đất, Đảng ủy ra nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cho cán bộ đi tham quan học tập các mô hình phát triển sản xuất ở nhiều nơi, từ đó thống nhất phương án làm mô hình thí điểm, có cơ chế, chính sách phù hợp. Lúc đầu chỉ quy hoạch làm điểm 2 ha và chỉ trồng dưa đỏ, xã thành lập bộ phận chỉ đạo chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật, kết nối thị trường cho các hộ dân, đồng thời, bỏ kinh phí kéo điện, đào giếng ra đến chân ruộng. Và khi hiệu quả của cây dưa đỏ đã được khẳng định cao gấp 4 - 5 lần trồng ngô, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha rồi, thì xã chỉ cần định hướng quy hoạch vùng nào trồng cây gì, thời điểm nào, còn lại nhân dân họ tự đầu tư, mở rộng. Nhờ đó, Cẩm Sơn đã mở rộng trên diện tích đất bãi cho thu nhập cao với cơ cấu chủ yếu cây bí xanh, dưa chuột, mướp, rau vụ đông... lên đến trên 60 ha và trên diện tích này cho thu nhập ổn định, bình quân trên 150 triệu đồng/ha. 
 
- Trong cuộc “cách mạng” dồn điền, đổi thửa, thường vai trò của cán bộ, đảng viên phải phát huy cao độ theo tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Cán bộ, đảng viên “đi trước” rồi còn có nhiệm vụ “dân vận”… Thực tế vấn đề này ở Cẩm Sơn thì như thế nào, thưa đồng chí?
 
- Ở Cẩm Sơn, mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng các cấp thì cán bộ, đảng viên phải đều gương mẫu chấp hành thực hiện trước. Trong công tác dồn điền, đổi thửa cũng vậy, sau khi có nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết, theo đó, ngoài việc phải “thông trong nhà” thì cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu nhận trước, nhận duy nhất một thửa, một loại đất; chỗ nào nhân dân còn chần chừ thì cán bộ, đảng viên xung phong bốc thăm và nhận ngay. Mỗi cán bộ, đảng viên không những chấp hành thực hiện tốt trong phạm vi gia đình mình, mà phải làm tốt công tác dân vận, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Mặt khác, thống nhất trước trong Đảng bộ chính sách ưu tiên cho các gia đình chính sách nhận những vùng đất đất bãi, đất tốt và làm sao trước hết gia đình của cán bộ, đảng viên đều đồng tình cao… 
 
- Cảm ơn đồng chí, mong rằng từ kinh nghiệm thực hiện thành công chủ trương dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cấy trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, Đảng bộ Cẩm Sơn sẽ tiếp tục phát huy để luôn đưa mọi nghị quyết đi vào cuộc sống, với mục tiêu cao nhất vì quyền lợi của người dân! 
 
 
Hữu Nghĩa(Thực hiện)